Khoảng cách giữa bộ đôi Dortmund – Bayern so với phần còn lại của Bundesliga tạm thời đã là 9 điểm. Đó là một cách biệt lớn đối với một giải đấu chỉ diễn ra trong 34 vòng. Một câu hỏi lớn: Thế lưỡng cực hiện tại, với sự thống trị của bộ đôi kể trên, có thể biến Bundesliga thành một Liga thứ hai?
Có thể
Chiến thắng trước Augsburg là thắng lợi thứ 5 liên tiếp của Bayern tại Bundesliga, và nó nằm trong chuỗi 9 chiến thắng kéo dài hơn một tháng vừa qua tính trên mọi mặt trận. Dortmund thậm chí đã bất bại 13 trận liên tiếp từ giữa tháng 12 năm ngoái đến giờ (thắng 11 trong đó). Trừ Barcelona và Real Madrid ở Liga, rất ít đội lớn thuộc hệ thống 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu giữ được phong độ ổn định nhường ấy trong giai đoạn mà thể lực và cảm hứng thi đấu bị vắt kiệt này: Milan đã không thắng 4 trận liên tiếp (2 ở Serie A), Man City, đội nhì bảng Premier League, chỉ thắng 1 trận ở giải Ngoại hạng suốt một tháng qua.
Bayern đang bám đuổi Dortmund
Khoảng cách giữa Bayern và Dortmund so với phần còn lại thậm chí rất nhiều lần bộc lộ chỉ trong 90 phút ngắn ngủi: Mùa bóng này, Bayern đã có 4 lần ghi từ 5 bàn trở lên vào lưới các đối thủ, và thậm chí là lập thành tích ấy trong 2 vòng liên tiếp (thắng Hoffenheim 7-1 và sau đó thắng Hertha Berlin 6-0). Dortmund thì 2 lần làm được điều ấy ngay trên sân khách (5-1 trước Hamburg và 6-1 trước Cologne). Nên nhớ là Real Madrid của những kỷ lục mùa này cũng “chỉ” có 7 lần ghi được từ 5 bàn trở lên vào lưới các đối thủ ở Liga, còn Barcelona là 6 lần.
Chất lượng đội ngũ cũng là một lý do: Mario Gomez, chân sút đã lập cú đúp giúp Bayern chiến thắng ở vòng này, chính là người được đưa về từ nhà vô địch Bundesliga mùa 2006-2007 là Stuttgart. Mùa tới, Bayern sẽ đón trung vệ trụ cột Dante của “hiện tượng” Gladbach. Tương tự, Dortmund cũng đã “đặt chỗ” cho Marco Reus tại S.I.P mùa sau. Họ đang “hút máu” con ngựa ô cứng đầu nhất ở Bundesliga mùa này.
Không thể
Bundesliga là giải đấu thiếu ổn định bậc nhất ở châu Âu hiện nay: Có 5 đội bóng đã lần lượt thay nhau giương cao Đĩa bạc trong một thập kỷ qua, và mùa bóng nào, cũng có một vài đội bóng cứng đầu nổi lên, thậm chí là cạnh tranh ngôi vô địch. Mùa này, Gladbach là ví dụ rõ ràng nhất: Họ thậm chí đã suýt xuống hạng mùa trước, nhưng giờ thì là ứng cử viên đi Champions League mùa sau, dù lực lượng không có quá nhiều xáo trộn sau một mùa bóng.
Tính bất ngờ được tạo ra liên tục như thế luôn khiến Bundesliga trở thành cái bẫy mà sau mỗi mùa bóng thì cái bẫy ấy lại tinh vi, phức tạp hơn. Rất khó để duy trì sự ổn định trong bối cảnh ấy.
Một lý do khác là việc miếng bánh bản quyền truyền hình được chia đều hơn, dựa trên đánh giá thành tích một cách khá khách quan trong 4 mùa giải gần nhất. Điều đó giải thích tại sao dù Dortmund là đội vô địch mùa trước, họ vẫn chỉ xếp thứ 8 trong danh sách các đội được phân phối tiền bản quyền truyền hình. Một nguồn thu khác là bán vé cũng tạo ra chênh lệch không quá kinh khủng, vì phần lớn các sân ở Bundesliga hiện nay đều chật khán giả.
Cơ chế phân phối tài chính hợp lý ấy không đào sâu cách biệt về tài chính, không giống như ở Liga, nơi một đội ở tốp 4 như Valencia có thể kiếm ít hơn Madrid và Barca đến gần nửa tỷ euro trong nửa thập kỷ, khi miếng bánh bản quyền được chi trả theo diện “ưu tiên” theo gói: 2 thế lực lớn nhất của TBN thu về chừng 125 triệu euro/ năm, trong khi một đội trung bình ở Liga như Racing chỉ thu về chừng 42 triệu.
Khi Luật Công bằng tài chính mà UEFA ban hành chính thức có hiệu lực và sửa đổi được các lỗ hổng hiện tại, cơ hội để phá vỡ thế lưỡng cực của các đội bóng chiếu dưới ở Bundesliga lại càng lớn, và ít nhất là họ có lý do để lạc quan, dù mùa bóng này, Bayern và Dortmund đang thể hiện sức mạnh vượt trội.