Sau 10.316 ngày bị chia cắt bởi bức tường Berlin, con người nơi đây đã biến văn hóa bóng đá ở Berlin không giống một nơi nào khác ở khắp thế giới.
Ngày 13/8/1961, bức tường Berlin bắt đầu hình thành. Đứng sừng sững suốt 10.316 ngày, bức tường ngăn cách giữa Đông và Tây, giữa hai hệ tư tưởng, giữa hai cường quốc từng chia cực thế giới sụp đổ vào ngày 9/11/1989.
|
Bức tường Berlin tạo nên thứ văn hóa đặc biệt của bóng đá Berlin. |
Câu chuyện về bức tường Berlin là hình ảnh biểu tượng về thế kỷ 20, về cuộc chiến tranh khốc liệt bậc nhất trong lịch sử loài người và những hệ lụy của nó còn kéo dài cho đến ngày nay. Berlin là nơi mầm mống phát xít nhen nhóm rồi bùng cháy, cuốn cả thế giới vào ngọn lửa chiến tranh. Cùng một thành phố, người ở hai nửa phía Đông và phía Tây sống dưới những hệ tư tưởng khác nhau, để rồi cho đến bây giờ những thứ ấy vẫn còn tạo nên sự khác biệt.
Ngày 6/2/2018, 10.316 ngày nữa trôi qua kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, người ta vẫn thấy thấp thoáng hình bóng của nó, biểu hiện cả ra mặt ta đang nhắc đến ở đây. Tiêu biểu cho nền văn hóa phía Tây là Hertha Berlin, còn phía đông là Union Berlin.
Là thủ đô của Đức - một trong các quốc gia có ảnh hưởng bậc nhất châu Âu và thế giới - bóng đá của Berlin lại không được biết đến nhiều. Cho đến giờ, Hertha Berlin được đánh giá là đội bóng thành công nhất của thủ đô với chức vô địch quốc gia lần gần nhất vào năm 1931, trước thời điểm Bundesliga ra đời đến 32 năm.
Trong suốt thế chiến hai, "Die Alte Dame" (bà đầm già, biệt danh của Hertha - PV) là đội bóng có thiên hướng theo Đảng quốc xã (Nazi). Sân Olympiastadion hoành tráng với 74.000 chỗ ngồi được xây dựng bởi kiến trúc sư trưởng của Hitler, Albert Speer vào năm 1936. Chủ tịch của câu lạc bộ cho đến trước thế chiến là Hans Pfeifer, một thành viên của Nazi do Hitler cất nhắc để duy trì ý thức hệ đảng phái.
Hertha vẫn sở hữu đội ngũ cổ động viên hoạt động năng nổ nhất trong số những đội bóng ở Berlin, với số khán giả đến sân trong mỗi trận giữ ở mức trung bình 50.000 người. Sân nhà của họ cũng nằm trong khu vực giàu có Charlottenburg, thế nên Hertha luôn được coi là câu lạc bộ của Berlin, với đội ngũ cổ động viên trải khắp thành phố.
|
Từng có thời, người hâm mộ bóng đá Berlin chỉ có thể nhìn sang bên kia qua bức tường. |
Helmut Klopfeisch là một cổ động viên nổi tiếng của Hertha, cũng là một trong số hàng nghìn ở Đông Berlin hâm mộ đội bóng, từng bị mắc kẹt dưới hàng rào thép gai khi bức tường Berlin dần được dựng lên và từng nghĩ không bao giờ được thấy đội bóng yêu thích thi đấu. Ông từng làm bất cứ gì để hưởng bầu không khí mỗi khi Hertha ghi bàn, như ghé tai vào sát bức tường để nghe đám đông hò hét, tham gia vào hội cổ động viên Hertha bí mật ở phía Đông thành phố, gặp nhau một cách kín đáo trong các quán bar hay cà phê.
Hai ngày sau khi bức tường Berlin sụp đổ, 15.000 cổ động viên từ phía đông tràn sang để được tận mắt chứng kiến đội bóng yêu thích của họ thi đấu lần đầu tiên sau 30 năm.
Ở phía bên kia bức tường, câu lạc bộ từng đại diện cho phía Đông là Union Berlin. Nằm ở giữa khu vực rừng Kopenick, đội bóng được thành lập vào năm 1966, là đại diện điển hình cho tầng lớp lao động, khác hoàn toàn so với Hertha vốn luôn được giới chính trị nâng đỡ, lại nằm ở khu vực giàu có của thành phố.
