Đội quân của HLV Jogi Loew đã có một sự khởi đầu thuận lợi tại vòng loại World Cup 2014. Tuy nhiên, mục đích của họ không chỉ là giành vé tới Brazil, mà còn phải xây dựng một đội hình đủ sức phá vỡ sự thống trị của Tây Ban Nha.
Trong số những tín hiệu tích cực rút ra từ chiến thắng 3-0 của Đức trước Đảo Faroe tại Hanover hôm thứ Sáu, niềm vui lớn nhất dành cho HLV Loew là thần đồng Mario Goetze dường như đã hoàn toàn bình phục chấn thương và sẵn sàng để trở thành một nhân tố quan trọng tại “Die Mannschaft” trong nhiều năm tới.
Goetze là tác giả bàn khai thông bế tắc với màn solo đi bóng qua 4 cầu thủ đối phương rồi dứt điểm hiểm vào góc xa. Chứng kiến pha ghi bàn tuyệt vời đó, có thể hiểu tài năng trẻ của Borussia Dortmund có giá trị lớn đến nhường nào với HLV Loew.
HLV Loew có nhiều câu hỏi cần giải quyết
Mesut Oezil cũng có một trận đấu hiệu quả đúng với khả năng của mình khi lập một cú đúp. Tiền vệ này đã bị chỉ trích về phong độ trận hay, trận dở tại EURO 2012 cũng như trong màu áo Real Madrid. Do đó, sự ổn định, tính nhất quán chính là thứ mà người hâm mộ đang chờ anh thể hiện.
Nhờ sự tỏa sáng của hai cá nhân nói trên, Đức đã vượt qua đối thủ vô danh đến từ quần đảo chỉ vỏn vẹn 50.000 nhân khẩu. Những địch thủ khó khăn hơn sẽ đến trong những trận tiếp theo tại bảng C, với Áo, Thụy Điển, CH Ireland hay ngay cả Kazakhstan. Đó mới chính là những thử thách thực sự dành cho đội bóng của Loew.
Chỉ có một cú sốc cực lớn mới ngăn Đức giành vé dự World Cup 2014 ở bảng đấu này, nhất là dưới thời Loew họ luôn chơi ở vòng loại cực tốt. Nhưng Loew cũng đã có một bài học nhãn tiền rằng một chiến dịch vòng loại hoàn hảo không đảm bảo rằng đội bóng của ông đủ sức cạnh tranh khi vòng chung kết diễn ra.
Bài học về sự ảo tưởng
Trước khi bước vào hành trình chinh phục cúp vàng thế giới sau đây 2 năm, có nhiều hoài nghi rằng liệu ĐT Đức có thể khá khẩm hơn những năm vừa qua. Sau 2 lần gục nga trước Tây Ban Nha tại EURO 2008 và World Cup 2010, hầu hết dư luận xem đội bóng trẻ của Loew là ứng viên số 2 cho chức vô địch EURO 2012 diễn ra mùa Hè vừa qua. Thật vậy, không ít chuyên gia cũng chắc mẩm 2012 sẽ là năm mà “Die Mannschaft” trưởng thành và hạ bệ người Tây Ban Nha.
Nhưng kết cuộc đó đã không xảy ra. Đức thắng như chẻ tre cho đến khi đối mặt với Italia dẫn đầu bởi cựu binh khôn ngoan Andrea Pirlo. Đức đã thua “tâm phục, khẩu phục” 1-2 trong trận bán kết để rồi nỗi khắc khỏi giành được một danh hiệu lớn kể từ năm 1996 lại tiếp tục nối dài. Tây Ban Nha sau đó đè bẹp Italia tới 4-0 trong trận chung kết mà họ đã chứng minh cho cả thế giới hiểu rằng nếu đối thủ ngày hôm đó là ĐT Đức thì cũng chẳng có bất kỳ cơ hội chiến thắng nào.
Hệ quả sau EURO 2012 là HLV Loew phải lắng nghe một số lời chỉ trích.Các chuyên gia nói rằng ĐT Đức dường như không có kế hoạch B khi đối đầu với Italia. Các học trò của Loew chấp nhận thất bại như thể những đưa trẻ ngoan ngoãn và biết điều.
