Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Xuất sắc tiêu diệt "khổng lồ" Barca đầy thuyết phục, AC Milan đặt một chân vào vòng tứ kết

Thứ Năm 21/02/2013 02:18(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Trong một ngày thi đấu xuất thần và "đỉnh nhất" từ đầu mùa., AC Milan đã buộc "nỗi kinh hoàng" của cả lục địa già phải "xếp giáp quy hàng". Hai bàn thắng của cặp cầu thủ người Ghana , Boateng - Muntari là kết tinh công sức của cả một tập thể nỗ lực chiến đấu trong suốt 90 phút, là sản phẩm cuối cùng của một đấu pháp hợp lý, là thành quả của những tính toán chiến thuật thiên tài do Allegri vạch ra. Trên San Siro, Messi và đồng đội đã hoàn toàn lạc lối, đến độ biến thủ thành đối phương thành kẻ thất nghiệp vì chẳng phải làm gì trong cả trận. Với kết quả 2-0, AC Milan đang đứng trước cơ hội rất lớn loại bỏ ƯCV sáng giá nhất cho danh hiệu vô địch Champions League 2012-2013.

Họ là hai đội bóng giàu truyền thống bậc nhất tại C1/Champions League với tổng cộng 11 danh hiệu vô địch, qua đó tạo nên một cặp đấu kinh điển tại vòng 1/8. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, khoảng cách giữa hai đội là quá xa và làm sao có thể rút ngắn trong một sớm một chiều. Barca vẫn đang được mặc nhiên thừa nhận là đội bóng số 1 châu Âu, dựa trên thế hệ cầu thủ siêu tài năng thuộc vào diện xuất sắc nhất trong lịch sử CLB cũng như cả làng bóng đá thế giới. Rồi lớp kế cận phía sau hứa hẹn cũng giỏi giang chẳng kém, đảm bảo cho một tương lai lâu dài và tươi sáng. Trong khi đó, AC Milan mới vừa tiến hành khởi động công cuộc trẻ hoá toàn diện (mạnh dạn loại bỏ hàng loạt công thần lớn tuổi, đem về không ít sao mai tiềm năng) từ đầu mùa nên không thể tránh khỏi chuyện thành tích, đẳng cấp, phong độ hiện tại của đội bóng bị ảnh hưởng. Có lẽ tối thiểu cũng phải vài năm nữa, Rossoneri mới tìm lại được hình ảnh đích thực. Bởi thế, tin chắc gần 100% chuyên gia bóng đá đều nhận định khả năng AC Milan vượt qua được Barca được xem chỉ tồn tại trên lý thuyết. Trước trận đấu, ký ức ngọt ngào của năm 1994 (AC Milan thắng Barca đến 4-0 ở trận chung kết) lại được nhắc đến như một liều doping tinh thần cho đội bóng thành Milano song để thắng Barca, như thế là quá ít ỏi. Đừng quên mùa trước, hai đội đã gặp nhau 4 lần và AC Milan chẳng thắng nổi trận nào (hoà 2, thua 2). Vậy mà, rốt cục, điều kỳ diệu đã xảy ra ở lượt đi.

Chẳng rõ niềm hy vọng lớn nhất của AC Milan, Stephen El Shaarawy đã hoàn toàn bình phục chấn thương một cách thần kỳ hay anh bị ép ra sân bởi Allegri không còn biết tin cậy vào ai trên hàng công nhưng dẫu sao, sự hiện diện của tài năng tuổi 20 trong danh sách xuất phát vẫn làm người hâm mộ đội bóng thêm an tâm. Đá cặp với El Shaarawy là một Pazzini, tiền đạo "vừa trung bình vừa thất thường". Hỗ trợ cho họ là một Nocerino thi đấu như mất hồn từ cuối mùa trước và Montolivo, thủ lĩnh tuyến giữa, tiền vệ ổn định nhất đội song khó đủ sức kéo cả đoàn tàu. Lão tướng Ambrosini và chiến binh chưa hồi sinh, Muntari sẽ đảm trách nhiệm vụ nặng nề: ngăn chặn và kiềm toả tiqui-taka của đối thủ. Tại hàng phòng ngự, một Mexes "trận hay trận dở" sẽ phải cáng đáng nhiều trọng trách khi mà bên cạnh anh chỉ là một Zapata còn non nớt, đặc biệt ở đấu trường châu Âu. Rõ ràng, xếp "dàn sao" này bên cạnh "Dải thiên hà" đến từ Nou Camp, hẳn không ít CĐV AC Milan sẽ phải chạnh lòng. Này nhé, tung hoành trên cao là bộ ba huyền ảo: Pedro - Messi - Iniesta mà có lẽ chỉ cần 1 trong 3 người toả sáng thôi cũng đủ "giết" AC Milan, bệ phóng ở giữa gồm hai nhạc trưởng Xavi - Fabregas (tiền vệ đã trở lại phong độ cao nhất kể từ ngày Tilo Vilanova lên nắm quyền nhờ được sử dụng và khai thác hợp lý) cùng "chân đế vững chãi" Busquets. Hậu phương của đội khách quy tụ những gương mặt tốt nhất: Puyol - Pique (trung vệ), Alves (cánh phải) và Alba (cánh trái).

