Thứ Ba, 16/04/2024Mới nhất
Zalo

Vì sao các CLB châu Âu vẫn đua nhau ném tiền vào chuyển nhượng?

Thứ Ba 06/08/2013 14:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Mùa hè năm 2013, số vụ chuyển nhượng bom tấn bỗng tăng nhanh một cách đột biến. Thương vụ đắt giá nhất (Cavani, từ Napoli sang PSG) đã chạm mốc 64 triệu euro, trong khi những bản HĐ trị giá khoảng 30-40 triệu euro thì nhiều không đếm xuể, và vẫn còn không ít ngôi sao hứa hẹn sẽ thay đổi nơi làm việc trong tháng 8 này. Và các CLB có lý do để vung tiền mà không hề e ngại, bởi các thống kê đã cho thấy rằng bóng đá có lẽ là lĩnh vực an toàn bậc nhất trong tất cả các ngành nghề kinh doanh…

 

Sàn chuyển nhượng bùng nổ

Edinson Cavani, 64 triệu euro. Radamel Falcao, 60 triệu. Neymar, 57 triệu. James Rodriguez, 45 triệu. Fernandinho, 40 triệu… Mới là đầu tháng 8, và kinh tế toàn cầu nói chung cũng như châu Âu nói riêng vẫn chưa thật sự hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng danh sách những thương vụ bom tấn trên sàn chuyển nhượng thì lại dài một cách bất ngờ. Trong đó, Premier League vẫn là lá cờ đầu với 416,45 triệu euro (tương đương khoảng 366,48 triệu bảng), Ligue 1 xếp ngay sau với 317,95 triệu, Serie A giành ngôi thứ ba sau khi bỏ ra 315,24 triệu, La Liga có phần im ắng với 242,8 triệu và đứng ở vị trí thứ tư, còn Bundesliga xếp cuối cùng khi mới sử dụng có 189 triệu vào việc mua sắm cầu thủ.

Tính đến nay, dù kỳ chuyển nhượng mùa hè mới trôi qua được 2/3 chặng đường, tổng số tiền mà các CLB thuộc 5 giải VĐQG lớn nhất lục địa già bỏ ra cho việc chiêu mộ tân binh đã cán ngưỡng 1,5 tỷ euro, bằng khoảng 75% của cả mùa hè năm 2012. Nếu xu thế này tiếp tục được duy trì cho đến ngày 31/8 – khi thời gian dành cho hoạt động chuyển nhượng chính thức khép lại – thì chỉ riêng doanh số của nhóm “Big Five” (Anh, Đức, Pháp, TBN, Italia) đã có thể vượt mốc 2 tỷ euro, một con số kỷ lục kể từ khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ ra đời. Đó cũng không phải là một mục tiêu gì phi thực tế, bởi vẫn còn rất nhiều siêu sao chuẩn bị thay đổi địa điểm thi đấu trong vài tuần sắp tới: Gareth Bale đang trên đường đến Madrid với cái giá rơi vào khoảng 100-120 triệu bảng, Wayne Rooney dự kiến sẽ chính thức nộp đơn xin được chuyển nhượng (sang Chelsea, giá khoảng 30 triệu bảng), Luis Suarez vẫn nằm trong tầm ngắm của Arsenal còn David Luiz có thể sẽ chia tay nước Anh để sang khoác áo Barcelona hoặc Bayern Munich….

Không sợ FFP, cũng không sợ phá sản?

Đáng nói hơn, cơn lốc chi tiêu kể trên lại diễn ra đúng vào thời điểm Luật Công bằng Tài chính (Financial Fair Play – FFP) sắp sửa có hiệu lực. Nói cách khác, đa phần các CLB bóng đá ở lục địa già chẳng hề e ngại những tác động (nếu có) của FFP: đạo luật này, dù thoạt trông có vẻ rất khắt khe (yêu cầu các CLB không được phép thua lỗ lũy kế quá 45 triệu euro trong 3 mùa bóng liên tiếp), lại có rất nhiều kẽ hở để “tạo điều kiện” cho các đội bóng lớn đáp ứng được tiêu chuẩn. Cụ thể, FFP không bao gồm các khoản đầu tư “lành mạnh” như nâng cấp SVĐ, cơ sở tập luyện và cũng không tính tới chi phí khấu hao tài sản, giúp giảm con số thua lỗ của các CLB xuống đáng kể. Trong trường hợp xấu nhất, các ông chủ vẫn có thể lách luật bằng cách thực hiện một bản hợp đồng tài trợ “trên trời” cho đội bóng mà mình sở hữu, như cái cách mà Etihad Airways tài trợ cho Man City hay Qatar Tourism Authority bơm tiền cho PSG. Mới đây, HLV Arsene Wenger đã bày tỏ sự quan ngại xung quanh vụ chuyển nhượng Bale khi tuyên bố số tiền 100 triệu bảng mà Real sẵn sàng trả cho Tottenham là một “trò đùa”, nhưng xem ra bản thân FFP là một trò đùa lớn của UEFA thì đúng hơn…

