Thứ Tư, 06/11/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Đức "nhớ đời" bài học cay đắng trước Thụy Điển

Thứ Năm 18/10/2012 10:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Với những người yêu bóng đá, trận đấu giữa Đức và Thụy Điển còn lôi cuốn và hấp dẫn hơn cả những bộ phim kinh điển nhất. Còn với thày trò HLV Joachim Loew, họ vừa trải qua thời khắc kinh hoàng với thứ được xem là “bài học đắt giá nhất mọi thời đại”…

30 phút từ thiên đường xuống địa ngục

Đáng ra ĐT Đức đã có một trong những màn trình diễn hay nhất từ trước tới nay nếu trận đấu với Thụy Điển chỉ diễn ra trong… 60 phút. Trước đối thủ khó chơi, Mannschaft vẫn trình diễn một thứ bóng đá siêu đẳng. Họ chỉ mất 2 phút để đưa bóng chạm cột dọc, 8 phút để mở tỷ số trận đấu và 56 phút để dẫn trước đối thủ tới 4 bàn.

 

Sự áp đảo được các cầu thủ Đức tạo ra ngay ở những phút đầu khiến Thụy Điển chỉ biết tử thủ với toàn bộ 11 cầu thủ. Nhưng trong thế trận đó, Mannschaft vẫn tạo ra được những đường chuyền thêu hoa dệt gấm khiến các cầu thủ đội khách hoa mắt chóng mặt. Tất cả được gói gọn trong bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 của Klose. Đó là khi Reus 2 lần bật tường với Kroos rồi T.Mueller trước khi căng ngang cho Klose đệm bóng ghi bàn trước sự ngơ ngác của các cầu thủ khách.

Màn trình diễn trong 60 phút đầu trận đấu với Thụy Điển được xem là những gì tinh túy, tiêu biểu nhất của Mannschaft trong quá trình thay da đổi thịt kể từ 2006. Từ một lối chơi nghèo nàn, thực dụng đôi khi đến nhàm chán, Đức giờ đây là một đội bóng có lối chơi cống hiến hơn cả Brazil hay Argentina. Đó cũng là mục tiêu cao nhất mà Loew theo đuổi và quyết tâm thực hiện nó tới cùng.

Nhưng những gì diễn ra trong 30 phút cuối trận cho thấy, trên con đường mà Loew đã chọn, vẫn còn đó vô vàn hố đen tử thần khiến họ có thể “bỏ mạng” bất kỳ lúc nào. Sau những thay đổi chiến thuật của đối thủ, Đức tỏ ra lúng túng và mất dần thế trận. Trong một ngày mà hàng thủ đã chơi tệ hại, Mannschaft lần lượt phải hứng chịu 1, 2, 3 rồi 4 bàn thua mà chính họ cũng không hiểu tại sao!?

"Bản lĩnh Đức" đã là quá khứ

Việc ĐT Đức hay các CLB Đức để thua sau khi dẫn trước giờ đây quá quen thuộc. Nói vậy để nhắc lại rằng truyền thống lội ngược dòng từng được nhắc đến với cụm từ “bản lĩnh Đức” đã mai một. Nhưng để gỡ hòa sau khi dẫn trước tới 4-0 là điều không tưởng đối với mọi đội bóng chứ đừng nói đó là một đội tuyển giàu truyền thống như Đức.

Phải chăng Thụy Điển đã chơi quá hay? Các cầu thủ Đức tự thua? Hay chỉ đơn giản đó là 30 phút “điên rồ” của bóng đá? Tất cả đều có cơ sở riêng. Nhưng có một điều dễ dàng nhận ra là các cầu thủ Đức đang sở hữu một bản lĩnh thi đấu quá yếu kém, không xứng tầm với một đội bóng lớn.

Bàn thua đầu tiên đáng ra chỉ được xem là một lời cảnh báo, khi tỷ số vẫn đang là 1-4, nhưng nó lại khiến các cầu thủ Đức lúng túng. Mannschaft tiếp tục thể hiện sự hoang mang và để thua bàn thứ 2, rồi 3. Đến thời điểm đó, lần lượt những cầu thủ trụ cột của Đức là Neuer, Lahm rồi Schweinsteiger thay nhau nhận thẻ vàng vì lỗi câu giờ lộ liễu. Để rồi đúng vào phút bù giờ thứ 3 của trận đấu, nỗi sợ hãi của các cầu thủ Đức đã đánh gục họ khi Elm ghi bàn gỡ hòa 4-4.

Với Loew, “thảm họa Berlin” chỉ là “một bài học lịch sử” bởi lối chơi cống hiến đã là lý tưởng mà chiến lược gia này theo đuổi và ông quyết thực hiện cho đến khi còn có thể. Rõ ràng, bây giờ không phải là lúc để quay lại với quá khứ và với tình hình nhân sự hiện tại, lựa chọn của Loew vẫn được xem là khả dĩ nhất.

5 trận đấu gây sốc của ĐT Đức trong 20 năm qua

1. Đức - Anh: 1-5 (2001 - Vòng loại World Cup 2002)
Được chơi trên sân nhà và vươn lên dẫn trước đối thủ từ sớm nhưng Đức đã để mất thế trận vào tay Anh. Với sự tỏa sáng của Owen bằng một hat-trick cùng các pha lập công của Gerrard và Heskey, Tam sư đã đè bẹp Đức đến 5-1 ngay tại Munich.

