(Bongda24h) - Vậy là, các học trò đã giúp Moyes có màn ra mắt vô cùng ấn tượng ở Champions League, thậm chí xuất sắc hơn vài phần so với hai người tiền bối vĩ đại Sir Alex Ferguson và Sir Matt Busby (chỉ có được thắng lợi cùng với tỷ số 2-0). Không trình diễn lối chơi quyến rũ, đậm chất tấn công nhưng bằng bản lĩnh của một ông lớn, lối chơi đề cao tính hiệu quả cùng sự lên tiếng của cặp tiền đạo "hàng hiệu" mà Man Utd đã nhẹ nhàng kiếm được 4 bàn thắng trong khi hai bàn gỡ của Leverkusen chỉ làm trận đấu thêm kịch tính mà thôi.
Lịch sử Manchester United đã chứng minh vị HLV nào giành chiến thắng ở trận đầu tiên tại đấu trường châu Âu thì kiểu gì cũng sẽ có một sự nghiệp huy hoàng tại đây. Hy vọng David Moyes sẽ tiếp nối được truyền thống tốt đẹp đó, nhất là khi điềm báo của ông "lành" hơn nhiều (này nhé, Leverkusen là một địch thủ đáng gờm và tỷ số 4-2 hiển nhiên hơn 2-0). Chiến lược gia người Scotland một lần nữa thể hiện thành công cái chất của Man Utd dưới quyền của ông. Đó là một đội bóng luôn đề cao tính chặt chẽ, khoa học trong lối chơi và tiêu diệt đối thủ bằng các đòn đành chớp nhoáng, chuẩn xác chứ không đặt nặng yếu tố thẩm mỹ (bảo sao Kagawa không có chỗ đứng và anh cũng bị hạn chế đất diễn trong trận chính thức đầu tiên ở mùa giải). Cách đá này đã được kết thừa từ Sir Alex nhưng được Moyes áp dụng triệt để và quyết liệt hơn, qua đó hình thành ra một Man Utd thực dụng và tính toán đến tận cùng. Có thể nhiều Manucians sẽ không thích hình ảnh hiện nay của đội bóng nhưng đánh giá khách quan, nó phù hợp với những gì đội bóng đang sở hữu trong tay: một HLV chưa nhiều kinh nghiệm ở môi trường đỉnh cao và một đội hình mạnh vừa phải, không đạt chiều sâu về mặt chất lượng.
Rooney toả sáng trong trận đấu với một cú đúp và 1 đường kiến tạo
Trong khi gần toàn bộ đội hình Man Utd (ngoại trừ Fellaini) đã ít nhiều có kinh nghiệm tại đấu trường cấp CLB danh giá bậc nhất thế giới thì người thầy dẫn dắt ho lại chưa một lần được tham dự giải đấu này, thậm chí ngay cả ở giải kém danh giá hơn tại châu Âu (Europa League) dù cho đã có trên 10 năm làm công tác huấn luyện. Bởi thế, nói gì thì nói, kể cả đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng, Moyes cũng phải đôi chút âu lo, hồi hộp, nhất là khi địch thủ đầu tiên của ông thuộc vào loại rắn mặt: Bayer Leverkusen, đội bóng xếp thứ 3 Bundesliga mùa trước. Mùa hè vừa rồi, Leverkusen đã hoạt động khá tích cực trên TTCN để đưa về hàng loạt gương mặt mới nhằm bù đắp cho sự ra đi của những trụ cột như Andre Schurrle (sang Chelsea), Daniel Carvajal (trở về Real Madrid),...nên về cơ bản, sức mạnh của Leverkusen được bảo toàn (thắng 4/5 trận từ đầu mùa tại Bundesliga). HLV trưởng đội bóng này tuy cũng thuộc diện "tân binh" như Moyes song lại từng xuất hiện tại Champions League với tư cách cầu thủ và 1 lần được bước lên bục vinh quang dành cho nhà vô địch. Đó là cựu trung vệ người Phần Lan, Sami Hyppia, người nhiều năm khoác áo .... Liverpool (1999-2009), đại kình địch của Man Utd tại quốc đảo sương mù. Vì thế, tin chắc Hyypia nắm không ít kiến thức về nhà ĐKVĐ Premier League. Tuy nhiên, may cho Moyes, lịch sử đang đứng về phía Manchester United. Leverkusen chưa từng thắng trên đất Anh tại các cúp châu Âu (trong đó có một trận hoà, một trận thua tại Old Trafford) và bất khả chiến thắng trong 12 trận trên sân khách gần đây ở Champions League (lần gần nhất họ thắng từ năm 2002) còn Man Utd chỉ thua có 2/12 lần tiếp đón các đội bóng Đức trên sân nhà. Song, khi mà Man Utd phiên bản David Moyes vẫn chưa thực sự vào guồng thì thầy trò Hyypia hoàn toàn có thể nghĩ đến việc ra về với điểm số trong tay.
