Hai năm trước, Bundesliga từng gây chú ý với việc trải thảm đỏ chào đón những lão tướng như Michael Ballack, Raul Gonzalez, Mauro Camoranesi hay Mikael Silvestre. Còn năm nay, mục tiêu hàng đầu của các đội bóng Đức lại là những cầu thủ trẻ giàu tiềm năng.
Xu hướng Hè 2012
Săn các tài năng trẻ là một điểm nhấn của thị trường chuyển nhượng Bundesliga mùa hè này. Các đội bóng từ lớn tới nhỏ sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ để chiêu mộ những viên ngọc thô không chỉ của Đức mà của khắp châu Âu. Hôm qua, trang Spox cho biết Leverkusen đang theo đuổi Dani Carvajal của Real Madrid và sẵn sàng chi tới 8 triệu euro để có được chữ ký của hậu vệ phải 20 tuổi này. Trước đấy, Leverkusen cũng đã bỏ ra 7,5 triệu euro cho trung vệ 23 tuổi Philipp Wollscheid của Nuremberg.ài năng trẻ Marco Reus (áo trắng) đang là cầu thủ có giá cao nhất trong kỳ chuyển nhượng này
Dortmund dù phải chinh chiến tại Champions League cũng vẫn trung thành với chiến lược phát triển dựa vào tài năng trẻ. Bên cạnh đôn các cầu thủ từ tuyến dưới lên, HLV Juergen Klopp tiếp tục mang về những cầu thủ U-23 như tiền đạo Marco Reus (M’Gladbach, 23 tuổi, 17 triệu euro), tiền đạo Julian Schieber (Stuttgart, 23, 6) hay tiền vệ Leonardo Bittencourt (Leipzig, 18, 3). Trong số 29 cầu thủ Dortmund hiện nay chỉ có sáu người trên 23 tuổi.
Gladbach trong lần hiếm hoi “đi chợ” cũng đầu tư vào các cầu thủ trẻ. Đội bóng này đã mang về bốn tân binh, tất cả đều thuộc độ tuổi U-23. Gladbach đã chi 8,5 triệu euro cho Granit Xhaka (Basel, 19 tuổi), 400.000 euro cho Branimir Hrgota (Jonkoping, 19), 2,5 triệu euro cho Peniel Mlapa (Hoffenheim, 21) và 8 triệu euro cho Alvaro Dominguez (Atletico, 23). Hôm qua, người đại diện của Twente cũng cho biết giám đốc thể thao của M’Gladbach, Max Eberl, cũng đã có buổi làm việc với đội bóng Hà Lan về việc chiêu mộ trung phong 21 tuổi Luuk de Jong.
Đầu tư mạo hiểm
Các đội bóng dám mạnh dạn đặt niềm tin vào các viên ngọc thô bởi lợi ích cả về khía cạnh thể thao lẫn kinh tế đều rất hấp dẫn. Về mặt lối chơi, với sự xuất hiện của những ngôi sao như Raul hay Ballack, các đội bóng gần như sẽ tập trung hoàn toàn vào những lão tướng này. Trong khi đó, với các tài năng trẻ, các HLV có thể xây dựng những chiến thuật phù hợp với triết lý cũng như lực lượng hiện có. Đấy là lý do Dortmund trước đây không chiêu mộ Miroslav Klose mà thay vào đấy, đầu tư vào Robert Lewandowski, khi đó mới ở dạng tiềm năng.
Về mặt kinh tế, Schalke hay Leverkusen đã phải chi từ 11-14 triệu euro cho hai năm hợp đồng với một ngôi sao trong khi đó, với số tiền này, có thể mua tới hai tài năng trẻ. Nếu những viên ngọc thô này tỏa sáng, các CLB sẽ thu về được lợi nhuận khổng lồ. Năm 2008, Wolfsburg mua Edin Dzeko với giá vỏn vẹn 4 triệu euro nhưng chỉ ba năm sau, đã bán chân sút này cho Man. City với giá lên tới 37 triệu euro. Hay hai năm trước, Dortmund chỉ mất 350.000 euro để có được Shinji Kagawa nhưng mới đây, đã thu về khoảng 15 triệu euro nhờ bán tiền vệ Nhật Bản cho Man. United.
Tuy nhiên, đầu tư vào các tài năng trẻ cũng là một canh bạc thực sự. Không ít đội bóng từng phải ôm hận khi chi cả núi tiền cho các mầm non nhưng chờ mãi vẫn không hái được quả. Chẳng hạn như Bayern, năm 2008, chi tới 12 triệu euro để mua Breno, khi đó mới 17 tuổi, từ Sao Paolo nhưng trong bốn mùa giải vừa qua, trung vệ này chỉ thi đấu được 21 trận. Đã vậy, Breno còn làm hoen ố hình ảnh của “Hùm xám” khi nửa năm trước, trầm cảm do thi đấu kém cỏi, đã tự tay đốt nhà và đang phải đối mặt với án tù lên tới gần bốn năm.
Nói chung, đầu tư vào các cầu thủ trẻ hứa hẹn nhiều thành công nhưng đồng thời, cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Nếu có chiến lược phát triển phù hợp như của Dortmund, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn còn ngược lại, bắt các mầm non chín ép, khả năng thất bại sẽ tăng vọt.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)