Kể từ ngày ông Falko Goetz bị Hertha sa thải vào tháng 4/2007, đội bóng thủ đô Berlin đã trải qua thêm 4 đời huấn luyện viên và cũng đã phải 1 lần xuống chơi ở giải hạng Nhì. Ở mùa giải 2011-2012 sắp sửa khai màn, Hertha sắm vai một tân binh, song thầy trò ông Markus Babbel hẳn sẽ không dễ bị bắt nạt như những kẻ khác mới chân ướt chân ráo lên chơi ở Bundesliga.
Tính từ khi Bundesliga chính thức ra đời vào năm 1963, ông Goetz (giờ là HLV trưởng ĐTVN) là huấn luyện viên thứ 31 trong lịch sử Hertha, đã tại vị ngót nghét 3 năm, từ 2004 đến 2007. Ông từng giúp Hertha về đích thứ tư mùa 2004-2005 và thứ sáu mùa 2005-2006. Ông Goetz cũng từng xây dựng cho Hertha một hệ thống đào tạo trẻ khá bài bản. Nhưng trải qua 4 năm với 4 nhà cầm quân khác nhau, ở Hertha bây giờ, dấu ấn còn lại của ông Goetz gần như chỉ là con số không.
Trở lại sau 1 năm ngụp lặn ở hạng Nhì, Hertha đang nóng lòng lấy lại những gì đã mất. Với 29 mùa dự Bundesliga, Hertha Berlin không phải một tay mơ, dù họ chưa bao giờ chạm được tay vào chiếc Đĩa bạc danh giá. Hertha cũng đã từng phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, kéo dài từ năm 1980 đến 1997, khi phần lớn thời gian này phải chơi ở giải hạng Nhì, thậm chí hạng Ba. Phải đến khoảng hơn 10 năm gần đây, đội bóng thủ đô mới dần khởi sắc, đạt được những thành tích tốt như vị trí thứ ba (1998-1999), thứ tư (2001-2002, 2004-2005).
Huấn luyện viên Markus Babbel của Hertha Berlin được cả những đồng nghiệp nổi tiếng như Jose Mourinho đánh giá cao về tài năng
Tuy nhiên, mùa 2009-2010, do những mâu thuẫn ở thượng tầng đội bóng cùng sự sa sút bất ngờ của hàng loạt trụ cột, Hertha đã phải xuống hạng lần đầu kể từ năm 1997. Việc phải xuống chơi ở giải hạng Nhì đã khiến đội bóng thủ đô đánh mất hàng loạt trụ cột như thủ môn Jaroslav Drobny (sang Hamburg), hậu vệ Arne Friedrich (Wolfsburg), Lukas Piszczek (Dortmund) hay tiền vệ Gojko Kacar (Hamburg). Để có thể quay trở lại Bundesliga, ban lãnh đạo Hertha đã lên một kế hoạch tái thiết khá bài bản. Đầu tiên, đội bóng này mời huấn luyện viên trẻ Markus Babbel về để xây dựng lại từ vạch xuất phát. Đây là một cách làm hợp xu hướng và cũng đúng với truyền thống của đội này.
Tiếp đó, Hertha đã khôn ngoan đưa ra những đề nghị hấp dẫn cả về lương thưởng cùng một kế hoạch dài hơi với cơ hội được đá chính để thu nạp các cầu thủ có chuyên môn khá nhưng bị thất sủng ở các đội lớn theo dạng tự do. Bên cạnh đó, lò đào tạo trẻ của họ cũng xuất xưởng những gương mặt xuất sắc như tiền đạo Pierre-Michel Lasogga. Cộng thêm sự ủng hộ của các cổ động viên (trung bình mỗi trận vẫn có trên 50.000 người tới sân), Hertha đã giành chức vô địch giải hạng Nhì và thăng hạng một cách thuyết phục chỉ sau đúng một năm.
Để trụ lại được ở hạng cao nhất của giải vô địch Đức, trong mùa Hè này, đội bóng thủ đô lại áp dụng chính sách chuyển nhượng tương tự. Vẫn nhờ tài thương thuyết, Hertha đã chiêu mộ được nhiều gương mặt khá tên tuổi như thủ môn Thomas Kraft (Bayern), hậu vệ Maik Franz (Frankfurt), tiền vệ Andreas Ottl (Bayern) hay tiền đạo Tunay Torun (Hamburg). Với những sự bổ sung chất lượng này, trong tay ông Babbel hiện đã có khá nhiều cầu thủ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm.
Nhìn chung, với lực lượng như hiện tại, Hertha đủ sức trụ hạng, thậm chí lọt vào nhóm dự cúp châu Âu. Huấn luyện viên Babbel hay các cầu thủ như Lell, Ottl đã từng giành được không ít vinh quang nhưng chưa được đánh giá cao do trước đây, vai trò của họ tại Stuttgart hay Bayern còn khá mờ nhạt. Nay đã bắt đầu từ vạch xuất phát ở một chân trời mới, ngày trở về của Hertha cũng là lúc để họ khẳng định khả năng của mình.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)