Cũng chính vì ý nghĩa của trận đấu mà Moyes đã quyết định tung ra lực lượng tốt nhất hiện nay của đội bóng mà đáng chú ý nhất có lẽ là sự xuất hiện của bộ đôi tiền vệ Fellaini - Kagawa. Một người là tân binh sáng giá duy nhất được đưa về trong mùa hè và đã có màn ra mắt tạm ổn trong thắng lợi 2-0 trước Crystal Palace cuối tuần vừa rồi trong khi người kia rốt cục đã được trao cơ hội sau những lời kêu gào của dư luận cũng như giới chuyên môn. Rõ ràng, hoàn toàn có lý do để người ta tin rằng Kagawa không "hợp nhãn" Moyes bởi cho đến giờ, anh mới lần đầu có mặt ở đội hình xuất phát trong mùa giải tuy nhiên trong bối cảnh Welbeck vẫn đang điều trị chấn thương và Ashley Young xứng đáng bị trừng phạt vì cái tội thích "ăn vạ" (tiền vệ người Anh chỉ có mặt trên băng ghế dự bị) thì Moyes không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng Kagawa. Dẫu sao, với một cầu thủ bóng đá thì phong độ trên sân cỏ luôn mang tính chất quyết định nên chỉ cần Kagawa thể hiện thật tốt thì hẳn một vị trí trong đội hình sẽ khó lòng thoát khỏi tay anh nên Kagawa cần phải nắm bắt tốt thời cơ lần này. Với màn trình diễn trước Crystal Palace, Rooney nghiễm nhiên tiếp tục được sát cánh với ngôi sao số 1 đội bóng hiện nay Robin Van Persie trên hàng công trong khi ở hàng thủ, Smalling đã trở lại để đảm nhận vị trí hậu vệ phải của Rafael (chấn thương).
Theo những gì diễn ra ở đầu trận thì hôm nay, Moyes có vẻ muốn thử nghiệm đấu pháp 4-4-2 với cặp Carrick - Fellaini án ngữ ở tuyến giữa, Rooney thi đấu ngang hàng với Percy nơi tuyến đầu, Valencia thi đấu bên cánh phải quen thuộc còn Kagawa bị đẩy sang cánh trái mặc cho đội bóng cũ Dortmund từng nhiều lần tuyên bố tài năng của tiền vệ người Nhật Bản chỉ có thể được phát huy tối đa ở vị trí tiền vệ tấn công trung tâm (hoặc hộ công). Với sự tôn trọng cao độ dành cho đối thủ, Man Utd thi đấu khá từ tốn, bình tĩnh, tập trung chủ yếu vào kiểm soát được tuyến giữa trong khi Leverkusen cũng chẳng dám triển khai lối chơi tấn công nên 15 phút đầu trôi qua trong yên bình và không có nhiều cơ hội đáng chú ý, ngoại trừ hai cú sút xa không thành công của Van Persie và Rooney (một trúng vào cầu thủ đối phương, một đi không chính xác).
