Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Kỳ nghỉ Đông kéo dài: Vì sao người Đức nghỉ Đông dài?

Thứ Ba 28/12/2010 20:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Giữa mùa Đông lạnh giá với tuyết trắng phủ đầy mọi con đường, mọi lối đi và cả mặt cỏ sân vận động, trong khi các đồng nghiệp ở Premier League phải ra sân thi đấu thì những cầu thủ tại Bundesliga vẫn được phép nghỉ ngơi, hay đi tập huấn ở một miền đất ấm áp nào đó. Kỳ nghỉ Đông kéo dài một vài tuần đang trở thành niềm ước ao của không ít giải đấu hàng đầu châu Âu.

Cuối tuần qua, sau khi hoàn thành các trận đấu ở vòng 17, gần nửa số đội bóng ở Bundesliga đã bước vào kỳ nghỉ Đông. Sau vòng 1/8 của Cúp Quốc gia vừa diễn ra giữa tuần này, bóng đá Đức chính thức bước vào kỳ nghỉ quen thuộc giữa hai chặng đường của mùa giải. Năm nay, Bundesliga nghỉ Đông ngắn hơn thường lệ, từ 20/12 cho đến 15/1. Tuy nhiên, khoảng thời gian nghỉ hơn 3 tuần đó cũng là niềm ước ao với không ít các cầu thủ đang thi đấu tại Premier League. Chẳng những không nghỉ Đông, các đội bóng Anh thậm chí còn phải ra sân với mật độ dày đặc hơn trong khoảng thời gian từ sau ngày Giáng sinh đến ngày đầu năm mới. Do sức ép của truyền hình, các nhà làm bóng đá Anh đang tìm mọi cách để vắt kiệt sức của cầu thủ, dẫn đến những hậu quả hết sức khó lường.

Trận Leverkusen-Freiburg ở vòng 17 Bundesliga diễn ra trong điều kiện thời tiết xấu

Ở châu Âu, mùa Đông thường đồng nghĩa với cái lạnh cắt da thịt và tuyết trắng phủ đầy. Những con đường dẫn đến các sân vận động bị bao phủ một màu trắng xóa, khiến việc đi lại của các cổ động viên hết sức khó khăn. Thậm chí, những người hâm mộ bóng đá còn đối mặt với nguy hiểm đến tính mạng, bởi chẳng ai có thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra khi họ cố lái chiếc xe trên những con đường tuyết phủ dày đặc, cho dù đã sử dụng loại lốp đặc biệt đi trong mùa Đông. Chưa kể, các cổ động viên còn có tâm lý ngại ra sân trong điều kiệt thời tiết giá lạnh như thế, khi mà họ hoàn toàn có thể ngồi ở nhà, nhâm nhi ly rượu và thưởng thức bóng đá bên cạnh lò sưởi, bởi truyền hình đã mang đến tất cả, thậm chí hơn những gì có ở sân vận động.

Những người cố đến sân trong điều kiện thời tiết xấu như vậy thì hoặc là những cổ động viên quá cuồng nhiệt, hoặc họ tiếc số tiền không nhỏ đã bỏ ra để sở hữu tấm vé xem cả mùa. Việc không thu hút được nhiều người hâm mộ đến sân sẽ tác động xấu đến nguồn thu của đội bóng, bởi bán vé mang lại khoản tiền không nhỏ nhằm cân đối với ngân sách tăng lên hàng ngày với tốc độ khủng khiếp, chủ yếu do sự bùng nổ quỹ lương cho cầu thủ và các chi phí vận hành khác. Bản thân các cầu thủ và người xem truyền hình trực tiếp cũng sẽ không mấy hứng khởi khi nhìn lên những khán đài trống vắng, thưa thớt chỗ. Với các cổ động viên là vậy. Với các cầu thủ, nguy cơ còn lớn hơn nhiều, khi họ phải thi đấu trên những mặt sân bị đóng băng. Chấn thương luôn là thảm họa đối với các vận động viên thể thao nói chung, cầu thủ bóng đá nói riêng. Mặc dù các sân vận động hiện đại đều có thiết kế hệ thống sưởi ấm mặt cỏ, nhưng nó cũng chỉ có thể giúp mặt sân không bị đóng băng trong điều kiện thời tiết không quá khắc nghiệt. Còn một khi tuyết đã rơi liên tục thì chẳng có một hệ thống sưởi nào có thể vận hành được. Ở rất nhiều trận đấu thuộc các vòng cuối lượt đi của Bundesliga, ban tổ chức sân luôn phải tiến hành dọn tuyết bằng các phương tiện chuyên dụng trước giờ bóng lăn và trong giờ nghỉ giữa hai hiệp. Tuy nhiên, không lâu sau đó thì mặt sân lại toát lên một màu trắng xóa do tuyết rơi quá dày.

