Lại một tân binh nữa ghi bàn ra mắt Milan mùa này ở Serie A. Sau một Adil (Rami) là một Adel (Taarabt), người đã cứa lòng đẹp mắt ghi bàn danh dự cho đội đỏ-đen trong trận thua Napoli 1-3. Nhưng chỉ chừng đó là chưa đủ, khi cả đội chơi quá tồi.
Sức bật từ các tân binh
Taarabt là cầu thủ thứ 9 ghi bàn ra mắt Milan mùa này, và đến nay, đã có 16 cầu thủ ghi bàn cho Milan tại Serie A - nhiều nhất giải. Một kết luận nhanh: Đội Milan rất thiếu sức bật này đang cố dùng sự nhiệt tình của các tân binh tạo động lực. Họ không còn những ngôi sao như Ibrahimovic trước kia để cậy nhờ.
Bản thân Taarabt chưa chắc coi việc chơi bóng cho Milan “là một vinh dự”, như anh nói. Một năm trước, khi Milan theo đuổi, Taarabt đã lắc đầu để ở lại QPR, rồi đầu quân cho Fulham theo dạng cho mượn Hè 2013. “Milan không còn là đội bóng hàng đầu”, anh trả lời Gazzetta dello Sport khi ấy. Sau khi thất bại ở Fulham, vẫn lời Taarabt: “Chơi bóng cho Milan là một vinh dự lớn… Tôi hạnh phúc ở đây”. Anh cần Milan để cứu vãn sự nghiệp.
Đội bóng vừa chấp nhận phân chia 1/2 quyền lực điều hành vào tay Barbara Berlusconi, người trông két sắt cho nhà Berlusconi, đương nhiên thích anh: có tài, trẻ, lương chấp nhận được và quan trọng nhất: Giá 0 euro. Milan đã có tới 4 hợp đồng miễn phí mùa Đông này, gồm 2 cầu thủ đi mượn và 2 người ký hợp đồng dài hạn. Họ cậy nhờ những con người ấy tạo động lực. Những Honda, Kaka hay Rami, đều đã phần nào thể hiện được khả năng và đã ghi bàn nhưng sau đó, không thể kéo cả đội đi lên. Vì họ không phải siêu sao. Giờ là Taarabt. Anh đã ghi bàn ngay chạm thứ 5 trận đêm qua, và Gazzetta dello Sport chọn anh là cầu thủ hay nhất trận. Nhưng sau đó là gì?
Milan không giống một đội bóng
Những ai xem trận đấu dễ dàng nhận ra sự tương phản của hai đội: Napoli chơi pressing rất ấn tượng, với đôi cánh năng động Insigne – Mertens, và khi bị dẫn bàn, đã nhanh chóng siết lại đội hình để phản công. Milan thời Seedorf bốc đồng, chơi dựa nhiều vào nỗ lực từng cá nhân đơn lẻ và thiếu kết dính. Trong ba bàn thua, trừ cú sút đẳng cấp của Inler, 2 bàn còn lại phản ánh khả năng tổ chức phòng ngự rất kém của đội khách.
Các nhà báo nói rất nhiều đến Clarence Seedorf và hiệu ứng tinh thần cho Milan, nhưng chuyện cho một cầu thủ như Philippe Mexes đeo băng đội trưởng, chỉ vì “cậu ấy đã nghỉ thi đấu một thời gian và chúng tôi muốn cậu ấy có thêm động lực và trách nhiệm”, như Seedorf lý giải, là cách làm tùy tiện. Trên sân còn Abbiati, cầu thủ lớn tuổi nhất; còn De Jong, thủ lĩnh lối chơi thật sự. Phải chăng, tấm băng đội trưởng Milan đã không còn giữ được giá trị vốn có nữa, và giờ chỉ được dùng động viên tinh thần một cá nhân? Ngay Montolivo, đội trưởng thật sự, cũng không có nhiều tiếng nói trong phòng thay đồ.
Mùa giải này coi như đã vứt đi, khi Milan không thắng trận thứ 11 liên tiếp trước các đội tốp đầu và hiện kém tốp ba 18 điểm. Màu áo đỏ-đen nhạt nhòa, nhưng không thể trách Seedorf. Anh mới đến, đã cố gắng hết sức và đang làm tất cả những gì có thể. Hãy trách thời thế. Hãy trách khủng hoảng, khi nhà Berlusconi không còn muốn chi tiền như trước. Những bản hợp đồng miễn phí được chào đón như những người hùng, tỏa sáng ở một khoảnh khắc nào đó để tạo hy vọng, rồi nhạt nhòa. Ai sẽ nhớ những Cassano, van Bommel, Legrottaglie, Zaccardo, rồi Birsa…? Với một triết lý tạm bợ, đội bóng thành cái chợ, và chu kỳ nhàm chán ấy sẽ tiếp tục cùng Taarabt?
Đừng hy vọng gì ở Champions League, dù Atletico Madrid vừa bất ngờ thua Almeria.
Theo Thể Thao Văn Hoá