Trong phần một của phân tích xu hướng chiến thuật 2013, báo Anh The Guardian nhìn nhận sự trở lại của các cặp tiền đạo trong sơ đồ 4-4-2 và lối chơi tiki-taka thiên về thể lực.
Sự trở lại của các cặp tiền đạo
Trong khoảng một thập kỷ qua, có vẻ như một đội bóng hàng đầu sẽ không thể chiến thắng nếu chơi với 2 tiền đạo. Có 2 tiền đạo, theo logic, bạn sẽ mất sự kiểm soát ở trung tuyến. Những cải cách chiến thuật ở tầm mức ĐTQG luôn chậm hơn ở CLB, nhưng ngay cả với các đội tuyển, tới Euro 2008, sơ đồ 4-2-3-1 đã trở thành phổ quát.
Nhưng mùa này, các cặp tiền đạo đang trở lại là mốt thời thượng. Khi Manchester City bố trí Alvaro Negredo và Sergio Aguero, đó là một cặp tiền đạo, dù không phải lúc nào họ cũng chơi cạnh nhau, hoặc đôi khi một người chơi như tiền vệ tấn công, trong sơ đồ lai giữa 4-2-3-1 và 4-2-2-2.Man City và Atletico Madrid đang sở hữu những cặp tiền đạo rất mạnh
Tương tự như thế, Liverpool sử dụng Luis Suarez và Daniel Sturridge với hiệu quả tuyệt vời. Ở Atletico Madrid, Diego Costa và David Villa đang tỏa sáng, trong khi bộ đôi của Paris Saint-Germain là Zlatan Ibrahimovic và Edinson Cavani. Fernando Llorente và Carlos Tevez cũng là những đối tác lý tưởng cho Juventus, dù đội bóng Ý chơi với hàng thủ 3 người, chứ không phải 4.
Sở dĩ các cặp tiền đạo có thể thành công một phần là bởi các hàng thủ có vẻ như đã quên mất cách đối phó với 2 tiền đạo. Khi có 2 trung vệ đối phó với 1 tiền đạo, 1 người kèm sát và 1 người đá lót: cơ chế phòng ngự rất đơn giản. Khi 2 chống 2, không có người đá lót, hay người đá lót phải là một hậu vệ cánh. Trong khi đó, một hậu vệ cánh hiện đại có khuynh hướng tập trung đối đầu với tiền vệ cánh đối phương và dâng lên tấn công bất cứ khi nào có cơ hội.
Thêm vào đó, với nhiều đội bóng, một trong các trung vệ trên thực tế đã trở thành một tiền vệ tổ chức đá lùi. Một trung vệ sẽ đảm nhiệm toàn bộ chức năng phòng ngự, trong khi người kia đá quét và phân phối bóng từ phía sau. Nếu như đối phương có thêm một tiền đạo mà họ phải kèm, cặp trung vệ kiểu đó sẽ ngay lập tức gặp rắc rối.
Điểm yếu của cặp tiền đạo là hàng tiền vệ sẽ yếu đi. Điều đó chắc chắn là vấn đề của Man City. Dễ hiểu là một đội bóng có 3 tiền vệ trung tâm sẽ chiếm ưu thế về thế trận với một đội chỉ có 2 người. Trong khi có thêm một tiền vệ là lợi thế, cách xử lý của các HLV đá 2 tiền đạo là thay đổi mô hình giữa tấn công và phòng thủ.
Không có nhiều khác biệt lớn giữa ĐT Anh của Roy Hodgson và Borussia Dortmund. Khi có bóng và tấn công, CLB Đức chơi 4-2-3-1, nhưng khi mất bóng và nếu không gây sức ép lên đối phương, họ nhanh chóng lùi lại tạo thành 2 tuyến phòng ngự, mỗi tuyến 4 người. Nếu đảm bảo cự ly đội hình và khép chặt các khoảng trống, 4-4-2 vẫn là một đội hình phòng ngự lý tưởng. Khi Man City chơi 4-4-2 trước Bayern Munich trên sân nhà, đó là một lựa chọn quá rủi ro, nhưng khi Hodgson dùng 4-4-2 ở ĐT Anh, ông duy trì lối đá chặt chẽ đến cứng nhắc.
Thêm vào đó, phải thấy rằng các cặp tiền đạo hiện giờ khác hẳn quá khứ. Trước kia, những cặp tiền đạo chia làm 2 loại: một người cao to-một người nhỏ con, tốc độ. John Toshack và Kevin Keegan, Mark Hateley và Ally McCoist, Niall Quinn và Kevin Phillips thuộc loại này. Thứ hai: một người kiến tạo-một người dứt điểm. Kenny Dalglish và Ian Rush, Peter Beardsley và Gary Lineker,Teddy Sheringham và Alan Shearer. Hiện giờ, các cặp tiền đạo đều là những cầu thủ đa năng, vừa có thể kiến tạo, vừa có thể ghi bàn, có thể đá cắm lẫn dạt cánh, lùi sâu. Điều đó khiến thế trận tấn công của họ khó đoán hơn và khó đối phó hơn.
Cầm bóng và gây sức ép
Tiki-taka đã thất sủng vào năm vừa qua do nhiều người đã quá chán nản với kiểu chuyền bóng của TBN và một hình thức thay thế đã xuất hiện. Những trận đấu hủy diệt Barcelona và Real Madrid của Bayern Munich và Borussia Dortmund ở bán kết Champions League là những thay đổi mang tính biểu tượng, nhưng cuộc cách mạng là về phong cách chứ không chỉ là về mức độ tiki-taka.
Cả Bayern và Dortmund đều gây sức ép lên đối thủ, đẩy cao đội hình, chuyền bóng nhiều; nhưng khác biệt với mô hình TBN là họ chơi với tốc độ cao hơn, trực diện hơn, nhiều thể lực hơn và không ngại để mất bóng với những đường chuyền xuyên phá mạo hiểm.
Việc chơi với nhiều sức ép không nhất thiết phải gắn liền với lối chơi chuyền bóng an toàn. Một ví dụ ở Premier League là Southampton. Theo thống kê ở trang mạng Who Scored, họ có số lần tắc bóng mỗi trận nhiều thứ 3 ở Premier League mùa này, một dấu hiệu về lối chơi pressing liên tục của họ. Thêm vào đó, ngay cả với sự sa sút gần đây, họ vẫn là đội cầm bóng nhiều thứ 2 ở giải, đồng thời có nhiều đường chuyền thứ 2 và chỉ có tỉ lệ chuyền bóng chính xác xếp thứ 10. Khi có bóng, Southampton triển khai rất nhanh về phía khung thành đối phương và chiếm quyền kiểm soát bóng ưu thế không phải bằng việc chuyền đi chuyền lại những đường chuyền vô hại, mà bằng cách giành lại bóng nhanh nhất có thể.
Nhìn vào thống kê tỉ lệ cầm bóng ở Premier League, nhiều con số rất thú vị: Arsenal có tỉ lệ cầm bóng xếp thứ 9 với 54,7% trong khi Stoke xếp thứ 10 chỉ có 47,9%. Điều đó cho thấy Premier League đang chia thành 2 nhóm rõ rệt ở khu trung tuyến: 9 CLB cầm bóng áp đảo, trong khi 11 đội khác lùi lại và tìm cách hóa giải áp lực.
Theo Bongdaplus.vn