Ban đầu câu lạc bộ được gọi là Eisern Union (Liên đoàn lao động), hay có biệt danh khác là "Liên minh sắt" với đồng phục thường mô phỏng theo trang phục của các công nhân ngành sắt thép địa phương. Là đội bóng của tầng lớp lao động nên văn hóa của câu lạc bộ cũng thiên về hướng này. Tiêu biểu như năm 2008 khi sân An der Alten Forsterei cần sửa chữa, câu lạc bộ không đủ điều kiện về tài chính, 1.600 cổ động viên của Union tình nguyện chung tay đóng góp 14.000 giờ lao động để trực tiếp tham gia vào quá trình cải tạo sân, sửa các bậc cầu thang, lắp thêm mái.
Đóng góp của họ tương đương với việc giúp câu lạc bộ tiết kiệm được 2 triệu euro. Một sự trợ giúp đáng yêu, đặc sệt thứ tinh thần của Liên minh công - nông mà những người ở phía Đông từng được truyền bá dưới sức ảnh hưởng của Liên Xô.
|
Hertha và Union là hai CLB mang tính đại diện cho bóng đá Berlin. |
Ngày 27/1/1990, chỉ 79 ngày sau khi bức tường sụp đổ, Hertha lần đầu tiên chạm trán Union. Đơn thuần chỉ là trận giao hữu trên sân Olympiastadion, không hận thù, không bạo lực, không có sự phân biệt giữa hai phía Đông và Tây. Thay vào đó, các cổ động viên đứng sát bên nhau, trả những lệ phí tượng trưng bằng những đồng tiền khác nhau, cùng cất lên tiếng ca về một thành phố thống nhất. Đó là khởi đầu cho sự đoàn kết của thành phố từng bị chia tách bởi một bức tường, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Hôm đó, Hertha thắng 2-1 và hai đội chẳng gặp lại nhau cho đến tháng 9/2010, lần đầu tiên chạm mặt ở một giải đấu chính thức. Trong vòng 52 năm, hai đội chỉ gặp nhau 4 lần ở những giải đấu chính thức, bởi trận derby Berlin bị ngăn cách bởi 10.316 ngày.
Trong hơn mười nghìn ngày đó, ở phía Đông của bức tường, dery Berlin không phải là cuộc chạm trán giữa Hertha và Union. Thay vào đó, đối thủ của Union là Dynamo, hay còn được gọi với cái tên đầy đủ là Berliner FC Dynamo. Đó là đội bóng được hậu thuẫn bởi người đứng đầu lực lượng an ninh phía Đông, Erich Mielke.
Ở thập niên 70, đội bóng hay nhất ở Đông Đức là Dynamo Dresden, tập thể giành đến năm chức vô địch Oberliga. Erich Mielke đã chuyển họ tới thủ đô và giúp họ trở thành một biểu tượng của Berlin. Họ vô địch Oberliga thêm 10 lần nữa khi người ta tin rằng Mielke đã dùng quyền lực của mình để mang về những cầu thủ giỏi nhất Đông Đức đến đây. Đội bóng dần suy yếu khi bức tường Berlin sụp đổ bởi không được hậu thuẫn bởi giới chính trị, giờ chỉ còn chơi ở hạng tư trong hệ thống giải vô địch quốc gia Đức.
|
Dynamo Dresden giờ chỉ là hoài niệm. |
Hertha và Union giờ là hai đội bóng lớn nhất của Berlin nhưng chưa dừng lại ở đó, thành phố này có thêm những đội bóng mang đặc trưng của những con người có nguồn gốc xuất thân khác nhau. Turkiyemspor Berlin và AK Berliner 07, Jewish, TuS Makkabi Berlin là đội bóng của những người có gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Người gốc Ba Lan có Polonia Berlin, người gốc Croatia thì cổ vũ cho SD Croatia Berlin. Chính những đội bóng này đã mang đến sự đa dạng cho bóng đá Berlin, trở thành khối gắn kết dân tộc ở một thành phố từng bị chia rẽ.
Văn hóa bóng đá ở Berlin không giống một nơi nào khác ở khắp thế giới. Chẳng thành phố nào trong thế kỷ 20 bị chia rẽ trong thời bình, sống dưới hai hệ tư tưởng khác nhau như Berlin để rồi khi bức tường sụp đổ, họ càng trân trọng hơn giá trị của sự thống nhất. Ở Berlin, người ta nghĩ đến thực thể là thành phố của họ, thứ hai mới là màu cờ sắc áo câu lạc bộ. Hãy thử ngồi trên khán đài của trận derby Berlin giữa Hertha và Union nếu có cơ hội, để cảm nhận sự cạnh tranh trong thống nhất.
Tây Đức và Euro 1972: Mười năm sau sự ra đời của Bundesliga(Bongda24h) - Người Anh, Tây Ban Nha hay Italia đều từng coi thường Bundesliga, giải đấu sinh sau đẻ muộn trong số những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu...
* Theo Thesefootballtimes
Như Đạt (Bóng Đá 24h)