Nhìn chung một khi đã nắm chắc được thế trận và không mắc phải sai lầm thì sớm muộn bàn thắng cũng sẽ đến với đội chủ nhà. Quả thực, không lâu sau khi Smalling có pha đánh đầu vọt xà trong gang tấc từ một tình huống đá phạt thì Man Utd đã vươn lên dẫn trước. Phút 22, trong một tình huống tấn công bên cánh trái, Kagawa đã thực hiện pha chuyền bổng qua đầu để Evra bứt phá nhận lấy bóng rồi đưa thuận lợi vào trong cho Rooney nhẹ nhàng tung ra cú đệm lòng làm tung nóc lưới Leno. Trong bàn thắng này, Van Persie đã rơi vào thế việt vị lúc Evra nhận bóng nhưng trọng tài chẳng thể thổi phạt bởi tiền đạo người Hà Lan đã rất khôn ngoan, tỉnh bơ đi lên như thể chẳng quan tâm gì đến cảnh vật xung quanh nên được xem là không tham gia vào pha bóng. Tuy nhiên vẫn có một chi tiết gây ra phản ứng cho Leverkusen. Đó là khi Rooney dứt điểm thì Valencia vừa đứng dưới cầu thủ cuối cùng của đội khách, vừa có hành vi cản trở sự "tác nghiệp" của Leno. Chỉ có điều viên trợ lý trọng tài chuyên phụ trách các diễn biến xảy ra trong vòng cấm địa đã không có phản ứng gì.
Với lợi thế có được, Man Utd càng thoải mái chơi bóng còn Leverkusen vẫn chưa mạo hiểm ào lên tấn công tìm kiếm bàn gỡ bởi có lẽ, đội khách lo ngại sẽ bị đánh tập hậu. Hẳn sau 10 năm gắn bó với Lvierpool, Hyypia thừa hiểu Man Utd nguy hiểm như thế nào trong các tình huống phản công nên ông thận trọng cũng là dễ hiểu, nhất là khi thời gian còn dài. Không rõ có phải cảm thấy bức bối trong người khi đối tác trên hàng công đã nổ súng mà Van Persie đã khá nóng vội, thiếu kiểm soát, dẫn đến không chuẩn xác trong vài thời khắc quyết định. Phút 38, thay vì chọn giải pháp tâng bóng qua đầu Leno từ đường chuyền đẹp của Kagawa thì tay săn bàn tốt nhất đội lại cố gắng đưa bóng vào trong nhưng chẳng đồng đội nào kịp băng vào tiếp ứng. Tiếp đến, anh bị phạt thẻ vàng vì lỗi phản ứng thái quá với trọng tài (hét vào mặt ông vua sân cỏ) sau một tình huống rất bình thường.
Lẽ ra, hiệp 1 đã có thể kết thúc với một tỷ số đẹp hơn nếu như cú sút phạt chếch bên cánh trái cách cầu môn khoảng 20m của Rooney và pha đặt lòng sút chìm của Kagawa trong vòng cấm không đi chệch cột dọc trong gang tấc. Sau giờ nghỉ giải lao, chưa bên nào tiến hành thay đổi nhân sự. Đội chủ nhà tiếp tục chứng tỏ lối chơi hết sức chặt chẽ, phòng ngự kiên cố, tấn công đơn giản mà khoa học, logic. Dường như đây chính là phong cách mà Moyes sẽ theo đuổi trong mùa giải này. Thực ra, với một HLV mới, lại không phải thuộc diện đình đám khi dẫn dắt một CLB lớn thì sự lựa chọn như Moyes âu cũng là điều dễ hiểu. Phút 51, hậu vệ Toprak mắc sai sót nghiêm trọng ngay sát vạch 16m50, bị Rooney cướp được bóng lúc phía trước chỉ còn khung thành rộng mở và thủ môn Leno. "Chàng Shrek" rất bình tĩnh dẫn bóng vượt qua nốt chốt chặn cuối cùng rồi căng ngang vào trong nhưng có lẽ anh hơi thiếu quan sát cách di chuyển của đồng đội Van Persie nên trái bóng đã không thể chạm tới vị trí của tiền đạo người Hà Lan. Một giả thuyết khác cũng khá thuyết phục: Rooney đã hơi ham dứt điểm chứ chẳng phải định kiến tạo cho Percy.
