Trận thua Dortmund cho thấy Bayern của Pep đúng là không hề “vô đối”.
Đăng quang Champions League bằng lối chơi thuyết phục, tiếp tục nâng cấp đội hình bằng những hợp đồng lớn và giành 9 chiến thắng liên tiếp trong các trận giao hữu trước thềm mùa giải mới, Bayern dường như trở nên quá hoàn hảo ngay cả trong giai đoạn chuyển giao quyền lực từ thời Heynckes tới Pep Guaridola. Thậm chí trong cuộc phỏng vấn trước thềm trận Siêu cúp Đức, nhiều phóng viên đã đề cập đến hai từ “hoàn hảo” khi nói chuyện với Pep.
Dĩ nhiên trước giới truyền thông, nhà cầm quân người Tây Ban Nha thừa khôn ngoan để gạt đi mỹ từ ấy. Ông bảo Bayern không hề hoàn hảo và còn rất nhiều việc phải làm. Thực tế, sau trận thua Dortmund, Pep chứng minh ông đã đúng. Sau những chiến thắng hủy diệt liên tiếp, bao gồm cả trận đấu hạ gục Barcelona, nhà ĐKVĐ Champions League đã bị Dortmund đưa xuống mặt đất. Vẫn đội hình đó, vẫn những siêu sao đang làm mưa làm gió khắp châu Âu nhưng Pep không thể giành được danh hiệu đáng kể đầu tiên cùng Hùm xám.
Một “cái tát” cần thiết
Sau trận thua Dortmund, chủ đề được mang ra bàn tán nhiều là cái tát Pep dành cho Thiago. Thoạt nghe, có vẻ đây là một sự cố nghiêm trọng. Nhưng thực ra, Guardiola chỉ xem đó là một thói quen. Chính Thiago cũng hiểu quá rõ hành động ấy của ông thầy 42 tuổi. Ở Barca, Pep thường xuyên động viên học trò theo cách… quá đà như thế. Những ngôi sao lẫy lừng như Alves hay Messi cũng đều “dính đòn” mỗi khi Pep có ý động viên học trò. Ngày còn ở Barca, Thiago đã chứng kiến cảnh tượng đó và chẳng có gì ngạc nhiên. Chỉ những cầu thủ Bayern chưa từng làm việc với Pep là phải tập quen với điều này.
Pep là mẫu HLV hiếm khi nổi nóng và cái tát ông dành cho Thiago cũng không phải là thể hiện sự tức giận, bất chấp tiền vệ trẻ này đã liên tục mắc lỗi. Hành động ấy có thể xem như một sự động viên cho Thiago, người mới đến và đang chịu nhiều áp lực của sự kỳ vọng. Nhưng điều đó không có nghĩa là Pep được phép bao che cho màn trình diễn thiếu thuyết phục của Thiago và những đồng đội khác. Chính ông sau trận đấu đã thừa nhận “Bayern còn nhiều hạn chế”.
Dortmund vẫn chơi như vậy, pressing mạnh mẽ toàn sân, đẩy tốc độ bóng lên cao nhất có thể và thường xuyên xẻ nách hàng thủ Bayern. Với một bộ khung đã định hình từ mùa trước, dù thiếu Goetze, Dortmund vẫn mạnh hơn hẳn một Bayern mất cả Neuer, Schweinsteiger, Ribery trong khi Dante và Martinez chỉ dự bị. Bayern không còn là chính mình khi thiếu vắng một nửa quân số đá chính. Điều này lý giải tại sao họ thua trong rất nhiều pha tranh chấp tay đôi và lép vế hoàn toàn tại trung lộ.
Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh, sơ đồ 4-1-4-1 của Guardiola đã thất bại trước Dortmund. Nó tỏ ra kém hiệu quả hơn hẳn 4-2-3-1 của người tiền nhiệm Heynckes. Hùm xám để lộ quá nhiều khoảng trống ở hai cánh, lỗ hổng liên tục bị Dortmund khoét vào. Việc chỉ có 1 tiền vệ trụ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chống phản công của Bayern và đây chính là một bất cập mà Pep phải khắc phục nếu còn muốn tiếp tục áp dụng 4-1-4-1.
Lối tấn công của Bayern khi thiếu Ribery cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Bóng thường xuyên phải nhồi sang cánh phải, nơi có Lahm, Muller và Robben. Hậu vệ đội trưởng của Bayern hỗ trợ tấn công rất tốt với những đường tạt cực kỳ chất lượng mà 2 trong số đó đã trực tiếp giúp Robben ghi bàn. Tuy nhiên, rõ ràng khi chơi lệch cánh như vậy Bayern rất dễ bị bắt bài. Một phương án 2 đề phòng trường hợp Ribery vắng mặt cần phải được Pep tính đến.
Dù sao, trận thua này đúng như Robben nói, Bayern không có gì phải hoảng loạn. Nên nhớ Pep không có đội hình mạnh nhất và vì thế việc triển khai ý đồ chơi bóng chưa thể hoàn toàn đúng ý ông. Hơn nữa, Pep mới chỉ làm việc ở Allianz Arena vỏn vẹn 1 tháng và khó có thể đòi hỏi xây dựng thành công lối chơi mới cho Bayern. Tất cả đều cần có thời gian.