Borussia Dortmund đã ở bên bờ vực phá sản vào năm 2003, thậm chí không trả nổi lương cho cầu thủ và phải nhận một khoản viện trợ ít người ngờ tới: vay 2,6 triệu USD từ kình địch Bayern Munich. Một thập kỷ sau, những đội bóng đó sẽ gặp nhau ở chung kết Champions League, trận chung kết toàn Đức đầu tiên trong lịch sử.
Sau khi Dortmund đè bẹp Real Madrid 4-1 ở bán kết lượt đi, các cầu thủ áo vàng đen đã ngồi lại trên sân Westfalen, lắng nghe các CĐV ca vang tên họ. “Một thông điệp rõ ràng cho cả châu Âu”, phát thanh viên đài truyền hình công cộng Đức DW tự hào tuyên bố.Mario Goetze là trái ngọt từ hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Đức
Người Đức đã chuẩn bị cho ngày này
Chỉ trong vài ngày, hai đội bóng Đức đã lần lượt loại những đại gia TBN một cách thuyết phục. Bayern thậm chí còn làm tốt hơn Dortmund khi đè bẹp Barcelona với tổng tỉ số 7-0 sau 2 lượt trận và hiện được coi là đội bóng mạnh nhất hành tinh.
Thực ra, giải Bundesliga của Đức chưa bao giờ có được độ phủ toàn cầu như Premier League của Anh. Những CLB hàng đầu từ Bundesliga chỉ được biết đến rộng rãi qua các trận Champions League, và những cầu thủ giỏi nhất chơi ở đây thì qua các giải của ĐTQG như World Cup hay Euro. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của bóng đá Đức không phải là điều gì ngạc nhiên với những người theo dõi Bundesliga thường xuyên.
“Đó không phải là điều thần kỳ một đêm”, John Carlin, nhà báo chuyên về bóng đá của nhật báo TBN El Pais và đã có sách xuất bản về Real Madrid, bình luận. “Người Đức đã chuẩn bị sẵn cho ngày này”. “Không có danh hiệu nào là chắc chắn”, Wolfgang Niersbach, chủ tịch LĐBĐ Đức (DFB), nói. “Ở đẳng cấp này, những sai biệt nhỏ nhất, bao gồm may mắn, cũng làm thay đổi kết quả. Nhưng Bayern và Dortmund đã làm được điều kỳ diệu cho bóng đá Đức ở Champions League”.
Ông tin rằng bí quyết nằm ở sự hợp tác chặt chẽ giữa DFB và Bundesliga trong đào tạo trẻ. “Bí mật chính là chỗ đó”, Niersbach nói. Đức đã đầu tư gần 1 tỉ USD vào các chương trình đào tạo bóng đá trẻ trong thập kỷ qua, thông qua hệ thống hai cấp bậc với các đội trẻ nằm trong đội chuyên nghiệp và các trung tâm huấn luyện độc lập do DFB quản lý.
Trái ngọt từ đào tạo trẻ
Hệ thống này được phát triển sau màn trình diễn tệ hại của đội tuyển Đức ở Euro 2000, khi họ không thắng nổi trận nào và chỉ ghi được 1 bàn. Hiện giờ thì những người Đức đang sở hữu các cầu thủ trẻ xuất sắc nhất thế giới. Trong 44 cầu thủ trên toàn thế giới đã đá chính ở bán kết Champions League, 14 là thành viên của đội tuyển Đức, bao gồm 2 trụ cột của Real Madrid, Sami Khedira và Mesut Ozil.
“Bóng đá Đức có nguồn cung cầu thủ trẻ tài năng hết sức dồi dào”, Daniel Saurenz, một nhà phân tích kinh tế học và thể thao tại Trung tâm nghiên cứu Feingold, phân tích. “Bundesliga là giải đấu lành mạnh nhất về tài chính và đào tạo trẻ ở châu Âu, với một khoảng cách xa so với phần còn lại. Các đội bóng rất cân bằng, không phụ thuộc vào nhà tài trợ lớn duy nhất nào”.
Borussia Dortmund đã trở lại cách phát triển bền vững đó sau chiến thắng duy nhất của họ ở Champions League tới nay vào năm 1997. Họ đổ tiền vào những hợp đồng đắt giá, mua về những cầu thủ tệ hại với hy vọng ở lại đỉnh cao, nhưng rồi mọi việc không như dự tính và CLB suýt nữa thì phải phá sản. Đào tạo trẻ, kể từ năm 2005, đóng vai trò định hướng cho đội bóng. Sự có mặt của HLV Jurgen Klopp càng khiến chính sách này được đẩy mạnh, giúp Dortmund sản sinh ra những tuyển thủ Đức Marco Reus và Mario Gotze.Gerhard Delling, bình luận viên bóng đá ở Đức, nói những tài năng trẻ đó và 2 chức vô địch Bundesliga liên tiếp của Dortmund đã buộc Bayern Munich cũng phải thay đổi. “Bị Dortmund chọc giận hai lần liên tiếp là điều tồi tệ nhất với Bayern trong nhiều năm qua”, Delling nói. “Họ thấy mình phải tích cực hơn”. Vì tất cả những điều đó, trận chung kết ngày 25/5 tới ở Wembley có lẽ là trận đấu đáng chờ đợi nhất của bóng đá cấp CLB tại châu Âu suốt nhiều năm qua.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)