Giai đoạn cuối thế kỷ 20, bên cạnh nguồn thu từ CĐV thì dòng tiền đầu tư phổ biến nhất vào bóng đá châu Âu xuất phát những tỷ phú “nội” như Berlusconi, Moratti, Cragnotti…. Bây giờ thì họ đang phải nhường chỗ cho các nhà tài phiệt ngoại quốc, và tương lai của làng túc cầu lục địa già rất có thể sẽ nằm trong tay những nhà đầu tư Á châu.Doanh nhân người Malaysia - Tony Fernandes hiện đang sở hữu CLB Queen Park Rangers (QPR)
Thế kỷ châu Á
Bước sang thế kỷ 21, cơ cấu kinh tế thế giới đã có sự dịch chuyển đáng kể và trọng tâm không còn nằm ở hai bờ Đại Tây Dương (kẹp giữa châu Âu – Bắc Mỹ) như trước nữa. Động lực mới của kinh tế toàn cầu giờ đã chuyển sang Thái Bình Dương, và trong khi nước Mỹ vẫn ít nhiều duy trì được tầm vóc thì khu vực Đông Á đã và đang khẳng định vị thế với đà tăng trưởng GDP chóng mặt. Trong số 30 quốc gia giàu nhất thế giới tính theo tổng giá trị sản phẩm quốc nội thì có tới 9 đại diện châu Á, còn nếu tính theo GDP bình quân đầu người thì cũng có tới 8 nước.
Vì thế, cán cân thương mại và đầu tư liên lục địa cũng đang có những sự chuyển biến đáng kể. Từ chỗ là đầu tàu kinh tế và rót rất nhiều vốn sang các châu lục khác, bây giờ châu Âu đang lâm vào cảnh khó khăn vì khủng hoảng tài chính (nhiều nước như TBN, BĐN, Italia… đã và đang đứng trước tình cảnh phải nhận cứu trợ) và lại phải đi kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài, trong đó đáng kể nhất là châu Á. Chỉ riêng số vốn đầu tư của Trung Quốc đã giúp tạo ra 123.780 việc làm ở lục địa già trong năm vừa rồi, còn nếu tính tổng cộng thì dòng tiền từ châu Á chiếm tới 18% tổng giá trị các khoản đầu tư trên toàn châu Âu. Mới nhất, thậm chí London và Frankfurt còn phải cạnh tranh quyết liệt để giành lấy vị trí trung tâm thanh toán của đồng Nhân dân tệ (TQ) và báo chí Anh đã mô tả thắng lợi của thủ đô nước nhà như là một “thắng lợi lịch sử”.
Nhà đầu tư tiềm năng
Tất nhiên trong số những giao dịch đầu tư nêu trên thì mục đích thương mại, sản xuất và dịch vụ chiếm vai trò chủ yếu, nhưng sự hiện diện của các tỷ phú châu Á trong làng bóng đá lục địa già cũng đã gia tăng đáng kể. Cách đây khoảng 10 năm, chỉ có một mình Mohamed Al-Fayed (chủ sở hữu Fulham) là đáng chú ý, nhưng bây giờ danh sách các ông chủ đến từ lục địa vàng đã kéo dài dằng dặc với những Sheikh Mansour (Man City), Nasser Al-Khelaifi (PSG), Tony Fernandes (QPR), Vincent Tan (Cardiff) …. hay mới nhất là Erick Thohir (Inter Milan).
Ngay trong nội bộ các nhà tài phiệt châu Á kể trên cũng có thể chia làm hai nhóm: một bên là các ông trùm Ả Rập (Qatar, UAE…), những người phất lên nhờ dầu mỏ, và bên kia là những tỷ phú đến từ Đông Á (Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…), những người được hưởng lợi từ cuộc cách mạng tài chính và công nghiệp đã và đang diễn ra mạnh mẽ. So với các quốc gia dầu mỏ ở Tây Á thì khu vực Đông Á giàu tiềm năng hơn rất nhiều: trữ lượng dầu mỏ trên thế giới rồi cũng sẽ sớm cạn kiệt, kéo theo đó là cả sự phồn hoa của những ông hoàng Trung Đông, nhưng triển vọng phát triển kinh tế ở Đông Á là vô cùng hứa hẹn. Theo dự báo của bộ phận nghiên cứu tại ngân hàng HSBC, trong vòng vài thập kỷ tới Đông Á sẽ góp tới 6 đại diện trong top 25 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan).
Không có chỗ cho người châu Âu?
Có người tiến lên thì ắt phải có kẻ lui xuống, và “nạn nhân” lớn nhất chính là các nước châu Âu. Vì dân số giảm sút (do tỷ lệ sinh đẻ thấp), số lượng quốc gia châu Âu trong nhóm 25 nền kinh tế giàu có nhất sẽ giảm xuống chỉ còn 5 thay vì 8 như hiện nay. Nói cách khác, tầm ảnh hưởng của kinh tế châu Âu sẽ ngày càng đi xuống, nhường chỗ cho Mỹ Latin và châu Á. Trong bối cảnh đó, có thể khẳng định rằng các CLB bóng đá ở lục địa già rất khó tìm kiếm được nguồn lực tài chính tại chỗ, trừ những “đại gia” cỡ như như Real Madrid, Barcelona hay Bayern Munich. Khi nhìn ra nước ngoài thì Bắc Mỹ - dù đã, đang và sẽ rất giàu có – lại không phải là một nhà đầu tư tiềm năng, bởi bóng đá vẫn chưa phải là môn thể thao phổ biến nhất ở đây và thực tế đã cho thấy rằng những ông chủ Mỹ ở Premier League (Glazer, Kroenke, John Henry…) đều chi tiêu một cách rất thận trọng, nếu không muốn nói là hà tiện. Vậy thì tương lai của bóng đá châu Âu còn có thể nằm ở đâu nữa, ngoài châu Á? Trong tương lai gần, đừng ngạc nhiên nếu một vòng đấu (“vòng 39” của Premier League chẳng hạn), hoặc thậm chí một phần của các giải VĐQG châu Âu được chuyển sang tổ chức tại Bắc Kinh hoặc Jakarta…
(Theo Bóng Đá Toàn Cầu)