Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Bundesliga, nhìn từ mùa Đông (Bài 4): Những điểm nhấn

Thứ Ba 28/12/2010 20:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nửa chặng đường của mùa giải 2010-2011 đã qua đi, và Bundesliga để lại không ít dấu ấn đậm nét. Có rất nhiều điều để nói về những gì đã diễn ra trong vòng gần 5 tháng qua, mà tỷ lệ cầu thủ ngoại, số lượng các bàn thắng chỉ là những ví dụ điển hình.

Bundesliga là của người Đức

Petar Radenkovic, thủ môn người Serbia sinh năm 1934 của TSV 1860 Munich giai đoạn 1962-1970, đã đi vào lịch sử Bundesliga với tư cách là cầu thủ ngoại đầu tiên thi đấu ở giải vô địch quốc gia Đức. Radenkovic đã mở đầu cho một làn sóng “lính đánh thuê” đổ bộ vào nước Đức, mà số lượng cứ tăng dần với một tốc độ chóng mặt qua từng mùa giải. Trong những năm đầu mới chính thức ra đời cách đây gần nửa thế kỷ, tỷ lệ cầu thủ ngoại của Bundesliga chỉ dưới 5% tổng số danh sách đăng ký của các đội bóng. Nhưng kể từ năm 1999 cho đến năm 2009, tỷ lệ ngoại binh của giải vô địch quốc gia Đức luôn ở mức trên 50%. “Lính đánh thuê” ở Bundesliga đến từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Á, Bắc Mỹ, Đông Âu và đặc biệt là khu vực Nam Mỹ.

Bundesliga ngày càng đậm chất Đức

Mùa giải này, lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, tỷ lệ cầu thủ ngoại ở Bundesliga đã giảm xuống dưới một nửa, còn lại 48,4%. Có những đội bóng mà cầu thủ nội chiếm số lượng hoàn toàn áp đảo, như St. Pauli với chỉ vỏn vẹn 2 ngoại binh. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi dùng ngoại binh là một con dao 2 lưỡi. Một mặt, các cầu thủ nước ngoài sẽ giúp lối chơi của các đội bóng ở Bundesliga trở nên đa dạng hơn và chất lượng cũng được nâng cao đáng kể. Mặt khác, số lượng quá lớn cầu thủ ngoại nhập đến Bundesliga kiếm cơm sẽ khiến cơ hội phát triển của các cầu thủ Đức bản địa giảm đi trông thấy, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài năng cho đội tuyển Đức. Nhờ chương trình đào tạo trẻ do Liên đoàn bóng đá Đức phát động từ 10 năm trước bắt đầu có kết quả, những cầu thủ trẻ người Đức dần đánh bật các đồng nghiệp đến từ nước ngoài. Giờ đây, cầu thủ ngoại có mặt ở Bundesliga ngày càng được chắt lọc kỹ càng hơn, theo hướng chất lượng cao.

Những tỷ số của một set tennis

Leverkusen - Gladbach 3-6, Stuttgart - Bayern 3-5, Wolfsburg - Mainz 3-4, Stuttgart - Gladbach 7-0, Stuttgart - Bremen 6-0, St. Pauli - Mainz 2-4, Gladbach - Bayern 3-3, Hamburg - Stuttgart 4-2, Bremen - Cologne 4-2, Bayern - Freiburg 4-2, Mainz - Hoffenheim 4-2. Có đến 11 trận đấu ở giai đoạn lượt đi cống hiến cho khán giả ít nhất 6 bàn thắng. Chưa bao giờ mà những tỷ số mang dáng dấp của một set tennis lại xuất hiện nhiều ở Bundesliga như mùa giải này. Tổng cộng, 481 bàn thắng đã được ghi qua 153 trận đấu trong nửa chặng đường đầu tiên, trung bình 3,14 bàn/trận. 23 năm qua, Bundesliga không được chứng kiến cơn mưa bàn thắng nào như thế ở giai đoạn lượt đi, kể từ khi có 489 bàn được ghi thuộc nửa đầu mùa giải 1987-1988.

Vì quả bóng mới của hãng Adidas mang tên Torfabrik, nghĩa là nhà máy sản xuất bàn thắng, được đưa vào sử dụng; vì những sai lầm ngày càng nhiều hơn của các thủ môn và hàng phòng ngự; vì các tiền đạo dứt điểm tốt hơn; hay vì chiến thuật của các huấn luyện viên xuất sắc hơn? Với các khán giả, những người đến sân hay theo dõi trận đấu qua truyền hình, thì lý do nào cũng không quá quan trọng. Điều quan trọng nhất là họ được thưởng thức những bữa tiệc bàn thắng, thậm chí có thể gọi là đại tiệc. Cũng như nhiều mùa giải vừa qua, Bundesliga tiếp tục là giải đấu có tỷ lệ bàn thắng cao nhất trong số các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu ở mùa này. Tỷ lệ bàn thắng cũng là một chỉ số quan trọng đánh giá tính hấp dẫn của giải đấu và ở góc độ này, Bundesliga đang tỏ ra vượt trội hơn so với Liga BBVA, Premier League hay Serie A.

Những tình huống bóng chết

Trong số 481 bàn thắng kể trên, có đến 186 pha lập công được thực hiện từ những tình huống dàn xếp cố định, bao gồm phạt góc, sút phạt hàng rào và đá phạt đền. Tỷ lệ này cao một cách đột biến so với những mùa giải trước. Nếu như bấy lâu nay Sinisa Mihajlovic vẫn được xem là ông vua sút phạt hàng rào thì bây giờ, Nuri Sahin xứng đáng được gọi là hoàng tử. Tiền vệ người Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu chiếc chân trái ma thuật, có thể vẽ nên những đường bóng kỳ diệu mà các thủ môn không thể lường trước. Hans-Joerg Butt của Bayern và Tim Wiese của Bremen là hai trong số những nạn nhân của Sahin sau những cú sút phạt hàng rào ở mùa giải này, khi đội bóng của họ đối đầu với Dortmund.

Cả giai đoạn lượt đi, trọng tài đã thổi phạt tổng cộng 46 quả penalty, tuy nhiên tỷ lệ các cầu thủ sút hỏng lại tương đối cao. 14 lần những người được trao trọng trách đã không thể hoàn thành nhiệm vụ trên chấm 11m. Danh sách đá hỏng penalty đa phần là những tên tuổi thuộc hàng ngôi sao, từ Torsten Frings của Bremen, Cacau của Stuttgart, Nuri Sahin của Dortmund, Mario Gomez của Bayern hay Klaas-Jan Huntelaar, trong đó 3 người đầu tiên trong danh sách này thất bại tới 2 lần trên chấm phạt đền. Ở World Cup 2010, một tấm bandroll được căng trên khán đài sân vận động Bloemfontein trong trận đấu ở vòng 1/8 giữa Đức và Anh: “Hãy sút thật cao như Becks, điều quan trọng là không để thua trong loạt penalty”. Khi đó, người Đức đã chế giễu người Anh về khả năng đá 11m. Giờ thì, chính người Đức cũng phải cảm thấy tự xấu hổ.

(Theo Thể Thao Văn Hoá) 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X