Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Mainz - Phía sau thành công lịch sử (Bài 2)

Thứ Sáu 15/10/2010 08:43(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Giống như Bayern thời hoàng kim, cả Bundesliga hiện nay đang ngóng cổ chờ đợi xem ai là đội bóng đầu tiên đánh bại Mainz. Bremen, Wolfsburg, Bayern đều đã thất bại, cuối tuần này kẻ được hy vọng sẽ là Hamburg. Thế nhưng, câu chuyện về Mainz có thể không kết thúc dễ dàng như thế…

Có thể một kỷ lục không làm nên một tên tuổi lớn, nhưng với đội bóng nhỏ như Mainz, một kỷ lục có thể đưa họ đi vào lịch sử. Trở thành CLB đầu tiên toàn thắng cả 8 trận đầu mùa giải là kỳ tích đáng tự hào lắm chứ, bởi đến Bayern cũng chưa bao giờ có được chiến tích này. Với Mainz, đó chính là sự giàu có, trong hoàn cảnh tài chính luôn ở tình trạng túng thiếu.

"Tiền" và "tài"

Bất kỳ ai cũng phải thừa nhận rằng, tiền không thể mua được thành công, nhưng cũng không ai phủ nhận được, có tiền thì vinh quang sẽ đến dễ dàng hơn. Bayern luôn là linh hồn của bóng đá Đức một phần vì họ quá giàu. Hoffenheim làm loạn Bundesliga cách đây 2 năm cũng nhờ Mạnh Thường Quân Dietmar Hopp đổ vào đội bóng hàng trăm triệu euro trong quãng thời gian dài. Schalke bắt đầu điên cuồng đổ tiền. Wolfsburg lên ngôi với sự đỡ đầu của hãng xe hơi hàng đầu thế giới Volkswagen… Có thể tiền ở Premiership chỉ như muối bỏ bể, không thể mang lại sự vĩ đại, thì ở Bundesliga lại khác. Tuy nhiên, Mainz đang đi ngược lại mọi quy chuẩn của Bundesliga!

Mainz là hình mẫu cho nhiều CLB nhỏ noi theo

Mùa giải này, ngân quỹ của Mainz chỉ có 14 triệu euro, trong khi đó Bayern là 180 triệu euro. Trước chuyến hành quân vĩ đại đến Munich ở vòng 6 mới đây, trận đấu mà Mainz đã dạy cho các nhà ĐKVĐ bài học về bóng đá, giá trị đội hình của Bayern được xác định là 300 triệu euro, còn đội hình của Mainz chỉ đáng 50 triệu euro, tức là chỉ bằng mức giá mà Real Madrid chấp nhận chi để có mình Ribery cách đây 1 năm.

Nếu Bayern mua về những ngôi sao hàng chục triệu euro nhẹ tênh, thì Mainz đang phải dùng chiêu bài kinh tế truyền thống của kẻ nghèo là đào tạo, chiêu mộ tài năng. Một tháng trước, Mainz đồng ý bán tài năng trẻ Andre Schuerrle cho Leverkusen với mức giá 10 triệu euro. GĐTT Heidel giải thích: “Mainz phải cắn răng bán một cầu thủ tài năng và số tiền đó được quay vòng để đầu tư theo chiều rộng, tiếp tục tìm kiếm tài năng và cải thiện tổng thể đội bóng”. Ngay sau khi bán Schuerrle, số tiền 10 triệu euro đã được lên kế hoạch. Nó được đầu tư cho 3 đội trẻ của Mainz.

