Brazil từng là một mảnh đất màu mỡ được nhiều CLB ở Bundesliga khai thác. Nhưng giờ đây, các đội bóng Đức có vẻ đã chán những vũ điệu samba.
Giảm về số lượng lẫn chất lượng
Cầu thủ Brazil đầu tiên hành nghề tại đây là tiền đạo Gilson Jose Rodriguez hay còn gọi là Zeze. Năm 1964, Cologne đã phải bỏ ra 150,000 D-mark để mua cầu thủ này. Ban đầu, CĐV Cologne đã đoán rằng đội nhà mua…Pele, vốn đang nổi như cồn ở thời điểm đó. Nhưng sự kỳ vọng đã chuyển sang thất vọng khi Zeze xuất hiện và thi đấu rất kém cỏi, chỉ trụ lại được đúng một mùa giải với vỏn vẹn 5 lần ra sân.
Ở thời gian sau, các CLB ở Bundesliga đã tỏ ra có kinh nghiệm hơn nên tuyển chọn được không ít cầu thủ tài năng. Năm 1993, Stuttgart có được chữ ký của Carlos Dunga, cầu thủ một năm sau đã nâng cao cúp vô địch World Cup cùng ĐTQG. Năm 1994, Stuttgart lại mua thêm được Giovane Elber, cầu thủ sau này đã có một sự nghiệp lẫy lừng cùng Bayern. Đặc biệt, đến cuối những năm 1990 và đầu 2000, việc mua các cầu thủ Brazil đã trở thành mốt. Kết quả là có hàng loạt ngôi sao đã xuất hiện như Lucio, Emerson, Ze Roberto (Leverkusen) hay Marcio Amoroso (Dortmund).Trong 17 cầu thủ Brazil tại Bundesliga, chỉ có Gustavo (Bayern Munich) được triệu tập ĐTQG hồi tháng 11
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng cầu thủ Brazil ở Bundesliga đã giảm mạnh. Năm 2008, chỉ có 36 cầu thủ còn ở mùa giải năm nay, con số này chỉ còn 17 và được dự đoán sẽ còn giảm nữa. Wolfgang Holzhauser, CEO của Leverkusen, nơi đã phát hiện được rất nhiều viên ngọc thô từ Brazil, còn nói thị trường ở đó đã chết. Hiện nay, Leverkusen chỉ còn đúng một cầu thủ Brazil là tiền vệ Renato Augusto. Bayern là đội sở hữu nhiều nhất nhưng cũng chỉ có 3 cầu thủ, gồm Rafinha, Luiz Gustavo và Breno, người sắp ra đi.
Tầm ảnh hưởng của các cầu thủ đến từ Brazil cũng giảm mạnh. Trước đây, Elber, Lucio hay Amoroso đều là trụ cột không thể thay thế thì nay, các đàn em của họ khá thường. Ngay cả những tên tuổi như Rafinha hay Gustavo cũng chưa chắc đã có suất đá chính, đừng nói tới việc quyết định trận đấu như Elber trước đây. Hiện nay, Diego là ngôi sao nổi bật nhất nhưng tiền vệ này cũng không trụ lại được ở Wolfsburg, phải sang Atletico theo hợp đồng cho mượn.
Đâu là nguyên nhân?
Trước hiện tượng trên, đã có nhiều nguyên nhân được đưa ra. Rào cản ngôn ngữ, những khác biệt về văn hóa (người Brazil tự do phóng khoáng còn Đức rất kỷ luật), khí hậu (90% lãnh thổ Brazil nằm trong vùng nhiệt đới còn Đức có nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 8,4 độ C) hay những rắc rối trong khâu chuyển nhượng (một cầu thủ thường được bán “cổ phần” cho nhiều công ty) là những lý do được viện dẫn. Tuy nhiên, đây không thật sự là những yếu tố khiến các CLB Đức ngoảnh mặt với thị trường Brazil bởi lẽ nó đã xuất hiện từ lâu và đều có thể giải quyết được.
Nguyên nhân chính nằm ở nhu cầu “hàng Brazil chất lượng cao” ngày một gia tăng, ở cả những thị trường mới như châu Á, đặc biệt là các nước Arab. Do đó, giá của những cầu thủ Brazil, kể cả chưa thật sự nổi bật, hiện cũng tăng chóng mặt. Còn thuộc diện hàng sao như Neymar thì giá lên tới trên 45 triệu euro. Không chịu chi đậm, thậm chí mức lương cũng không quá khác biệt so với các CLB Brazil, nên các đội bóng Đức thất thế trong cuộc đua này.
Thêm vào đó, hệ thống đào tạo trẻ ở Đức đang hoạt động rất tốt, cho ra lò nhiều cầu thủ chất lượng. Với nguồn cung dồi dào, các CLB ở Bundesliga hiện tập trung tìm kiếm ngay ở thị trường trong nước thay vì phải tốn kém nhòm ngó sang một nơi xa xôi ở tận Nam Mỹ. Chẳng hạn, Bayern bên cạnh việc đào tạo những cầu thủ trẻ như Toni Kroos, Holger Badstuber hay Thomas Mueller, có thể mua những ngôi sao hàng đầu như Mario Gomez hay Manuel Neuer ngay tại Đức.
Việc các CLB phát triển thị trường nội địa sẽ rất có ích cho bóng đá Đức, nhất là ĐTQG. Nhưng nếu cực đoan tới mức coi thị trường Brazil đã chết như CEO của Leverkusen phát biểu là không nên. Bởi lẽ Brazil vẫn luôn sản sinh được những cầu thủ chất lượng, có thể đóng góp tích cực cho các đội bóng. Chẳng phải Leverkusen đã có mùa giải 2001-2002 huy hoàng nhờ công của những cầu thủ Brazil như Lucio hay Ze Roberto đó sao?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)