Từ Goal-line đến VAR: Công nghệ bóng đá - dùng hay không?
Thứ Hai 19/09/2016 19:33(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên (Bongda24h) - Công nghệ đang làm thay đổi bộ mặt bóng đá. Nhưng phái bảo thủ theo triết lý "Neo-Luddism" luôn phản đối khi cho rằng sự xuất hiện của công nghệ sẽ làm giảm sự hấp dẫn của túc cầu giáo.
Nhiều người thuộc trường phái bảo thủ đang lấy những lý lẽ thuộc về "Neo-Luddism" để làm cái cớ phản đối việc áp dụng công nghệ vào bóng đá. Sau Goal-line, VAR - công nghệ xem lại video - cũng đang được xem xét áp dụng rộng rãi để đảm bảo "tính công bằng trong các trận đấu".
Trường phái Luddism bắt đầu từ cuộc biểu tình của các công nhân Anh cách đây khoảng 200 năm khi họ cho rằng máy móc được áp dụng trong các nhà xưởng sẽ ảnh hưởng đến công việc của họ.
|
Công nghệ Goal-line đang được áp dụng rộng rãi để xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa. |
Theo thời gian, triết lý của Luddism vẫn theo xu hướng chống lại sự phát triển của công nghệ nhưng có sự biến đổi lớn như việc yêu cầu các tiến bộ khoa học kỹ thuật không được làm ảnh hưởng đến môi trường, không dùng khoa học vào mục đích chính trị,...
Trong bóng đá, rất nhiều người thuộc phái bảo thủ cũng chống lại việc áp dụng công nghệ vào các trận đấu dù nhiều môn thể thao khác đã sử dụng từ lâu. Tiêu biểu như Goal-line trong tennis hay thậm chí cả VAR cũng được áp dụng trong khúc côn cầu từ lâu.
Sự thắng thế của giới công nghệ
1/9/2016, FIFA bắt đầu sử dụng công nghệ xem lại video (VAR) trong trận đấu giữa Pháp với Italia. Trước đó, Hội đồng Bóng đá Quốc tế (IFAB) đã đưa việc có nên áp dụng công nghệ VAR vào các trận đấu ra thảo luận. Kết quả dù tương đối khả quan khi 12 quốc gia đồng ý thử nghiệm trực tiếp nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh vấn đề đưa công nghệ vào bóng đá để làm thay phần việc của các trọng tài.
Khác với Goal-line xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa, VAR là công nghệ xem lại video với một tổ trọng tài chuyên môn xem lại những tình huống nhạy cảm như phạm lỗi, chạm tay trong vòng cấm,... mà trọng tài chính không thể xác định bằng mắt thường do tình huống diễn ra quá nhanh.
Quyết định sẽ được gửi tới trọng tài chính trong vòng 15 giây, khoảng thời gian "chấp nhận được" với ban lãnh đạo cũng như cầu thủ hai đội. Trong trận đấu giữa Pháp với Italia, một nhóm trợ lý trọng tài chuyên môn được bố trí sử dụng VAR để hỗ trợ trọng tài chính Bjorn Kuipers. Những nhà phân tích cho rằng VAR không hề làm trận đấu bị gián đoạn như những nghi ngại trước đó.
Mỹ đang bắt đầu áp dụng thí điểm công nghệ VAR tại giải nhà nghề. Tây Ban Nha cũng đang dự tính thí điểm VAR trong mùa giải 2017-18 tại Cúp nhà vua Tây Ban Nha và Siêu Cúp Tây Ban Nha. Đây là tín hiệu tốt bởi trước đó, La Liga từ chối áp dụng công nghệ vào bóng đá, bao gồm cả Goal-line.
|
Trong khi đó công nghệ VAR lại đang gây tranh cãi về tính khả thi. |
Nhiều ý kiến xoáy vào câu hỏi liệu máy móc có thể đảm bảo 100% chính xác? Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino tuyên bố rằng công nghệ là xu hướng không thể tách rời trong sự phát triển của bóng đá khi tính quan trọng từ kết quả một trận đấu ngày càng cao khi ảnh hưởng đến quá nhiều phương diện bao gồm thương hiệu, tài chính,...
Vì vậy, việc đưa công nghệ vào bóng đá là điều cần thiết để đảm bảo các trận đấu công bằng hơn. Các nhà báo, cổ động viên và cả giới trọng tài cũng ủng hộ việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ trong các tình huống mắt thường không thể quan sát hết.
Nếu thử nghiệm tại Mỹ, Tây Ban Nha và một số quốc gia ủng hộ thành công, UEFA sẽ trở thành lá cờ tiên phong trong việc áp dụng VAR khi đề xuất các câu lạc bộ phải đảm bảo sử dụng công nghệ này tại sân đấu như điều kiện tiên quyết để tham dự
Champions League. Dù vậy, ý tưởng này vấp phải sự phản đối mãnh liệt.
Phần đông các CLB phản đối ý tưởng này khi cho rằng việc lắp đặt, bảo dưỡng cũng như vận hành quá tốn kém. Trên thực tế không phải CLB nào dự Champions League cũng giàu có như
Real Madrid,
Bayern Munich hay
Manchester United,... Rất nhiều CLB hạng trung tại châu Âu khó lòng đáp ứng được yêu cầu của UEFA nếu quy định về công nghệ có hiệu lực.
Một vấn đề khác phái bảo thủ đưa ra là sự e ngại về tính hấp dẫn của bóng đá sẽ mất đi do can thiệp từ công nghệ. Đơn cử như nếu có công nghệ, những bàn thắng theo kiểu "bàn tay của chúa" được thực hiện bởi Diego Maradona sẽ không thể diễn ra.
Điều đó đồng nghĩa với việc về sau này, người ta sẽ không có gì để tranh luận, không có những câu chuyện để khai thác trên truyền thông,... nhằm thu hút sự chú ý của dư luận.
Dù vậy, Goal-line vẫn được phổ biến rộng rãi, VAR đang được thử nghiệm và trong tương lai, một loạt công nghệ khác sẽ tiếp tục được áp dụng. Điều đó đảm bảo các trận đấu diễn ra công bằng hơn nhưng liệu có khiến bóng đá thiếu đi tính tranh cãi, tranh luận nảy lửa giữa nhiều bên vốn luôn là một phần cực kỳ hấp dẫn không thể bỏ qua trong môn thể thao vua.
Như Đạt