Chủ Nhật, 03/11/2024Mới nhất
Zalo

Xu thế mới của TTCN: Mượn tạm rồi mới mua đứt

Thứ Năm 04/09/2014 21:40(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Các nhà làm luật của UEFA đang khá lúng túng trước một “chiêu” mới của các ông lớn nhằm đối phó với Luật công bằng tài chính: họ tìm cách mang những ngôi sao lớn về đội bằng cách mượn một năm, kèm theo điều khoản mua đứt vào cuối mùa.

Alvaro Negredo đã khởi đầu ấn tượng tại Premier League, khi ghi 26 bàn ở nửa đầu mùa giải, nhưng tịt ngòi suốt từ ngày 21/1 tới nay. Anh và cô vợ Clara cũng đã chán cuộc sống ở xứ sở sương mù, và muốn hồi hương. Đúng lúc đó Valencia xuất hiện…

Mượn, mà không phải là mượn

Cho dù đã sa sút phong độ, Negredo vẫn là một cầu thủ đẳng cấp, và việc để anh ra đi có thể dẫn tới sự thiếu hụt trên hàng công Man City. Pellegrini biết điều đó, nhưng ông sẵn sàng đẩy Yaya Toure hoặc David Silva lên cao hơn để thực hiện một hành động nghĩa hiệp là giải thoát cho chân sút người Tây Ban Nha. Tất nhiên, đề nghị của Valencia cũng khá hấp dẫn: 25 triệu bảng cộng thêm điều khoản phụ. Nên nhớ, Man City mua Negredo từ Sevilla với giá 20 triệu bảng.

Negredo đến Valencia theo dạng cho mượn, trước khi mua đứt
Negredo đến Valencia theo dạng cho mượn, trước khi mua đứt

Cuối ngày hôm ấy, Negredo đến Valencia, nhưng với dạng hợp đồng cho mượn. Kèm theo đó là một điều khoản mua đứt, được kích hoạt trong thời hạn 12 tháng với giá thỏa thuận. Tại sao lại có sự thay đổi này? Tất cả để đối phó với luật công bằng tài chính. Về danh nghĩa, Negredo vẫn là cầu thủ của Man City nhưng đang được cho mượn đến Tây Ban Nha. Valencia, đội bóng vẫn đang bị xiết nợ, muốn có Negredo nhưng lại chưa thể trả tiền ngay mà phải đợi đến sau khi doanh nhân Peter Lim (người từng có ý định mua Liverpool) chính thức tiếp quản. Với cách thức này, Man City và Valencia đều đã qua mắt được Ủy ban tài chính của UEFA, một cách hợp pháp.

Tuần trước, trong lễ bốc thăm chia bảng Champions League tại Monte Carlo, tổng thư ký UEFA Gianni Infantino đã hết lời ca ngợi luật công bằng tài chính. Ông tiết lộ rằng lần đầu tiên sau 5 năm, doanh thu của các CLB châu Âu đã cao hơn mức lương. Đồng thời khoản lỗ tích lũy đã giảm từ 1,35 tỷ bảng năm 2011 xuống còn 635 triệu bảng vào năm 2013. Chỉ vài ngày sau, thống kê cho thấy Premier League đã chi tới 835 triệu bảng ở mùa hè vừa rồi, gấp đôi La Liga (425), và bỏ xa Serie A(260), Bundesliga (250).

Điều đáng nói là con số này không bao gồm khoản tiền xấp xỉ 50 triệu bảng mà Man United sẽ bỏ ra để mua Falcao, bởi động thái ấy chỉ diễn ra vào cuối mùa, còn bây giờ, anh chỉ thi đấu theo dạng cho mượn từ Monaco. Tương tự, khoản tiền 25 triệu bảng mà Valencia sẽ mua Negredo cũng không bị tính vào con số 425 triệu bảng mà Liga đã tiêu. Trong khi đó, Fernando Torres vẫn là cầu thủ của Chelsea theo danh nghĩa, dù trong hai năm cuối của hợp đồng, anh khoác áo AC Milan. Torres chỉ là một trong số… 26 cầu thủ mà Chelsea cho mượn rải rác trên khắp thế giới.

Thời của những siêu cò

Theo những nhà ngôn ngữ học, cần phải có một định nghĩa mới về thủ thuật này. Cho mượn có nghĩa là sẽ nhận lại, nhưng trong các thương vụ kể trên, các cầu thủ không hề có ý định trở lại đội bóng cũ, và ngược lại. Các cầu thủ ra đi không phải để tìm kiếm kinh nghiệm nhằm trở lại với đội bóng chủ quản. Họ coi đó như là một bến đỗ lâu dài trong sự nghiệp của mình.

Hãy nhìn lại cái cách mà Man United giải quyết thương vụ Falcao, bạn sẽ thấy chẳng có dấu hiệu nào của một bản hợp đồng cho mượn 12 tháng cả. Từ việc chăm chút hình ảnh, phô trương thương hiệu, cho đến mức lương trên trời, tất cả đều là minh chứng cho một bản hợp đồng có thời hạn lâu dài, nhưng chưa được công bố chi tiết. Việc mượn 12 tháng thật ra bị coi như là một thủ tục.

Luật công bằng tài chính đã khiến các CLB phát kiến ra thủ thuật “mượn trước, mua sau” này. Đó luôn là những bản hợp đồng ngắn hạn và chủ yếu diễn ra giữa các đại gia và những đội bóng nhỏ hơn. Đại gia sẽ lách luật để sở hữu các tài năng, còn các đội cửa dưới đành hài lòng với những lựa chọn kém chất lượng hơn. Đó không phải một hệ thống tốt, nhưng cũng có những lợi ích nhất định.

Luật công bằng tài chính ra đời với ý đồ hạn chế vòi bạch tuộc của các ông lớn, nhưng chỉ sau một hai mùa giải, nó đã trở nên bất lực. Bóng đá bây giờ là thời đại của các ông bầu, các tay kế toán, và đặc biệt, của các siêu cò.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X