Khi phải thi đấu trong điều kiện mặt sân xấu như vậy, ai có thể đảm bảo rằng các cầu thủ sẽ không bị chấn thương? Nguy cơ luôn rình rập và thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, sau một tình huống đi bóng sai kỹ thuật, hay thậm chí chỉ sau một cú trượt ngã rất vô tình của đối thủ. Chấn thương không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các cầu thủ, mà còn tác động rất lớn tới đội bóng. Cũng vì mất một loạt trụ cột do điều trị chấn thương kéo dài mà Bayern, đương kim vô địch Bundesliga, thi đấu hết sức chật vật ở giai đoạn lượt đi. Hay như trường hợp của Inter, đương kim vô địch Champions League, phải chấp nhận bị dư luận chỉ trích dữ dội khi mà trong tay ông Rafael Benitez là một đội ngũ thương binh nhiều hơn người lành, biến sân Giuseppe Meazza thành một bệnh viện.

Việc Bundesliga quyết định kéo dài thời gian nghỉ Đông, thường từ 3 tuần cho đến hơn 1 tháng, người Đức hoàn toàn có lý do chính đáng. Đầu tiên, họ mang lại sự an toàn cho các cổ động viên, những người không phải mạo hiểm tính mạng để đến sân vận động bằng mọi giá nhằm thỏa mãn niềm đam mê bóng đá hay chỉ đơn giản là tiêu số tiều mà kiểu gì họ cũng sẽ mất cho tấm vé cả mùa. Tiếp đó, việc không phải thi đấu trên mặt sân xấu sẽ giảm nguy cơ chấn thương cho các cầu thủ, mang đến sự ổn định tốt hơn cho các đội bóng. Kỳ nghỉ Đông kéo dài cũng là dịp để các cầu thủ lấy lại sức lực nhằm sung mãn hơn trong chặng đường lượt về, vốn thường căng thẳng và quyết liệt hơn ở giai đoạn lượt đi.

Quãng thời gian nghỉ giữa hai chặng đường của mùa giải cũng là dịp may hiếm có để các đội bóng chấn chỉnh lại đội ngũ, củng cố về lực lượng cũng như lối chơi, tạo nên cuộc đua nước rút hấp dẫn hơn. Mùa giải này, dù không có áp lực về mặt thời gian nhằm chuẩn bị cho World Cup hay EURO nhưng giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha chỉ cho các đội bóng nghỉ Đông trong vòng 10 ngày còn giải vô địch quốc gia Italia có kỳ nghỉ Đông đúng 2 tuần. Dài hơn một chút, giải vô địch quốc gia Pháp được nghỉ trọn vẹn 3 tuần, từ giữa tuần này cho đến ngày 15/1. So với những đồng nghiệp ở Đức, các cầu thủ đang chơi bóng ở Anh, Tây Ban Nha hay Italia vẫn ít nhiều chịu thiệt thòi từ lịch thi đấu. Trong những ngày Giáng sinh và năm mới này, còn gì hạnh phúc hơn khi được quây quần bên gia đình, hay đi du lịch và tập huấn ở một vùng đất ấm áp đầy nắng và gió tại châu Á?
 
(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X