Chắc chắn R10 sẽ phải ân hận rất nhiều về pha bỏ lỡ này vi fkhông lâu sau đó, đội khách bất ngờ có được bàn gỡ. Trong pha tấn công sắc nét nhất từ đầu trận, Son Heung-Min, tiền đạo người Hàn Quốc được cho đã có liên hệ với Man Utd trong mùa hè vừa rồi (theo lời người đại diện của cầu thủ này) đã nhả bóng ra phía sau cho thủ quân Simon Rolfes thực hiện cú đá lòng trong chân trái vô cùng kỹ thuật ở cự ly hơn 25m. Trái bóng đã sượt qua đầu gối của Carrick rồi lượn theo hình vòng cùng vào lưới trong sự bất lực của De Gea. Phía ngoài đường piste, David Moyes không giấu nổi sự thất vọng xen lẫn lo lắng bởi đội nhà đang phải đối diện với nguy cơ bị lật ngược thế cờ. Tâm trạng đó chỉ được giải toả vào phút 59 sau màn toả sáng đúng lúc của Van Persie. Valencia thoát xuống bên cánh phải và đưa bóng vào trong để Percy ngả người tung ra "tuyệt kỹ volley" mang thương hiệu riêng (chân trái làm trụ lấy đà để chân phải móc bóng). Dù đã chạm được tay vào bóng nhưng do tình huống diễn ra quá nhanh nên Leno không thể cứu thua. Nhìn cách ăn mừng của Moyes đủ thấy ông đã mừng đến cỡ nào.
Thế dẫn bàn được thiết lập lại và nhờ vậy, trận đấu tiếp tục trong tầm khống chế của bầy "Quỷ đỏ". Các đợt tấn công tuy không được triển khai thường xuyên và tốc độ nhưng cũng đủ mang đến hiểm nguy cho cầu môn đối phương. Phút 65, Man Utd đuợc hưởng cú sút phạt chính diện với cầu môn và ở khoảng cách thuận lợi. Cả Rooney cùng Van Persie đều chạy tới chấm đá phạt và R10 là người thực hiện song lại trúng vào hàng rào chắn. Phút 69, Rio Ferdinand thi đấu như một kẻ nghiệp dư trong vòng cấm, khiến trái bóng tìm tới chân Rolfes và một cú nã đạn thứ hai được tung ra. May mắn, De Gea đã chơi tập trung, đổ người tóm gọn trái bóng. Tuy nhiên, cũng nhờ tình huống này mà Man Utd đã gia tăng được cách biệt, đồng nghĩa số phận trận đấu coi như đã được định đoạt. Thủ thành người TBN rất tỉnh táo thực hiện ngay cú phát bóng cực mạnh lên phần sân đối phương. Spahic lóng ngóng biến pha đánh đầu giải nguy thành đường chuyền cho Rooney và lần này, R10 không để lại nỗi thất vọng nữa khi điềm đạm hạ gục Leno trong pha đối mặt. Như vậy, với pha lập công này, Rooney chính thức cán mốc 200 bàn thắng cho Manchester United. Anh mới chỉ là cầu thủ thứ 4 trong lịch sử đội bóng đạt tới con số này (người đang giữ kỷ lục là huyền thoại Sir Bobby Charton với 249 bàn). Chắc chắn nếu Rooney còn gắn bó dài dài với Man Utd thì cái ngày anh vượt mặt tiền bối Charlton kiểu gì cũng tới.