Tuy vậy, Barca vẫn tôn trọng đối thủ một cách tối đa khi tiếp cận trận đấu rất bình thản, từ tốn như thể muốn thăm dò sức mạnh. Họ chủ trương cứ cầm bóng chắc ở giữa sân và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội tấn công chứ không đánh ào ạt, vỗ mặt. Còn AC Milan lộ rõ ý đồ chơi phòng ngự chặt - phản công nhanh. Bất chấp đối thủ chưa triển khai thế trận tấn công mạnh mẽ, đội chủ nhà vẫn cố thủ với số đông bên phần sân nhà, chia người ra che chắn kỹ càng mọi hướng tiếp cận cầu môn. Tình huống đáng kể đầu tiên thuộc về AC Milan khi Muntari vung chân volley từ cú phá bóng giải vây của Xavi nhưng bóng bay cao hơn xà ngang. Dù cố gắng đến đâu, AC Milan không hạn chế hết sự nguy hiểm tiềm tàng của đối thủ. Phút 10, vòng cấm địa rơi vào cảnh hỗn loạn sau hai cú phạt góc liên tiếp nhưng may mắn, chưa có hậu quả gì xấu xảy ra. Ngay sau đó, Barca cho rằng quả tạt của Pedro đã đưa bóng chạm vào tay Mexes, chỉ có điều không trọng tài nào nhìn thấy (hoặc đó là sự tưởng tượng của đội khách).

Phút 14, trong một đợt phản công nhanh, El Shaarawy tăng tốc thoát xuống xâm nhập khu vực 16m50 từ cánh trái sau đường chuyền thuận lợi của đồng đội nhưng anh đã quá chần chừ trong quyết định đưa vào trong cho Pazzini, khiến Puyol kịp thời lao vào can thiệp, phá bóng ra hết đường biên ngang. Ở cú phạt góc ngay sau đó, Boateng suýt đánh đầu vào lưới ở cự ly gần nếu điểm tiếp xúc tốt hơn. Phút 18, Xavi thực hiện cú sút xa và không gây chút khó khăn nào cho Abbiati. Có vẻ Barca bắt đầu lâm vào thế bế tắc khi vấp phải xe bus dựng trước cầu môn. Đã tới lúc, các siêu sao Lam - đỏ phải thể hiện được khả năng tạo đột biến cao từ nhiều vị trí trên sân của mình cũng như trình độ công phá những hệ thống phòng ngự nhiều lớp. Chẳng những yếu tố "thủ chặt" được đảm bảo mà ngay cả "công sắc" cũng được đội chủ nhà trình diễn. Đôi lần, các hậu vệ của Barca phải giật mình trước sự tập kích bất ngờ từ AC Milan. Đáng tiếc nhất trong nửa cuối hiệp 1 chắc chắn là tình huống El Shaarawy gần chạm được vào bóng trong bối cảnh cơ hội ăn bàn rất rộng mở sau đường chuyền vào trong hết sức thông minh của Boateng.

Trong khi đó, Barca chưa một lần được tiếc nuối tương tự và chỉ mãi loay hoay giải bài toàn "phòng ngự số đông" cho đến tận giờ nghỉ giải lao. Rõ ràng, AC Milan đã có 45 phút đầu cực kỳ thành công và Barca sẽ phải mạo hiểm hơn, sáng tạo hơn trong hiệp 2 nếu muốn giành chiến thắng dù rằng một kết quả hoà trên sân khách chẳng phải thành tích gì đáng thất vọng. "Gã khổng lồ" xứ Catalan cũng chưa vội tiến hành sự điều chỉnh về mặt nhân sự khi trận đấu trở lại. Tuy nhiên, họ đã đẩy cao nhịp độ tấn công và để đáp lại, AC Milan tiếp tục gia cố trận địa phòng ngự bằng cách tập trung toàn bộ đội hình bên nửa sân nhà và tổ chức kèm người, pressing quyết liệt từ xa. "Huyền thoại bóng đá mới" Lionel Messi vẫn chưa làm nên nổi trò trống gì khi bị "quây kín", không có không gian lẫn thời gian để xoay sở.

Và rồi một ngày thi đấu thành công của AC Milan đã được đánh dấu bằng bàn thắng. Xuất phát từ một tình huống phối hợp đá phạt, bóng trúng vào người Zapata bật ra, đến đúng vị trí của Boateng. Không chần chừ, "Hoàng tử Ghana" vung chân sút đập đấp, cắm trái bóng vào góc lưới trong sự bất lực của Valdes. Đội khách phản ứng dữ dội vì cho rằng thực ra, bóng đã chạm vào tay Zapata nhưng trọng tài vẫ không thay đổi quyết định công nhận bàn thắng của mình, thậm chí còn dành tặng Pique một thẻ vàng. Vậy là năm thứ 2 liên tiếp, Boateng làm tung lưới Barca trên San Siro và hy vọng lần này AC Milan sẽ thắng hoặc ít nhất hoà chứ không thua (2-3) như lần trước. Giờ đây, HLV tạm quyền Jordi Roura và cả chính thức Tito Vilanova (được cho đang theo dõi và đưa ra những chỉ đạo kịp thời từ ... nước Mỹ) không thể bình thản được nữa. Họ mau chóng tung Alexis Sanchez vào sân thế chỗ của Fabregas. Tiền vệ người Chile từng vài năm khoác áo Udinese nên không xa lạ gì AC Milan song đến thiên tài cỡ Messi còn đang bó tay, huống chi một cầu thủ đã hoàn toàn đánh mất mình.

