Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Người Đức càn quét khắp châu Âu

Thứ Năm 01/03/2012 20:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tại Tây Ban Nha, bóng dáng của những siêu sao sân cỏ nước Đức xuất hiện ngay từ những năm 1970. Năm 1973, sau hai năm liền giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất nước Đức, tiền vệ Guenter Netzer đã đặt chân đến Real Madrid, mở đường cho đồng nghiệp Paul Breitner đặt chân đến Santiago Bernabeu một năm sau đó. Breitner hiện là đại sứ của trận chung kết Champions League mùa giải 2011-2012 sẽ diễn ra ở Allianz Arena, Munich vào ngày 19/5 tới. Về sau, Real Madrid còn trọng dụng một cầu thủ người Đức khác là Bernd Schuster, với một vụ chuyển nhượng đầy tai tiếng. Sau tám năm khoác áo Barcelona, năm 1998 “Thiên thần tóc vàng” đã đào tẩu sang kình địch Real Madrid, đội bóng mà ông còn làm cả huấn luyện viên ở mùa giải 2007-2008.

Tuy nhiên, thành công nổi bật của cầu thủ Đức chủ yếu gắn liền với Serie A. Trong thời kỳ hoàng kim của Serie A những năm 1980 - 1990, các ngôi sao người Đức đã để lại dấu ấn rõ nét trên khắp các sân cỏ Italia. Nếu như AC Milan có bộ ba Hà Lan nguyên tử - Marco van Basten, Ruud Gullit và Frank Rijkaard - thì láng giềng của họ, Inter Milan, cũng sở hữu bộ ba người Đức huyền thoại làm đối trọng, với Juergen Klinsmann, Lothar Matthaeus và Andreas Brehme. Cũng trong giai đoạn đó, Rudi Voeller là ngôi sao của AS Roma. Cặp tiền đạo của đội tuyển Đức, Voeller và Klinsmann - những người góp phần mang về chức vô địch thế giới năm 1990 trên đất Italia, trở thành nỗi ám ảnh của các đội bóng tại Serie A.

 

Tung hoành chán chê ở Italia, Klinsmann chuyển sang Anh và ngay lập tức để lại ấn tượng trong màu áo Tottenham, đội bóng mà ông có hai giai đoạn khoác áo trong sự nghiệp. Trước đó rất lâu, nước Anh cũng từng chứng kiến “người nhện nước Đức”, Bert Trautmann, trở thành lá chắn thép trong khung thành của Manchester City. Thủ thành này đã góp công lớn giúp Manchester City giành FA Cup vào năm 1956. Nửa thế kỷ sau, nước Anh đón một ngôi sao khác từ Bundesliga là Michael Ballack, đội trưởng đội tuyển Đức đến khoác áo Chelsea. Sau Ballack, Bundesliga còn xuất khẩu sang Premier League thêm những cầu thủ Đức khác như Jerome Boateng (Manchester City) và Per Mertesacker (Arsenal).

Thành công của những bậc tiền bối trong quá khứ xa xôi, hay những đàn anh trong thời gian gần đây, ở bên ngoài Bundesliga đã thúc đẩy nhiều cầu thủ Đức rời quê hương. Khi Bundesliga trở nên chật chội vì tài năng mới nổi nhiều như nấm mọc sau mưa, việc cầu thủ ngôi sao người Đức tìm đến bến đỗ mới ở nước ngoài cũng là điều hợp lý. Vừa có chỗ cho cầu thủ trẻ phát triển, vừa khẳng định đẳng cấp, vừa tích lũy để đóng góp cho đội tuyển quốc gia, xuất khẩu cầu thủ giúp bóng đá Đức lợi đủ đường.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X