Là lá cờ đầu của bóng đá Đức tại châu Âu, là tình yêu của 10 triệu người hâm mộ khắp cả nước nhưng Bayern cũng là cái tên bị căm ghét bậc nhất ngay tại chính quê hương của mình.
Được cả Giáo hoàng mến mộ
Những thành công rực rỡ cùng hàng loạt cầu thủ danh tiếng ở mọi thời kỳ đã giúp Bayern trở thành đội bóng có nhiều người hâm mộ bậc nhất nước Đức. Không tính Allianz Arena luôn chật cứng khán giả, trong những năm gần đây, những trận đấu trên sân khách của “Hùm xám” cũng bán hết sạch vé nhờ đội bóng này có đông đảo fans khắp cả nước. Còn theo điều tra của hãng Sport+Markt hồi năm 2010, Bayern là CLB có nhiều cổ động viên thứ 5 ở châu Âu (20,7 triệu người).
CĐV Bayern Munich
Danh sách người hâm mộ “Gã khổng lồ xứ Bavaria” cũng có tên vô số nhân vật tiếng tăm như giáo hoàng Pope Benedict XVI, thủ hiến bang Bavaria Horst Seehofer (từng có thời gian ngắn là tổng thống Đức), tay đấm Wladimir Klitschko hay siêu sao nhạc Pop Robbie Williams. Ngôi sao quần vợt Boris Becker không chỉ là một cổ động viên nhiệt thành của Bayern từ thưở nhỏ mà còn có 10 năm có chân trong ban kiểm soát đội bóng.
Bên ngoài châu Âu, tuy vẫn còn lép vế so với Real, M.U hay Barcelona nhưng kể từ khi chuyển sang chơi tấn công, “Hùm xám” cũng đang ngày một mở rộng được thị phần. Với sự hậu thuẫn của hãng Audi, có phần 9,1% cổ phần, Bayern đã phần nào xâm nhập được thị trường Ấn Độ, nơi cricket hay hockey mới là những môn thể thao được ưa chuộng nhất. Hồi năm 2008, trận đấu chia tay Oliver Kahn tại Calcutta đã thu hút 125.000 người cổ vũ trong sân và 50.000 người đứng chờ bên ngoài.
Ghét đã thành truyền thống
Được yêu nhiều nhưng số người ghét, thậm chí căm thù Bayern cũng đông đảo và “lâu đời” không kém. Ngay từ những năm 1970, giai đoạn Bayern đóng vai trò quan trọng trong chức vô địch của tuyển Đức tại EURO 1972 và World Cup 1974, đội bóng này đi đến đâu đã bị “ném đá” đến đấy. Beckenbauer từng có hành vi khiếm nhã khi bị CĐV đội khách xúc phạm còn thủ môn Maier thậm chí đã hạ đo ván một người hâm mộ của Hannover khi bị chửi: “Tao sẽ giết mày, đồ con lợn Bayern”.
“Hùm xám” bị căm thù như vậy phần nào bởi đội bóng này gặp quá nhiều may mắn trên con đường tới thành công. Như trong trận chung kết cúp C1 năm 1974 với Atletico Madrid, Bayern đã bị đối thủ hoàn toàn lấn lướt nhưng vẫn có bàn gỡ hòa ở phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2. Một năm sau, Bayern đã đánh bại Leeds nhờ sự trợ giúp đáng ngờ của trọng tài. Năm 1976, thần may mắn lại mỉm cười với Bayern khi Auxerre chơi áp đảo, tạo được nhiều cơ hội hơn nhưng liên tục sút trúng khung gỗ. Báo chí châu Âu gọi họ là "Bayern may mắn".
Một đội bóng luôn muốn “hút máu”, mua các trụ cột của đối thủ để tăng cường sức mạnh bản thân đồng thời làm suy yếu đối phương, dường như luôn bị căm ghét. Cứ mỗi mùa chuyển nhượng, các CLB ở Bundesliga lại nơm nớp lo sợ trước vòi bạch tuộc của gã khổng lồ. Thậm chí, khi gặp bất lợi, Bayern cũng thường dùng chiêu bắn tin muốn mua các ngôi sao của đối thủ (từng nói sẽ chiêu mộ Mario Goetze và Marco Reus) nhằm làm đối phương lung lay, mất đoàn kết nội bộ.
Bên cạnh đó, Bayern còn mất điểm trầm trọng bởi không ít phát biểu có phần kiêu ngạo. Cách đây khoảng 10 năm, “Hùm xám” từng đòi chuyển sang thi đấu tại…Serie A do được trả bản quyền truyền hình không như ý. Gần đây, ban lãnh đạo của đội bóng này cũng liên tục khẩu chiến, có những lời khiêu khích với hết Schalke tới Dortmund hay phê phán cả UEFA lẫn FIFA. Những phát ngôn quá đà này càng khiến nhóm chống đối thêm phần căm thù Bayern, đội bóng được ví như kẻ chuyên phá hoại hạnh phúc gia đình người khác.
Rất nhiều người đã ở bên họ trong cuộc chiến chống lại Madrid, đội bóng cũng được coi là bị ghét nhất ở TBN (và cũng giống Bayern, được không ít người yêu), nhưng cũng không ít người mong đội bóng xứ Bavaria gục ngã. Nhưng ta không thể phủ nhận rằng dù có đáng ghét đến đâu đi chăng nữa, thì trên mặt trận châu Âu khốc liệt, họ vẫn là lá cờ đầu của Bundesliga.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)