Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Hans-Joachim Watzke: Sau cái chết bao giờ cũng là sự sống

Thứ Tư 11/05/2011 21:52(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bóng đá không chỉ là bóng đá. Với Dortmund, bóng đá là một cách thể hiện chân lý cuộc sống. Trong mỗi tình huống dù cay cực đến đâu chăng nữa, bao giờ cũng có một lối thoát.

Bài học từ tuổi trẻ

Ngày 19/5/1986. Chàng trai 26 tuổi Watzke đứng trên khán đài phía Nam của sân vận động Westfalen, trong tư cách người hâm mộ BVB. Lúc đầu ông tưởng đó là một ngày chết chóc. Dortmund đang chơi trận cầu sinh tử kiểu play-off với Fortuna Cologne để tìm ra một đội được quyền chơi ở Bundesliga. Trận lượt đi ở Cologne, BVB thua 0-1. Và hôm nay, trận quyết định ở Westfalen.

Phút 14, Fortuna ghi bàn dẫn trước 1-0. Tỷ số giữ nguyên hết hiệp 1. Giờ nghỉ, là không khí chết chóc trên khán đài. Hầu như không còn hy vọng: Muốn ở lại Bundesliga, Dortmund phải ghi 3 bàn trong 45 phút còn lại. Thế mà đột nhiên có bàn cân bằng tỷ số. Rồi BVB dẫn 2-1. Bấy giờ là phút thứ 92, đợt tấn công cuối cùng. Còn 28 giây nữa. Bernd Storck lật bóng vào sâu phía trong. Ingo Anderbruegge đột phá từ phía trái. Và đây, Juergen Wegmann đang ở giữa.

Hans-Joachim Watzke: CEO của Dortmund

Một cú sút! Vào rồi! Dortmund đã hồi sinh. Điều không thể đã trở thành thực tế. Wegmann trở thành người anh hùng của Dortmund, cho dù giờ đây ông đang phải sống bằng trợ cấp xã hội.

Ngày xa xôi ấy, Watzke là người chứng kiến. Còn bây giờ, 25 năm sau, ngày 30/4/2011, khi Dortmund giơ cao chiếc Đĩa bạc, dù chỉ là tượng trưng và cắt bằng bìa, Watzke chính là người kiến tạo sự sống lại thần kỳ của BVB. Bóng đá như thế đấy, và lịch sử là như thế đấy.

Thêm một cái chết

Watzke nhớ lại: Năm 2002, khi BVB vô địch Đức lần thứ 6, người trong cuộc không ai còn đủ sức cảm thấy vui vẻ. Vì cái chết tài chính đã cận kề. 148 triệu euro đưa vào thị trường chứng khoán đã trở thành cát bụi. Đây là cái chết không tránh khỏi của cả hệ thống thuộc về liên danh Niebaum - Meier, cho dù họ có thành công vang dội trên sân cỏ.

Reinhard Rauball trở lại lần thứ ba trong cương vị chủ tịch. Năm 2001, Watzke đã là chủ một doanh nghiệp thành đạt, nhưng ông đã từ chối khi Niebaum mời ông tham gia lèo lái con thuyền sắp chìm. Đến năm 2005, tình yêu Dortmund khiến ông không thể từ chối cú điện thoại của Rauball. Ngày 15/2, Watzke chính thức nhận việc, và 2 ngày sau, con số nợ được công bố: 122 triệu euro. Choáng váng. Lại là một cái chết.

Watzke tìm đến ông Chủ tịch Ngân hàng thương mại Dortmund. Ông kỳ kèo xin một khoảng vay nợ: “Ngài Blessing, hãu cứu lấy Dortmund. BVB như con bệnh đang nằm trong phòng cấp cứu”. Đáp lại là sự lạnh lùng của tiền bạc: “Không. Đấy thực sự là một tử thi đang nằm trước phòng mổ xác”.

Nhưng, khán đài phía Nam đã dạy Watzke một bài học: Sau cái chết là sự sống. Sự sống được tìm ra sau 2 giai đoạn: Trước hết là sự giải thoát về tài chính, để CLB không bị ép xuống hạng do nợ nần quá nhiều, sau đó là từng bước xây dựng lại. Muốn có tiền thì phải bán. Bán trái tim mình - dòng quảng cáo trên ngực áo, cho nhà tài trợ Evonik. Bán linh hồn mình - tên sân vận động trở thành tên công ty bảo hiểm Signal Iduna. Rồi thì tiết kiệm. Đi thi đấu dẫu rất xa cũng chỉ còn đi xe bus. Ngủ ở những khách sạn 3 sao thật gần nhà ga. Hội nghị hàng năm thường có súp và xúc xích. Watzke hỏi xem giá xúc xích bao nhiêu? Trả lời: 50 cent. Ông nghĩ một lúc rồi quyết định: Hội nghị năm nay sẽ không có xúc xích!

Năm 2007, có thể thở một cái thật dài: BVB đã thoát chết. Nhưng cuộc sống bấy giờ chỉ là lay lắt. Làm sao đây, để có thật sự một cuộc hồi sinh?

