Bóng đá là thương trường, không thể tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Tại Bundesliga, Bayern là con cá lớn nhất, sẵn sàng nuốt chửng các đối thủ...
Trước lứa của Schweinsteiger và Lahm, Bayern không được đánh giá cao ở khả năng đào tạo trẻ. Phần lớn những cầu thủ mà đội bóng xứ Bavaria đào tạo hoặc không đủ khả năng chơi bóng, hoặc không chịu được áp lực tại Munich. Ngay cả những cầu thủ như Lahm hay Kroos cũng phải trải qua một giai đoạn thi đấu dưới dạng cho mượn trước khi trở về khoác áo cho đội 1 Bayern. Bởi vậy mà từ lâu đội bóng chủ sân Allianz Arena đã quen với việc xây dựng sức mạnh đội bóng dựa trên những bản hợp đồng đình đám. Khái niệm “của nhà trồng được” lâu nay tại Munich được hiểu là những cầu thủ mà các đội bóng khác tại Bundesliga đã đào tạo nên.Bayern Munich luôn thích "hút máu" đồng loại ở Bundesliga
Với tiềm lực tài chính vô đối tại Đức cùng sự lãnh đạo khôn ngoan của Beckenbauer (trước đây) và Uli Hoeness (bây giờ), Bayern không gặp khó khăn trong việc lũng đoạn thị trường cầu thủ tại Bundesliga. Thế nên, trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, các đội bóng tại Đức đã quá quen với cảnh bị Bayern rút ruột.
Đầu những năm 90 thế kỷ trước, Karlsruhe được xem là một hiện tượng của Bundesliga. Nhưng sức mạnh của họ nhanh chóng suy giảm khi bị Bayern “cướp” mất hai ngôi sao sáng là Kahn và Scholl, những cầu thủ sau này được ghi nhận trong đội hình thế kỷ của Bayern. Tương tự, 1996/97 là mùa giải mà Stuttgart gây ấn tượng mạnh với tam giác tấn công Balakov, Bobic và Elber. Dù vậy, tam giác này nhanh chóng tan rã khi Bayern xuống tiền mua Elber vào cuối mùa giải năm đó.
Nhưng Leverkusen và Bremen mới là hai đội bóng được Bayern quan tâm hơn cả. Hàng loạt cầu thủ ngôi sao của hai đội bóng này lần lượt đi theo tiếng gọi đồng tiền để đến với Munich (xem bảng thống kê). Đó là một phần nguyên nhân khiến Bremen dù nổi đình nổi đám vẫn chỉ giành được 1 chức vô địch Bundesliga trong hơn 1 thập kỷ qua, trong khi Leverkusen thậm chí chưa một lần được sờ vào Đĩa Bạc.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Bayern đã gặp những khó khăn nhất định trong việc lũng đoạn thị trường. Cụ thể, đội bóng xứ Bavaria phải móc hầu bao nhiều hơn cho những vụ chuyển nhượng. Như trường hợp của Gomez (Stuttgart, 35 triệu euro, 2009) hay mới nhất là Luiz Gustavo (Hoffenheim, 15 triệu euro, 2011). Điều đó cũng đồng nghĩa rủi ro trong các thương vụ của Bayern tăng cao hơn bởi không phải cầu thủ nào sau khi về Munich cũng thi đấu thành công. Podolski (Cologne, 10 triệu euro, 2006) là ví dụ điển hình cho một thương vụ thất bại. Trong bối cảnh các ngôi sao của Bundesliga đang ngày càng được nhiều ông lớn bóng đá châu Âu để ý, Bayern càng phải tỉnh táo hơn nếu không muốn tiếp tục phải phá những kỷ lục chuyển nhượng tại giải đấu cao nhất Đức.
99% van Bommel ở lại Bayern?
Sau khi Bayern chính thức có được Luiz Gustavo, tương lai của đội trưởng van Bommel trở thành một đề tài nóng hổi. Dù BLĐ Bayern vừa tuyên bố vị trí của van Bommel vẫn được đảm bảo, song cầu thủ người Hà Lan vẫn đang để mở về một vụ chuyển nhượng.
“Người đại diện của tôi nói rằng có tới 99% khả năng tôi sẽ ở lại Bayern đến hết mùa. Nhưng bạn biết đấy, kỳ chuyển nhượng chỉ vừa mở cửa và nó còn kéo dài tới ngày 31/1. Mọi chuyện hoàn toàn có thể xảy ra”, van Bommel úp mở.
Một điều chắc chắn là Bayern rất muốn van Bommel ở lại Munich đến hết mùa. Dù không còn ở đỉnh cao phong độ nhưng kinh nghiệm của cầu thủ này vẫn rất quan trọng với Bayern, đặc biệt là ở những trận đấu căng thẳng tại Champions League. Nhưng van Bommel không quan tâm nhiều đến điều đó. Bởi nếu ra đi trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông, anh sẽ có cơ hội nhận được một bản hợp đồng hậu hĩnh hơn. Đó mới là điều mà van Bommel tính đến và xác suất tiền vệ này rời Allianz Arena trong mùa Đông lớn hơn nhiều so với tỷ lệ 1%.
(Theo báo Bóng Đá)