Trận đấu diễn ra dồn dập hơn nhờ sự thúc đẩy của Barca nhưng độ căng thẳng cũng tăng lên đáng kể. Cầu thủ hai bên liên tục va chạm và đội ngũ bác sĩ hoạt động tích cực. Á quân La Liga vẫn áp đảo về thời gian kiểm soát bóng song giống như những phút đã qua, họ chẳng thể chuyển hoá nó thành cơ hội dù nhỏ nhất. Dàn sao hùng mạnh xứ Catalan chỉ đủ sức "ban qua ban lại" nơi tuyến giữa và không thể tiến sâu hơn khi mà AC Milan dàn hàng ngang thành hai lớp trước khu vực 16m50. Cái bức tường này cũng "đàn hồi", co dãn nhịp nhàng tuỳ theo nhịp tấn công của đối thủ. Phút 68, Pazzini nỗ lực ngả người thực hiện cú đá kỹ thuật nhưng lại hơi thiếu lực nên không thể làm khó cho Valdes. Vài phút sau, tiền đạo người Italia phải rời sân, nhường chỗ cho gương mặt trẻ Niang.

Cuối cùng, Barca cũng có được một cơ hội nguy hiểm nhất từ đầu trận khi Iniesta vung chân nã đạn từ ngoài vạch 16m50 và bóng suýt đi trúng đích trong tình cảnh Abbiati đã đứng nhìn. Tưởng như, với tình huống "phá băng" đó, đội khách sẽ chơi khá khẩm hơn song hoá ra, đó chỉ là khoảnh khắc loé sáng hiếm hoi của họ trong một đêm đen tối. Phút 81, AC Milan xuất sắc nâng tỷ số lên 2-0 sau một pha phối hợp đẹp mắt. Niang xử lý tự tin trong vòng cấm và đẩy sang cho El Shaarawy. Không chọn giải pháp dứt điểm, chân sút sinh năm 1992 này quan sát rất nhanh hướng di chuyển của Muntari để vẩy sang bên góc trái và tiền vệ người Nigeria đã không phụ công người đồng đội trẻ khi sút chéo góc, hạ gục Valdes. Số phận trận đấu coi như đã được định đoạt, chẳng những vậy, Milan đã có thể sờ đến tấm vé tham dự vòng tứ kết, một chiến tích "vĩ đại" nằm ngoài dự kiến của chính họ.

Khoảng thời gian còn lại, Barca chỉ tung ra thêm được duy nhất một bài "cực độc": Mascherano thay thế đội trưởng Puyol (củng cố phòng ngự tránh thua thêm chăng?) và thế là "đâu lại vào đấy". Thật sự, phải lâu lắm rồi, người ta mới thấy Barca khổ sở và vật vã đến vậy. Và không hiểu từ lúc nào mà đồng loạt Xavi, Iniesta, rồi cả Messi im lặng đến đáng sợ trước đấu pháp quá hợp lý và sáng suốt của đội chủ nhà. Chính xác hơn, họ đã bị "bắt bài toàn tập". Mấy năm qua, chẳng phải Barca chưa bao giờ thua mà kể cả có thất bại thì Barca cũng phải "thua trong vinh quang" (tức là tạo ra không ít cơ hội ăn bàn và tự bỏ lỡ). Đằng này, cho đến hết trận, số tình huống được xem là nguy hiểm đến không hết một bàn tay.

Trận đấu kết thúc trong sự hân hoan vô bờ trên San Siro. Thắng Barca không dễ mà thắng quá thuyết phục thì càng khó tin hơn. Ấy thế mà, AC Milan đã làm nên câu chuyện "hoang đường" đó trong sự bàng hoàng xen lẫn thán phục của cả châu Âu. Chắc chắn trận lượt về tại Nou Camp sau đây 2 tuần, AC Milan sẽ lại chơi như vậy và ngọn núi phía trước Lionel Messi cùng đồng đội e rằng không thể vượt qua.

Đội hình thi đấu
AC Milan:
Abbiati, Abate, Mexes, Zapata, Constant, Ambrosini, Montolivo, Muntari, Boateng, Pazzini (Niang 75'), El Shaarawy (Traore 88')
Barcelona: Valdes, Dani Alves, Pique, Puyol (Mascherano 88'), Jordi Alba, Xavi, Busquets, Fabregas (Alexis 62'), Pedro, Messi, Iniesta

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X