Đội hình xuất phát mà Loew đưa ra sân gặp Đảo Faroe có thể xem như một sự nhượng bộ trước những lời phê bình. Lukas Podolski, người đã có hơn 100 trận cho đội tuyển dù mới chỉ 27 tuổi, đã phải chấp nhận nhường suất đá chính cho tài năng trẻ Marco Reus. Trong nỗi thất vọng vì thua Italia, một số nhà bình luận và nhiều người hâm mộ phàn nàn rằng Loew đã không có đủ dũng khi để tin tưởng những cầu thủ có phong độ tốt nhưng ít kinh nghiệm như Reus hay Andre Schuerrle.
Hầu hết các trận đấu hiện nay, thắng thua được quyết định nơi hàng tiền vệ. Đó là lý do Tây Ban Nha có được thành công rực rỡ trong 6 năm qua. Trong tay Loew đang có một thế hệ tiền vệ hùng hậu, giàu tiềm năng bên cạnh những cái tên được cho là không thể đụng đến như Bastian Schweinsteiger, Thomas Mueller và Sami Khedira.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Làm sao để kết hợp được một bộ khung hoàn hảo như bộ tứ Xabi Alonso-Xavi-Andres Iniesta-Cesc Fabregas của Tây Ban Nha? Làm thế nào để sử dụng hiệu quả một cầu thủ như Goetze với khả năng tạo ra những khoảnh khắc cá nhân chói sáng? Hay Loew nên đi theo lối chơi thể lực như Hà Lan đã từng gây cho Tây Ban Nha vô vàn khó khăn trong trận chung kết World Cup 2010?
Loew sẽ không có cơ hội để kiểm nghiệm các giả thuyết trên tại vòng loại World Cup vừa bắt đầu. Trong bảng C, không có đối thủ nào sở hữu phong cách giống hoặc gần giống như Tây Ban Nha.
Vết nhơ Cordoba
Đối thủ tiếp theo của Đức tại Vienna vào đêm nay là “láng giềng” Áo. Đức gần như vượt trội về thành tích đối đầu trong nhưng năm gần đây, song người Áo cũng từng gây cho “Die Mannschaft” nỗi xấu hổ to lớn trong lịch sử.
Kỳ World Cup 1978 tại Argentina, Đức tham dự với tư cách ĐKVĐ nhưng đã bị loại sớm sau trận thua Áo 2-3 tại Cordoba. Đó là trận đấu khiến HLV huyền thoại Helmut Schoen quyết định kết thúc những năm tháng đầy thành công dẫn dắt ĐT Đức. Tùy thuộc vào quan điểm, trận đấu tại Cordoba khi ấy sẽ được nhớ đến như “phép lạ” hoặc “sự sỉ nhục”.
Áo chắc chắn là một đối thủ ở đẳng cấp cao hơn so với Đảo Faroe. Do khoảng cách địa lý và văn hóa giữa hai nước, trong thành phần ĐT Áo có nhiều cầu thủ đang chơi cho các CLB của Đức. Đêm nay, đội bóng của Loew sẽ giáp mặt hai trong số những hậu vệ đáng tin cậy nhất tại Bundesliga là Christian Fuchs (Schalke) và Emanuel Pogatetz (Wolfsburg). Bên cạnh đó là những cầu thủ tấn công khó chịu như Martin Harnik (Stuttgart) và Marko Arnautovic (Werder Bremen).
Tuy màu đỏ cũng là sắc màu truyền thống của ĐT Áo, nhưng còn xa họ mới so sánh được với Tây Ban Nha. Tại vòng loại EURO 2012, Áo cũng năm cùng bảng với Đức và kết cuộc chỉ đứng thứ tư với số trận thua kỷ lục của họ cũng như hiệu số bàn thắng-bại rất tồi tệ. Sự thực là trong thiên niên kỷ mới này, Áo chưa từng giành quyền dự một giải đấu cấp châu lục nào ngoại trừ EURO 2008 là nước đồng chủ nhà.
Vì vậy, kể cả Đức có giành chiến thắng dễ dàng tại Vienna đêm nay thì Áo cũng không thể trở thành câu trả lời cho những mối hoài nghi đang tồn tại trong lòng “Die Mannschaft”.
(Theo Bongdaplus)