Trong số 20 câu lạc bộ doanh thu cao nhất thế giới năm 2016, Premier League chiếm đến 8 đại diện. Điều đó thể hiện việc bóng đá hiện đại đang dần có những bước chuyển mình khi không còn mang tính thể thao đơn thuần.
Theo thống kê mới nhất của Deloitte, Manchester United vừa soán ngôi câu lạc bộ có doanh thu cao nhất năm 2016 của Real Madrid. Trong top 10 có đến một nửa là đại diện của bóng đá Anh khi góp mặt thêm những Manchester City, Arsenal, Chelsea và Liverpool.
Man Utd là câu lạc bộ có doanh thu cao nhất trong năm 2016.
Điều đó một lần nữa thể hiện rõ rệt ưu thế về mặt tài chính của Premier League với những giải đấu còn lại của châu Âu. Trước đó, Ngoại hạng Anh cũng thu về hơn 5 tỷ bảng khoản tiền truyền hình giai đoạn 2016-2019, còn La Liga đứng thứ hai ở châu Âu cũng chỉ nhỉnh hơn mức 1,5 tỷ bảng.
Bóng đá không chỉ là bóng đá
Nhìn vào doanh thu của 8 câu hạng bộ lọt top 20 của năm ngoài Man Utd ra, cả 7 đội bóng còn lại đều phụ thuộc rất lớn vào khoản tiền bản quyền truyền hình. Càng là những đội bóng ở dưới, sự quan trọng của khoản tiền được chia nhờ bản quyền truyền hình càng tăng cao.
Đơn cử trường hợp của Leicester. Trong doanh thu 129 triệu bảng của Leicester trong năm 2016, 74% đến từ tiền bản quyền truyền hình, chỉ 17,4% đến từ kinh doanh và 9% bán vé. Các CLB Premier League cũng phụ thuộc cực lớn vào tiền bản quyền truyền hình như West Ham (60%), Tottenham (53%), Liverpool (42%), Chelsea (43%), Arsenal và Man City (41%).
Chỉ có Man Utd đi theo xu hướng hiện đại khi không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ bán vé và bản quyền truyền hình. Chỉ 27% trong tổng doanh thu năm vừa qua đến từ bản quyền truyền hình còn 53% đến từ các hoạt động kinh doanh. Đó là xu hướng của bóng đá hiện đại, khi các câu lạc bộ "không chỉ quan tâm đến bóng đá".
Ở châu Âu hiện nay, các câu lạc bộ dần chuyển sang xu hướng tìm kiếm các khoản thu ngoài bóng đá như việc kinh doanh đồ lưu niệm, đầu tư,... Real Madrid và Barcelona làm rất tốt điều này trong những năm qua để luôn chiếm suất trong top 5 câu lạc bộ đứng đầu về doanh thu tại châu Âu và thế giới ở gần một thập kỷ qua.
Bước đi của Juventus được đánh giá sẽ tạo ra xu hướng mới.
Barcelona mới đây đã mở văn phòng giao dịch tài chính tại phố Wall, Mỹ. Bayern Munich với phương châm không lấy khán giả làm nguồn thu cũng mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh. Mới đây nhất, động thái đổi logo của Juventus cũng cho thấy xu hướng của những đội bóng lớn khi không chỉ phụ thuộc vào bóng đá đơn thuần.
Trên trang chủ câu lạc bộ, Juventus cũng đưa ra lời giải thích với sự định hướng hết sức rõ ràng về quyết định dũng cảm thay đổi logo theo trường phái cách điệu: "Điều này sẽ cho phép CLB hoạt động bền vững cả về thể thao, thương mại, và văn hóa”.
Rõ ràng, bóng đá ngày này không đơn thuần là bóng đá. Juventus xác định rõ bóng đá bao gồm 3 lĩnh vực chính xếp theo thứ tự quan trọng giảm dần gồm thể thao (thành tích trên sân cỏ, thứ quyết định giá trị thương hiệu), thương mại (thứ quyết định sự cạnh tranh của một đội bóng) và văn hóa (thứ thu hút các cổ động viên).
Giả sử Leicester xuống hạng mùa này để mất đi phần lớn trong số 74% tổng doanh thu có được nhờ bản quyền truyền hình, doanh thu của họ sẽ nằm trong top bao nhiêu vào năm 2017?