Còn nước còn tát, Leverkusen thay liền hai cầu thủ đều trên hàng tấn công tuy nhiên mọi thứ đã thật sự an bài. Chẳng những bảo vệ được mành lưới mà Man Utd còn ghi thêm bàn thắng. Phút 79, trong một đợt phản công nhanh có sự tham gia của Ashley Young (vào thay Kagawa) và Van Persie, Rooney đã chọc khe thuận lợi để Valencia băng xuống từ cánh phải rồi dứt điểm trái phá, buộc Leno phải quy hàng. Đến lúc này, chẳng có lý do gì mà Moyes không sử dụng nốt hai quyền thay người còn lại để tạo cơ hội cho Tom Cleverley và Javier Hernandez. Man Utd vẫn duy trì áp lực tấn công chứ chưa có ý định lùi hết về phần sân nhà. Thế nhưng, Leverkusen lại bất ngờ rút ngắn được tỷ số. Phút 87, trong một pha lộn xộn xuất phát từ quả phạt góc, trung vệ Toprak đã nhanh chân kết thúc mạnh đưa bóng dội vào xà ngang rồi bay vào lưới. Như bị chạm vào tự ái, Man Utd vùng lên dữ dội và suýt chút nữa có bàn thứ 5 nếu Van Persie nhạy cảm hơn trong pha đối diện với khung thành hoàn toàn bỏ trống (anh đá ra ngoài) sau đường chuyền nguy hiểm nữa của Valencia từ cánh phải. Trận này, cùng với cặp tiền đạo thì Valencia chính là cầu thủ chơi nổi bật nhất nhờ hình ảnh quen thuộc: không màu mè, hoa mỹ nhưng lại cần cù, chăm chỉ và cực kỳ hiệu quả. Những phút ít ỏi còn lại, dù nỗ lực hết mình nhưng Leverkusen không thể tiếp tục "giảm thiểu" thất bại.
Man Utd và David Moyes đã có sự khởi đầu mỹ mãn tại Champions League 2013-2014, thậm chí đây còn được xem là trận đấu thuyết phục nhất của đội bóng từ đầu mùa, không chỉ về mặt tỷ số. Tân binh Fellaini đã làm tuyến giữa đội bóng thêm chắc chắn, san sẻ được gánh nặng với Carrick dù rằng anh phải thể hiện được nhiều hơn thế (Fellaini chưa có được pha phát động tấn công nào ra hồn). Valencia đã tái khẳng định giá trị của mình sau một thời gian tưởng như bị lãng quên. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến cặp tiền đạo Rooney - Van Persie. Có thể thỉnh thoảng họ vẫn tỏ ra đôi chút cá nhân như thể muốn "ganh đua" với nhau song cần phải thừa nhận nếu họ vẫn hợp tác một cách vui vẻ như hai chiến thắng vừa qua thì Man Utd chẳng phải ngán bất cứ địch thủ nào.
Đội hình thi đấu
Manchester United: De Gea, Smalling, Ferdinand, Vidic, Evra, Carrick, Fellaini (Cleverley 80'), Valencia, Kagawa (Young 72'), Rooney (Javier Hernandez 86'), Van Persie
Leverkusen: Leno, Spahic, Boesnich, Toprak, Reinartz, Bonati, Rolfes, Can, Sam (Kruse 78'), Son Heung-Min (Bender 64'), Kiessling (Derdiyok 78')
Kết quả |
Bảng A Manchester United 4-2 Leverkusen Rooney 22', 72'; Van Persie 59'; Valencia 79' - Rolfes 54'; Toprak 87' Sociedad 0-2 Shakhtar Donetsk Alex Teixeira 65', 87' Bảng B Bảng C Bảng D |
Bảo Phương - Bongda24h.vn