Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Từ Oscar: Châu Âu còn phải rúng động nhiều vì Trung Quốc

Thứ Hai 26/12/2016 15:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Oscar là ngôi sao tiếp theo đến Trung Quốc để phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Sự điên rồ của Chinese Super League khiến cả châu Âu phải rung động.

 
Chính phủ Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu trở thành "siêu cường" của bóng đá thế giới vào năm 2050. Là một người cuồng nhiệt với bóng đá, Chủ tịch Tập Cận Bình xác định ba mục tiêu chính cho sự phát triển của thể thao Trung Quốc nói chung và túc cầu nói riêng trong tầm nhìn đến năm 2050 gồm ba nội dung.
 
Oscar den Trung Quoc voi gia chuyen nhuong ky luc.
Oscar đến Trung Quốc với giá chuyển nhượng kỷ lục.

Thứ nhất, trong 10 năm tới bắt đầu từ 2015-16, nền thể thao Trung Quốc phải đạt mức kinh tế 850 triệu đô la Mỹ (609 triệu bảng Anh). Thứ hai, đến năm 2017, Trung Quốc phải mở ra 20.000 trung tâm đào tạo trẻ nhằm đào tạo ra khoảng 100.000 cầu thủ chuyên nghiệp và tiến lên 50.000 trung tâm vào năm 2025. Thứ ba, Trung Quốc vô địch World Cup trong 15 năm nữa.
 
Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng một giải đấu mạnh mẽ sẽ giúp đội tuyển Trung Quốc đạt đến mục tiêu chinh phục World Cup. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn thông qua bóng đá để tăng cường "quyền lực mềm" trên diễn đàn quốc tế, khi thị trường âm nhạc rất khó vượt qua được người "hàng xóm" Đông Á khác là Hàn Quốc với K-Pop.
 
Công thức cho sự thành công?
 
Trong lịch sử, Nhật Bản có thể coi là quốc gia đầu tiên tại châu Á thành công với mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Sự phát triển của J-League ngày hôm nay có sự trợ giúp rất lớn của chính sách mang những cầu thủ nổi tiếng của thế giới về xứ sở mặt trời mọc, nhằm tạo ra cú hích thu hút sự quan tâm của công chúng trong nước cũng như phát triển cho mục đích quảng bá ra nước ngoài.
 
Sự thành công của Nhật Bản với mô hình này là bài học cho Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh nền bóng đá đất nước tỉ dân bị đánh giá thấp do chất lượng chuyên môn chưa cao cũng như nạn tiêu cực, các câu lạc bộ buộc phải tuân thủ theo một công thức chung: Thu hút cầu thủ bằng đồng tiền, sẵn sàng trả lương cao hơn mặt bằng chung trong cuộc đàm phán và tạo ra môi trường khiến cầu thủ cảm thấy như một ông hoàng.
 
Marlon Harewood từng thi đấu cho Guangzhou R&F vào năm 2011 chia sẻ trên BBC trải nghiệm trong những ngày tháng ở Trung Quốc: "Những gì tôi trải qua thật tuyệt vời. Câu lạc bộ chăm lo cho tôi cực kỳ chu đáo. Ở Trung Quốc, tôi kiếm được rất nhiều tiền. Họ muốn làm được những gì giống như ở Premier League. Để thực hiện điều đó, họ cố gắng mang về những người giỏi nhất".
 
Không có nhiều ưu thế, Trung Quốc học theo cách của Manchester City và Paris Saint Germain để nhanh chóng đi đến thành công. Đó là tiền!
Trước khi mùa giải 2016 bắt đầu, 16 câu lạc bộ tại Chinese Super League chi ra đến 200 triệu bảng trong quãng thời gian chuyển nhượng kéo dài từ 1/1 đến 28/2 để chiêu mộ cầu thủ. Trong đó, bộ tứ Shanghai SIPG, Jiangsu Suning, Guangzhou Evergrande Taobao và Shanghai Shenhua là những người chi tiêu mạnh tay nhất.
 
Du Chinese Super League dau tu lon nhung doi tuyen quoc gia Trung Quoc van co thanh tich te hai.
Dù Chinese Super League đầu tư lớn nhưng đội tuyển quốc gia Trung Quốc vẫn có thành tích tệ hại.

Chín trong số những bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử Trung Quốc được thực hiện bởi "bộ tứ" đó, bao gồm bốn kỷ lục chuyển nhượng trong năm 2016 của giải đấu. Chỉ trong vòng 10 ngày đầu năm 2016, ba lần kỷ lục chuyển nhượng bị phá vỡ. 
 
Jiangsu Suning trả cho Shakhtar Donetsk 38.4 triệu bảng để sở hữu Alex Teixeira trong khi chỉ vài ngày trước đó, họ đón Ramires từ Chelsea với giá 25 triệu bảng. Giữa khoảng thời gian đó, Guangzhou Evergrande Taobao chiêu mộ Jackson Martinez với giá 31 triệu bảng từ Atletico Madrid. Nhưng kỷ lục thực sự thuộc về Hulk khi Shanghai SIPG chi 46.1 triệu bảng để cho Zenit để sở hữu chân sút người Brazil. 
 
Dù chính sách này vẫn còn rất nhiều mặt trái nhưng Trung Quốc vẫn quyết tâm đi theo con đường đã chọn. Kỳ chuyển nhượng còn chưa bắt đầu nhưng Shanghai SIPG cho nổ "bom tấn" đầu tiên với Oscar từ Chelsea với giá 60 triệu bảng, một kỷ lục chuyển nhượng mới. Đồng thời, Oscar trở thành cầu thủ hưởng lương cao thứ ba thế giới chỉ sau Cris Ronaldo và Lionel Messi với con số 400.000 bảng mỗi tuần.
 
Đó là "bom tấn" đã nổ, chưa kể đến những thương vụ có thể sẽ diễn ra với những con số chóng mặt. Carlos Tevez chuẩn bị rời Boca Juniors để tới Shanghai Shenshua, nơi Gus Poyet - cựu HLV Sunderland - đang dẫn dắt với mức lương 605.000 bảng mỗi tuần (31.5 bảng mỗi năm). Tianjin Quanjian đang dự định chiêu mộ Edinson Cavani với mức giá 41.8 triệu bảng cùng mức lương 16.7 triệu bảng mỗi năm.
 
Và châu Âu sẽ còn phải tròn mắt ngạc nhiên vì những đồng tiền đến từ Trung Quốc!
 
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X