Chủ Nhật, 12/05/2024Mới nhất
Zalo

UEFA là gì? Tìm hiểu về Liên đoàn bóng đá châu Âu

Thứ Ba 04/07/2023 16:33(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
UEFA là một trong sáu liên đoàn châu lục trực thuộc cơ quan quản lý bóng đá thế giới là FIFA. Hãy cùng Bóng đá 24h tìm hiểu chi tiết về Liên đoàn bóng đá châu Âu này.

UEFA là viết tắt của chữ gì?

UEFA
UEFA là chữ viết tắt của Liên đoàn bóng đá châu Âu

UEFA là tên viết tắt của Union of European Football Associations, nghĩa là Liên đoàn bóng đá châu Âu. Đây là một trong sáu cơ quan quản lý cấp châu lục trong thế giới bóng đá. UEFA có tổng cộng 55 thành viên, nhưng đang tạm cấm các câu lạc bộ của Nga tham dự các giải đấu của mình vì cuộc chiến với Ukraine.

UEFA đại diện cho các liên đoàn bóng đá quốc gia ở châu Âu, tổ chức các giải đấu ở cấp quốc gia và câu lạc bộ. Cơ quan này kiểm soát tiền thưởng, luật lệ và nắm giữ bản quyền cho những giải đấu của mình.

Henri Delaunay là tổng thư ký đầu tiên và Ebbe Schwartz là chủ tịch đầu tiên của UEFA. Chủ tịch hiện tại là Aleksander Ceferin, cựu chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Slovenia. Ceferin được bầu chọn trở thành chủ tịch thứ bảy của UEFA ở Hội nghị bất thường của UEFA tại Athens vào tháng Chín năm 2016. Ceferin cũng tự động trở thành phó chủ tịch của FIFA.

Lịch sử và thành viên của UEFA

UEFA được thành lập vào ngày 15 tháng Sáu năm 1954 tại Basel, Thụy Sĩ. Ở buổi họp thành lập, có 25 thành viên góp mặt. Có 6 liên đoàn khác không góp mặt nhưng vẫn được tính trong nhóm thành viên sáng lập. UEFA chạm mốc 50 thành viên vào giữa những năm 1990, khi các liên đoàn mới được thành lập sau sự kiện Liên Xô, Nam Tư và Tiệp Khắc tan rã.

Trụ sở của UEFA được đặt tại Paris, nhưng đã chuyển tới Bern vào năm 1960. UEFA chuyển trụ sở tới Nyon, Thụy Sĩ vào năm 1995.

Một quốc gia thành viên Liên hợp quốc (Monaco) và một quốc gia quan sát viên không phải thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (Thành phố Vatican) không phải thành viên của UEFA. Một vài thành viên của UEFA không phải quốc gia có chủ quyền, nhưng là một phần của quốc gia có chủ quyền theo luật pháp quốc tế, bao gồm Anh, Bắc Ireland, Scotland và Wales (các quốc gia cấu thành Vương quốc Anh), Gibraltar (lãnh thổ hải ngoại của Anh), Quần đảo Faroe (lãnh thổ tự trị trong Vương quốc Đan Mạch) và Kosovo (nhà nước với sự công nhận hạn chế).

Một số thành viên của UEFA là những quốc gia xuyên lục địa gồm Azerbaijan, Georgia, Kazakhstan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số quốc gia được xem là một phần của châu Âu cả về truyền thống lẫn chính trị gồm Đảo Síp và Armenia. Có những quốc gia từng là thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) như Israel và Kazakhstan.

Các đội tuyển quốc gia thuộc UEFA thi đấu rất thành công trong lịch sử World Cup. Trong 22 kỳ World Cup đã diễn ra, các đội tuyển châu Âu đã giành 12 chức vô địch. Italia và Đức đều giành 4 chức vô địch. Pháp có 2 lần đăng quang World Cup trong khi Anh và Tây Ban Nha cũng lên ngôi 1 lần ở giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh.

UEFA tổ chức những giải đấu nào?

UEFA là gì Tìm hiểu về Liên đoàn bóng đá châu Âu 1
UEFA Champions League được xem là giải đấu danh giá nhất ở cấp câu lạc bộ

UEFA tổ chức các giải đấu quốc tế chính thức cho các đội tuyển và các câu lạc bộ chuyên nghiệp ở châu Âu và Bắc, Tây Nam và Trung Á. Những giải đấu của UEFA được coi là những giải đấu uy tín nhất thế giới.

UEFA là cơ quan tổ chức hai giải đấu danh giá hàng đầu thế giới là UEFA Euro và UEFA Nations League. Giải đấu Nations League mới được thành lập năm 2018 và chủ yếu để thay thế các trận giao hữu được chơi vào các ngày FIFA Days.

UEFA cũng tổ chức các giải đấu quốc gia ở cấp độ U21, U19 và U17. Với bóng đá nữ, UEFA tổ chức giải vô địch cho các đội tuyển quốc gia cũng như ở cấp độ U19 và U17.