Bài học lớn về phá sản của Heidel

Hay như câu chuyện về GĐĐH Heidel của Mainz nói về Schalke cũng là một điều khiến nhiều CLB lớn phải suy nghĩ. Sau khi Schalke mua Huntelaar với giá 14 triệu euro, Heidel rầu rĩ nói trong cuộc họp toàn thể BLĐ Mainz: “Chỉ riêng giá của Huntelaar cũng đủ trả chi phí cho toàn bộ nhân viên, cầu thủ tại Mainz”. Việc Mainz có một ngôi sao như Huntelaar cũng chỉ có trong giấc mơ. Những gì Mainz có thể làm để tăng cường lực lượng là phải đào tạo và tìm kiếm tài năng trẻ. Heidel săn bằng được Lewis Holtby từ Schalke và Mainz chỉ phải trả có 200.000 euro “tiền thuê” cầu thủ này. Rồi họ mượn Adam Szalai từ Real Madrid, bán tiền đạo quan trọng nhất (Bance), và bây giờ là Schuerrle.

Hơn ai hết, Heidel hiểu sự nguy hiểm của lĩnh vực kinh doanh. Heidel làm việc cho Mainz không kể lương bổng đến năm 2005, khi đại lý xe hơi của ông phá sản. Đến bây giờ, cựu GĐTT của Schalke, ông Rudi Assauer vẫn thi thoảng dè bỉu, nhắc lại chuyện “vỡ nợ” của Heidel 5 năm trước. Nếu Mainz chạy theo xu hướng “thời trang”, thảm họa sẽ chờ sẵn bởi nguồn thu của Mainz vô cùng hạn chế. Đến nay, dù đang tạo nên kỳ tích, Heidel vẫn thừa nhận: “Chúng tôi chẳng phải lo gì đến Champions League. Bởi chỗ đó không dành cho Mainz. Mục tiêu của Mainz là phát triển dần từng bước như 2 năm qua”. Đó không phải sự tự ti mà là khả năng nhìn nhận thực tế, biết mình là ai!

Túi rỗng và SVĐ xập xệ

Những năm 90 thế kỷ trước, Mainz vẫn nhấp nhổm ở giải hạng Hai với một túi tiền rỗng tuếch. Thậm chí chỉ hơn 10 năm trước, SVĐ Bruchweg của Mainz còn là một nơi xập xệ, từng bị kết luận là không đủ chất lượng tổ chức các trận đấu tại Bundesliga. Chỉ cần nhìn sang Hoffenheim, đội bóng thứ 50 lên hạng Bundesliga, cũng đủ thấy cám cảnh. Với tỷ phú công nghệ Dietmar Hopp, ngay sau khi có mặt tại Bundesliga, ông đã bỏ 60 triệu euro xây cho Hoffenheim SVĐ mới khang trang với sức chứa trên 30.000 người. Nhưng gần chục năm qua, dự án xây dựng SVĐ của Mainz đã bị đình trệ nhiều lần. Và mãi gần đây kế hoạch xây SVĐ mới tại ngoại ô Mainz mới được tiến hành (SVĐ Coface Arena), với chi phí đâu cũng thuộc hạng “bèo” nhất Bundesliga: chỉ khoảng 45 triệu euro. Trong số đó, các khoản vay công đã là 33 triệu euro, cổ phần đầu tư quản lý là 7,5 triệu euro.

SVĐ Bruchweg của Mainz có sức chứa nhỏ nhất trong các CLB dự Bundesliga (20.300 chỗ và đã bán sạch vé cả mùa). Thực tế nhu cầu mua vé cả mùa của các CĐV Mainz vào khoảng 25.000. Nếu như xây xong SVĐ mới, lợi nhuận từ bán vé của Mainz sẽ tăng lên gấp đôi. Đến đây, có thể nói ngay rằng sự ủng hộ của các CĐV với đội bóng nhỏ bé Mainz chẳng kém bất kỳ CLB lớn nào khác. Năm 1999, trong trận đấu tại Cúp QG Đức với Bayern tại Olympic Munich, SVĐ hùng vĩ của Bayern lúc đó chỉ có vỏn vẹn 11.000 người, trong đó có tới 8.000 CĐV của Mainz. Với Bayern hay những CLB lớn, những trận cầu lớn mới là ngày hội. Còn với Mainz, thành phố của những lễ hộ Carnival, bất kỳ lúc nào cũng là ngày vui, kể cả những trận đấu mà họ thua chắc…
 
(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X