Đầu hiệp 2 trận giao hữu Italia hòa Brazil, Alessio Cerci và Stephan El Shaarawy được Prandelli tung vào sân. Italia chuyển sang chơi với sơ đồ 4-3-3 mạnh về tấn công biên, lập tức chơi khởi sắc và lội ngược dòng thành công. Cerci có trận ra mắt đội tuyển ở tuổi 25, không góp công trực tiếp vào bàn thắng nào, nhưng đã chơi tốt hơn so với kỳ vọng.
Khả năng đi bóng tốc độ của cầu thủ đang chơi cho Torino giúp cánh phải của đội tuyển tạo ra nhiều đột biến hơn hẳn trong 45 phút cuối. Mario Balotelli trở thành trung tâm vì nhận được nhiều bóng hơn, như khi anh chơi ở Milan. Cerci, và El Shaarawy bên cánh đối diện, liên tục xuyên phá bằng những pha đi bóng trái chân theo hướng bó vào trung lộ. Đó là tiền đề tạo ra một trận hòa nhiều dấu ấn tích cực.
Cersi là mẫu cầu thủ mà HLV Prandelli đã tìm kiếm từ lâu
Prandelli đã tìm kiếm mẫu cầu thủ như Cerci từ lâu. Sau Camoranesi, bóng đá Ý khan hiếm tiền đạo cánh giỏi, vì phần lớn các đội bóng tại Serie A vẫn dùng những hậu vệ biên (trong các hệ thống thiên về tấn công trung lộ), hoặc hậu vệ/tiền vệ cánh, trong sơ đồ có 3 cầu thủ phòng ngự. Cùng lứa với Cerci chỉ có Schelotto của Inter là tiềm năng. Nhưng anh này thì đang “sa lầy” ở đội bóng mới, nên không còn được triệu tập lên tuyển từ lần ra mắt trong trận giao hữu gặp Anh hồi tháng 8/2012. Candreva cũng có thể chơi ở vị trí này, nhưng anh giỏi sút xa và quấy rối hơn là xuyên phá như Cerci.
Cerci không có cơ hội chơi cho đội tuyển tại EURO 2012, bởi vì ở kì giải đó, Azzurra chơi với các hệ thống sử dụng hai tiền đạo đá song song. Nhưng ở thời điểm này, khi El Shaarawy và Balotelli đang kết hợp hoàn hảo trong sơ đồ 3 tiền đạo, Prandelli không muốn lãng phí sự am hiểm nhau giữa hai anh trong sơ đồ 4-3-3. Và vì thế, Cerci trở thành mảnh ghép còn thiếu.
Alessio Cerci trưởng thành từ hệ thống đào tạo trẻ của AS Roma. Thầy của anh ở đội trẻ chính là "thần gió" Bruno Conti, cầu thủ chạy cánh huyền thoại của Azzurra tại Espana 82. Cerci giống Conti cả ở dáng người, cái chân trái, lẫn những cú sút xa. Tiềm năng của anh được ông Conti sớm nhận ra, và Fabio Capello, huấn luyện viên trưởng của Roma khi đó, nhanh chóng thông qua trợ lý của mình là Italo Galbiati, đôn Cerci lên tập cùng đội Một. Ông bị mê hoặc ngay lập tức, cho Cerci ra mắt chính thức vào tháng 5/2004, trước Sampdoria trong trận hòa 0-0.
Nhưng tài năng của Cerci chỉ được phát tiết khi anh lọt vào tay Giampiero Ventura, khi đó còn làm HLV cho Pisa ở Serie B. Cerci nhanh chóng bung hết mọi khả năng anh có trong sơ đồ siêu tấn công 4-2-4 mà Ventura là một tín đồ. Giống như hiện tại ở Torino, anh đang tỏa sáng cũng trong hệ thống này, dưới tay Ventura.
Quá trình sự nghiệp của Cerci cho thấy, anh chỉ thể hiện được hết các phẩm chất của mình khi được đặt vào hoàn cảnh phù hợp: thoải mái trong các mối quan hệ (như với “cha” Ventura hiện nay), với hệ thống chơi của đội bóng (4-2-4, 4-4-2), và có sự trưởng thành nhất định về tínhcách.
Ra mắt đội tuyển quốc gia ở tuổi 25 đúng là hơi muộn, nhưng với Cerci, đây lại là độ tuổi anh vừa chín tới cả về tài năng lẫn tính cách. Từ một cậu bé chuyên sưu tập vé phạt tại các bãi đỗ xe bên ngoài sân Artemio Franchi với một phong thái cư xử bất cần, đến việc trở thành một chiếc Ferrarri quyền lực bên hành lang phải của Azzurra, dưới thời Prandelli, chẳng còn bao xa nữa.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)