Giải đấu ở cấp câu lạc bộ được xếp hạng cao nhất của UEFA là UEFA Champions League, được khởi xướng từ mùa giải 1992/93. Giải đấu này quy tụ các đội xếp hạng từ 1 đến 4 ở các giải vô địch quốc gia, với số lượng đội phụ thuộc vào thứ hạng giải đấu của quốc gia đó. Giải đấu này đã được tái cấu trúc từ giải European Cup trước đó, được tổ chức từ năm 1955 đến 1992 và chỉ lấy đội vô địch của mỗi quốc gia.

Giải đấu có thứ hạng cao thứ hai là UEFA Europa League. Giải đấu này dành cho các đội vô địch cúp quốc nội hoặc có thứ hạng cao ở giải vô địch. Nó bắt đầu được UEFA triển khai từ năm 1971 như là người kế nhiệm cho UEFA Cup và Inter-Cities Fairs Cup. Giải UEFA Cup Winners’ Cup được triển khai từ năm 1960 và sau này cũng sát nhập và UEFA Cup (sau này là UEFA Europa League) vào năm 1999.

Vào năm 2018, UEFA công bố việc tạo ra giải đấu cấp câu lạc bộ thứ ba, đặt tên là UEFA Europa Conference League. Giải đấu này có 32 đội, chia làm 8 bảng 4 đội. Đội nhì bảng ở Europa Conference League sẽ gặp gỡ các đội xếp hạng ba ở vòng bảng UEFA Europa League để tranh suất vào đá vòng 1/8. Các đội nhất bảng ở cúp C3 được vào thẳng vòng knock-out. Phiên bản đầu tiên đã diễn ra vào mùa giải 2021/22 với đội vô địch là AS Roma.

Với bóng đá nữ, UEFA cũng tổ chức giải Champions League cho các câu lạc bộ. Giải đấu đầu tiên diễn ra vào năm 2001 và được biết đến với tên UEFA Women’s Cup cho tới năm 2009.

Những lệnh trừng phạt đáng chú ý của UEFA

Đối với liên đoàn

- Litva năm 1990: lệnh trừng phạt được áp dụng vì Liên đoàn bóng đá Litva ly khai khỏi Liên đoàn bóng đá Liên Xô.

- Cộng hòa Liên bang Nam Tư từ 1992 đến 1998: lệnh trừng phạt được đưa ra do chiến tranh Bosnia (một phần của chiến tranh Nam Tư).

- Nga năm 2022: lệnh trừng phạt được đưa ra do Nga tiến hành chiến tranh Ukraine.

- Belarus năm 2022: lệnh trừng phạt được đưa ra vì ủng hộ Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

Đối với câu lạc bộ

- Albania năm 1967: lệnh trừng phạt đặc biệt được áp dụng cho giải vô địch quốc gia Albania mùa 1966/67 vì vấn đề chính trị.

- Anh từ năm 1985 đến 1991: lệnh trừng phạt được áp dụng vì thảm họa Heysel, cấm các câu lạc bộ Anh tham dự đấu trường châu lục trong 5 năm.

- Italia từ năm 1974 đến 1975: lệnh trừng phạt áp dụng cho câu lạc bộ SS Lazio vì hành động của các cổ động viên. Italia bị cấm tham dự European Cup, giải đấu mà Lazio đã qua vòng loại.

- Hà Lan từ năm 1990 đến 1991: lệnh trừng phạt áp dụng cho câu lạc bộ AFC Ajax vì hành động của các cổ động viên. Hà Lan bị cấm tham dự European Cup, giải đấu mà Ajax đã qua vòng loại.

Bê bối và tranh cãi của UEFA

UEFA là gì Tìm hiểu về Liên đoàn bóng đá châu Âu 2
Michel Platini bị vướng vào bê bối tham nhũng năm 2015 với Sepp Blatter

Nhiều người hâm mộ bất bình trên khắp châu Âu đã gọi tổ chức này là mafia UEFA, trong đó có giải vô địch quốc gia Nga, giải vô địch quốc gia Bulgaria và một trận đấu ở vòng bảng Champions League tổ chức tại Thụy Điển. Các cổ động viên Copenhagen từng giăng biểu ngữ “UEFA MAFIA – ĐẠI DỊCH CỦA BÓNG ĐÁ” khi UEFA yêu cầu câu lạc bộ này chơi trận đấu ở vòng 1/8 Europa League mùa 2019/20 trên sân không khán giả trong khi chính phủ Đan Mạch cho phép một số lượng người hạn chế vào sân.

Sau bê bối tham nhũng của FIFA năm 2015, chủ tịch UEFA khi đó là Michel Platini cũng vướng vào vụ án này. Các công tố viên Thụy Sĩ cáo buộc chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã tạo ra một “khoản thanh toán không trung thực” trị giá 2 triệu Đô la Mỹ cho Michel Platini. Cả Platini và Sepp Blatter đều bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá. Platini đã kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao và giảm án phạt này từ 6 năm xuống còn 4 năm.

Vào năm 2019, việc UEFA quyết định tổ chức trận chung kết Europa League tại Baku, Azerbaijan buộc Arsenal phải loại cầu thủ Henrikh Mkhitaryan vì lo ngại an toàn. Quyết định hợp tác với công ty blockchain là Chiliz vào tháng Hai năm 2022 của UEFA cũng bị các nhóm cổ động viên chỉ trích nặng nề và mô tả là “không thể hiểu nổi”.

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X