Tuy nhiên, cứ cho là FFP không có nhiều tác dụng trong việc kiểm soát tình hình tài chính của các CLB, thì chẳng lẽ họ không lo lắng trước nguy cơ một ngày nào đó rơi vào cảnh phá sản? Tổng thư ký UEFA, Gianni Infantino từng giải thích: “Tất cả các CLB đều muốn cạnh tranh. Do đó họ phải chi tiền, nhưng chỉ một số ít CLB đủ khả năng tài chính để chạy đua, còn số khác thì không. Nhiều CLB vay mượn hoặc nhận tiền từ các ông chủ để mua sắm cầu thủ, nhưng điều này là không bền vững và một ngày nào đó họ sẽ có nguy cơ phá sản”. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là Leeds United: nhờ đầu tư không tiếc tay vào mua cầu thủ, họ từng là một thế lực trong làng bóng đá Anh giai đoạn đầu thế kỷ mới và đã vào đến bán kết Champions League mùa 2000/01. Nhưng chỉ sau một mùa giải vắng mặt ở Champions League, Leeds không thể thanh toán nổi các khoản nợ khổng lồ và nhanh chóng rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính, để rồi rơi xuống tận hạng Ba vào năm 2007.

Cứ yên tâm mà chi tiền

Câu trả lời: tất nhiên là không, bởi những trường hợp như Leeds chỉ là ngoại lệ và rất hiếm CLB bóng đá phải đối mặt với tình cảnh phá sản. Trong số 85 đội bóng từng góp mặt ở 4 hạng đấu chuyên nghiệp của bóng đá Anh vào năm 1923, tất cả vẫn tồn tại vào năm 2008 và 75 đội trong số đó (chiếm hơn 88%) vẫn đang thi đấu ở các hạng chuyên nghiệp. Một sự ổn định khủng khiếp, nếu không muốn nói là ngoài sức tưởng tượng nếu so sánh với các ngành kinh tế khác: trong số 30 công ty hình thành nên chỉ số chứng khoán Dow Jones vào năm 1923, hiện chỉ còn một mình General Electric vẫn đứng trong hàng ngũ các doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ. Và sự ổn định đó cũng không chỉ xuất hiện ở riêng nước Anh: trong số 74 CLB từng tranh tài ở hạng đấu cao nhất của các giải VĐQG Anh, Pháp, TBN, Italia vào mùa giải 1949/50 (không tính Đức vì mãi đến năm 1963 thì Bundesliga mới được thành lập) thì có tới 46 đội (chiếm 62%) vẫn đang chinh chiến ở Premier League, Ligue 1, La Liga hay Serie A. Còn lại, 13 đội đang chơi ở giải hạng hai và 12 đội khác thi đấu ở những hạng thấp hơn, nhưng vẫn là sân chơi chuyên nghiệp. Chỉ có 3/74 đội bóng kể trên phá sản, đều là ở Pháp: Stade Francais de Paris, FC Nancy và Roubaix Tourcoing. Tóm lại, “phá sản” là một khái niệm gì đó vô cùng xa lạ với phần đông các CLB bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu, cho dù kết quả trên sân cỏ và trong bảng cân đối kế toán của họ có tồi tệ đến đâu đi chăng nữa.

Thông thường, nếu một CLB nào đó (chủ yếu là ở các giải hạng thấp) bị vỡ nợ thì những CĐV của nó chỉ cần đứng ra thành lập một CLB mới, với tư cách pháp nhân mới, và tiếp quản lại toàn bộ các tài sản của CLB cũ (trừ các khoản nợ). Chỉ tính riêng ở Anh thì đã có Hull, Wolves, Derby, Bradford, Charlton… được tái sinh theo cách như thế trong những năm 1980, còn gần đây hơn là trường hợp của Fiorentina (Italia) và Rangers (Scotland). Thực ra trong tình huống đó thì các chủ nợ sẽ bị thiệt thòi, nhưng rất may là khoản chi phí để duy trì sự tồn tại cho các CLB cũng không quá lớn, nếu không muốn nói là rất nhỏ so với giá trị tinh thần mà chúng mang lại: tổng doanh thu của tất cả các CLB ở châu Âu mùa giải 2012/13 chỉ đạt khoảng 19 tỷ euro, bằng khoảng 1/4 thu nhập của một mình hãng xe BMW…

(Theo Bóng Đá Toàn Cầu)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X