2. Bồ Đào Nha-Đức: 3-0 (2002 - Vòng bảng EURO 2000)
Phải thắng Bồ Đào Nha (đã giành vé) mới có cơ hội vào vòng trong nhưng Đức đã chơi một trận bạc nhược. Trước một đội hình không phải mạnh nhất của BĐN, Đức vẫn để thua tới 0-3 và đành chấp nhận rời cuộc chơi sớm.

3. Đức-Croatia: 0-3 (1998 - Tứ kết World Cup 1998)
Là đội ĐKVĐ châu Âu nhưng Đức đã bị thế lực mới Croatia quật ngã tới 3 bàn không gỡ bằng các pha lập công của Jarni, Vlaovic và Suker.

4.Đức - Bulgaria: 1-2 (1994 - Tứ kết World Cup 1994)
Được đánh giá cao hơn hẳn, vươn lên dẫn trước nhưng Đức đã đánh rơi chiến thắng ở những phút cuối. Sự vùng lên mạnh mẽ của Bulgaria giúp họ có được 2 bàn thắng của Stoichkov và Letchkov từ phút 75-78, biến Đức thành đội cựu vô địch thế giới

5. Đan Mạch-Đức: 2-0 (1992 - Chung kết EURO 1992)
Tham dự EURO 1992 với tư các là đội ĐKVĐ thế giới và sở hữu rất nhiều siêu sao nhưng Đức đã bất ngờ để thua Đan Mạch, đội bóng dự giải bằng vé vớt, với tỷ số 0-2 trong trận chung kết.

Con số

13. Trận hòa Thụy Điển 4-4 rạng sáng qua đã khiến Đức phải dừng lại chuỗi trận toàn thắng tại vòng loại ở con số 13 trận. Trước đó, Đức đã toàn thắng cả 10 trận vòng loại EURO 2012 và thắng 3 trận đầu vòng loại World Cup 2014.
15. Với 15 bàn thắng ghi được sau 4 trận, Đức đang là đội sở hữu hàng công ấn tượng nhất vòng loại World Cup 2014 khu vực châu Âu tính đến thời điểm này.
58. Thụy Điển đã giành chiến thắng 58% trong các pha tranh chấp tay đôi với các cầu thủ Đức trong hiệp 2.

Quay chậm: Đức thua oan 2 bàn?

+Bàn thua thứ nhất: Phút 62, tình huống ngay trước khi Kallstrom tạt bóng từ cánh trái để Ibrahimovic đánh đầu rút ngắn tỷ số xuống còn 1-4 cho Thụy Điển, Thomas Mueller đã bị phạm lỗi ở gần giữa sân. Mueller bị chính Kallstrom đốn ngã không bóng nhưng trọng tài không thổi phạt các cầu thủ Thụy Điển. Đức thua oan bàn này?

+Bàn thua thứ 4: Phút 90+3, tình huống ngay trước khi Elm ấn định tỷ số hòa 4-4, Ibra nhảy lên tranh chấp bóng bổng với Mertesacker. Cánh tay phải Ibra đã vung vào mặt Mertesacker. Có lẽ nhiều trọng tài khác cũng sẽ không thổi phạt với tình huống rất khó xác định Ibra vô tình hay cố ý này. Đáng chú ý, các cầu thủ Đức không phản đối trọng tài về tình huống va chạm này.

Họ đã nói

- Huyền thoại bóng đá Anh Gary Lineker chế lại phát biểu nổi tiếng của ông về bóng đá Đức: “Bóng đá là trò chơi mà 22 con người đuổi theo một trái bóng, để cuối cùng, người Đức đánh mất lợi thế dẫn trước 4 bàn”.
- Tiền vệ Toni Kroos: “Hai bàn gỡ đầu của Thụy Điển đáng ra phải là hồi chuông cảnh tỉnh. Nhưng chúng tôi vẫn chủ quan”.
- Cựu danh thủ Oliver Bierhoff: “Đó là một phản ứng dây chuyền, trên khía cạnh tâm lý. Khi đã dẫn trước, tất cả mọi người đều giảm cường độ làm việc xuống một ít. Bạn thua một ít tình huống tranh chấp, bạn chạy chậm lại một ít, và bạn cho đối phương nhiều cơ hội”.
- Ibrahimovic: “Không, không ai trong đội dám nghĩ đến chuyện này. Chúng tôi quá tôn trọng, quá khiếp hãi trước người Đức”.
- HLV ĐT Thụy Điển Erik Hamren: “Tôi muốn đêm nay dài vĩnh viễn”.
 
Mạnh Đức - Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Đứng đầu Bundesliga và bất bại, Bayern Munich dường như đã tiến bộ hơn so với thời Thomas Tuchel. Tuy nhiên, tại Champions League lại là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược và đáng xấu hổ sau khi đoàn quân của Vincent Kompany phải nhận một thất bại tồi tệ trước Aston Villa (0-1) và một trận thua thảm hại trước Barcelona của Hansi Flick (1-4).

Xem thêm
top-arrow
X