Từng rất ủng hộ quyết định này của UEFA nhưng giờ HLV người Pháp tin rằng bộ luật FFP đã lỗi thời và không thể chống lại quy luật của thị trường.
Ra đời năm 2013, luật công bằng tài chính FFP nhằm mục đích hướng đến một nền bóng đá công bằng hơn khi yêu cầu các CLB phải cân đối giữa doanh thu và số tiền chi ra. Tuy nhiên từ đó đến nay, quyết định được UEFA ban hành này dường như chỉ có tác dụng… làm cảnh cho có, đơn giản bởi những gã nhà giàu như Manchester City và Paris Saint-Germain đã biết cách lách luật để thoải mái mua sắm bạt mạng.
Như ngay năm 2013 đó, Man City đã lách luật bằng cách ký hợp đồng tài trợ trị giá 400 triệu bảng với Etihad Airways, hãng hàng không có quan hệ thân thiết với giới chủ Ả Rập của họ, qua đó giúp CLB nước Anh danh chính ngôn thuận sở hữu một nguồn thu khổng lồ để đầu tư vào thị trường chuyển nhượng.
PSG dễ dàng lách luật Công bằng Tài chính để chiêu mộ hai ngôi sao đắt giá nhất thế giới Neymar và Mbappe |
Sang đến mùa hè này, PSG thậm chí phá kỷ lục thế giới với 222 triệu euro điên rồ chi cho Neymar. Tuy nhiên, đại gia nước Pháp cũng thông qua giới chủ Qatar ký hợp đồng tài trợ hình ảnh World Cup 2022 với ngôi sao Brazil và để anh tự trả tiền giải phóng hợp đồng với Barcelona. Như vậy, trên danh nghĩa thì PSG không bỏ ra đồng nào để có Neymar. Với thần đồng Mbappe thì luật được lách bằng thỏa thuận hỏi mượn một mùa giải với Monaco, coi như 180 triệu Euro chỉ là câu chuyện của hè sang năm.
Cũng chính vì vậy mà bất chấp UEFA tuyên bố mở cuộc điều tra chính thức nhằm vào PSG, gã nhà giàu nước Pháp đi đầu trong công cuộc gây lũng đoạn thị trường chuyển nhượng cũng đã hùng hồn thách thức ngược rằng rằng họ không hề vi phạm luật công bằng tài chính. Trong khi đó, Man City thậm chí không bị sờ gáy dù cũng đã phá kỷ lục mua sắm trong một phiên chợ với hơn 250 triệu Euro. Xét cho cùng, FFP sinh ra chỉ để làm trò hề, khiến Arsene Wenger vô cùng thất vọng và kêu gọi dẹp luôn bộ luật vô dụng này.
“Luật Công bằng Tài chính giờ đã và đang bị lách bởi quá nhiều cách thức hợp pháp. Có lẽ chúng ta khó có thể duy trì nó lâu thêm được nữa. Đây dường như mới chỉ là điểm khởi đầu cho kỷ nguyên mà quyền năng của đồng tiền từng bước chi phối thế giới bóng đá. Chẳng còn ai biết tôn trọng bộ luật này nữa và cứ thế phá vỡ nó dễ dàng như không. Vậy nên, tôi ủng hộ bãi bỏ luật FFP.”
“Có nhiều câu hỏi cần được nghiêm túc thảo luận. Ví dụ như việc nước Anh chúng ta có nên mở cửa đón những dòng tiền của các nhà đầu tư từ Trung Quốc hay Mỹ hay không? Nếu chúng ta muốn giữ được vị thế của một giải đấu hàng đầu thế giới, chắc chắn rằng đó là việc nên làm.”
Gia Khoa (TTVN)