Đây mới thực sự là cuộc sống

Không có nhiều tiền, liệu có thể xây dựng một đội bóng mạnh được không? BVB hồi sinh từ một triết lý bóng đá khác hẳn trước đây. Và người ta nhớ đến Michael Zorc - một người Dortmund điển hình, và Juergen Klopp - người đã dâng hiến trái tim mình cho Dortmund. Tất nhiên, với Watzke, nhà chiến lược đã thành công trong giai đoạn thứ nhất.

Thay cho tiền, sẽ là khát vọng, cái khát vọng lên tầm cao từ hai bàn tay trắng. Có đủ yêu cầu ấy, chỉ có thể là cầu thủ trẻ. Mặt khác nữa, Dortmund đi lên từ đống tro tàn, nhưng đấy là tàn tro còn lại của 102 năm lịch sử. Để xây dựng đội bóng bây giờ, phải khơi dậy cái sức mạnh lịch sử đó. Nghĩa là, phải tìm được cái cốt lõi của cuộc hồi sinh từ ngay trong lòng Dortmund. Và để thành công trên sân cỏ, phải có một bản sắc, cái bản sắc ngự lâm quân lấy tinh thần tập thể mà vượt qua những ngôi sao cá nhân, hết mình trong từng phút có mặt trên sân vì thắng lợi chung của cả tập thể. Không thiếu gì người hội đủ những yếu tố đó: Nuri Sahin, Kevin Grosskreutz, Marcel Schmelzer, Mario Goetz...

Một trong những trận không quên của Klopp trong buổi khởi đầu: Dortmund tiếp Schalke trên sân nhà. Schalke vượt lên dẫn trước 3-0, chút nữa thì 4-0. Thế nhưng, Dortmund kịp xoay chuyển tình thế: Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 3-3. Đấy là một lần chứng minh triết lý bóng đá của Klopp có thể trở thành hiện thực. Giống như các cầu thủ của mình, HLV Klopp cũng còn rất trẻ: Khi đó ông mới 42 tuổi. Đầy khát vọng, và đối đãi với cầu thủ bằng cái tình của những nghĩa quân ngày mới lên sơn trại. Đấy không phải là một vị tướng hay một ông chủ, cũng không cần là một nhà thông thái, điều căn bản nhất: Cái tình của một đồng đội, và cái sáng suốt nhờ khoa học - công nghệ mới đem lại.

Cầu thủ luôn cháy hết mình và luôn chạy hết sức. Họ có sự trộn lẫn của thể lực, tài năng và tính cách. Cái tình đồng đội trong một đội bóng té ra nhiều đội khác lại không thể mua được bằng tiền. Chân lý hôm nay khẳng định: 11 người bạn, cộng thêm người thứ 12 trên khán đài, có thể thu được nhiều thành tích hơn 11 ngôi sao đơn lẻ. Watzke hài lòng khen ngợi: “Đa số các bạn trẻ rất thông minh. Họ biết họ có thể tạo ra những sự thần kỳ độc nhất vô nhị. Và họ còn có thể cùng nhau làm ra những gì hơn thế nữa”. Tất cả bỗng trở nên chân thực và thuần khiết.

Cuộc sống mãi mãi là thử thách

Khi cuộc sống đã thực sự trở lại, ai cũng biết nó quý giá biết bao, và khó khăn đến mức nào. Watzke rất thận trọng khi nghe mọi người nói rằng, một kỷ nguyên mới đang bắt đầu ở BVB. Ông muốn nhấn mạnh: thách thức mới đang chờ đón chúng ta.

Ông nhớ tới những người như Dede, biểu trưng của lòng trung thành Dortmund. Người hầu như chẳng có đóng góp gì lớn trong những bàn thắng của BVB, nhưng là người được cổ động viên tung hô nhiều nhất, cảm động nhất trong ngày chiến thắng. Kể từ khi Klopp thay anh vào ở phút 88, là ầm ầm tiếng hoan hô, và có người mắt đã ngấn lệ. 13 năm trời, Dede đã ở Dortmund, có ít vinh quang nhưng rất nhiều cay đắng. Không bao giờ kêu ca, lúc nào cũng tận lực, và luôn vững một niềm tin: Ngay cả khi phải chết, thì vẫn có cách để tìm lại cuộc sống. Mãi mãi Dortmund. Nhưng, Sahin có được như thế không? Khi có thành công, thì tiền bạc lại bắt đầu cất tiếng.

Cả Watzke, Zorc lẫn Klopp lại đang bắt đầu bận lòng. Chưa trọn niềm vui chiến thắng, họ lại đang phải toan tính cho Champions League và Bundesliga mùa tới. Trận gặp Cologne, Dortmund sút 27 lần mà chỉ ghi độc một bàn thắng. Trận thua Gladbach 0-1, hiệp đầu cả đội đá không có khí thế và không có ý tưởng. Bóng đá châu Âu sẽ không dung thứ những sai lầm như thế. BVB không muốn là chuyện thần thoại rất đẹp chỉ trong một đêm, họ muốn có một kỷ nguyên đầy dấu ấn đấu tranh.
 
(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X