(Bongda24h) - Làng túc cầu giáo từng chứng kiến không ít cầu thủ được ngơi ca là "thần đồng siêu việt" và được giới chuyên môn khen tặng hết lời trong những năm đầu khởi nghiệp. Bản thân họ cũng "phát sáng" từ khi còn rất trẻ, chỉ có điều "sớm nở thì tối tàn". Càng trưởng thành, họ càng chơi tệ đến mức tầm thường để rồi dần "biệt tích" trong đời sống bóng đá và chẳng còn được nhớ đến nhiều, ngoại trừ những người "hoài cổ". Dưới đây là 10 gương mặt tiêu biểu để lại quá nhiều tiếc nuối bởi đã không thể đạt đến đẳng cấp, tầm cỡ như kỳ vọng.
6. Michael Owen (1979, Anh)
Owen chính là nhân vật khởi đầu cho làn sóng "thần đồng bóng đá Anh thời hiện đại" do giới truyền thống khởi xướng (chỉ có điều, cho đến giờ, chưa thần đồng nào của đảo quốc sương mù có thể hóa "rồng" và tạm thời, Owen vẫn được xem là người xuất sắc nhất dù so với thế giới, đương nhiên anh quá bình thường). Ngay từ lần đầu tiên ra mắt công chúng trong màu áo Liverpool, Owen đã gây được ấn tượng cực mạnh, thậm chí còn ghi được cả bàn thắng khi mới ngoài 17 tuổi. Sau đó, anh xác lập hàng loạt kỷ lục mới của Premier League và mau chóng trở thành tay săn bàn chủ lực của The Kop. Đồng thời, nhờ màn trình diễn siêu đẳng ở VCK World Cup 1998 (ban đầu, anh phải ngồi dự bị nhưng đã tỏa sáng ngay khi được vào sân và ghi 1 bàn thắng kinh điển ở trận đấu với Argentina. Đáng tiếc, Anh lại thua chung cuộc, một phần vì tấm thẻ đỏ dành cho David Beckham và phải rời cuộc chơi), Owen dần xác lập chỗ đứng của mình ở ĐT Anh.
Với những gì đã thể hiện, Owen được tâng bốc lên mây xanh và được kỳ vọng sẽ sánh ngang những huyền thoại vĩ đại nhất nước. Song rốt cục, Owen chẳng bứt phá lên nổi. Không phủ nhận, Owen duy trì phong độ khá ổn định ở Liverpool (phần lớn các mùa đều ghi trên 20 bàn) nhưng người ta chờ đợi ở anh nhiều hơn thế. Cộng thêm chuyện sức khỏe (Owen rất hay mắc chấn thương từ nhẹ đến nặng), chàng tiền đạo này bắt đầu chững lại rồi từ từ rơi tự do mà điểm khởi đầu chính là quyết định gia nhập "Dải thiên hà" thành Madrid đầy sai lầm. Tại đây, Owen hoàn toàn đánh mất mình và phải hồi hương chỉ sau một mùa với đích đến Newcastle. Trong thành phần "Chích chòe", họa hoằn lắm, Owen mới cất cao tiếng hót, càng làm mọi người thêm "khắc khoải" và tiếc nuối về một thiên tài "đoản mệnh". Ấy thế mà, thật kỳ lạ khi Owen lại được Manchester United dung nạp ở mùa giải 2009-2010 sau khi bị Newcastle "hắt hủi", thậm chí anh còn ở lại Old Trafford tới 3 mùa. Tất nhiên, vị trí thường xuyên ở Owen là trên băng ghế dự bị. Dẫu có thời điểm, Owen được Sir Alex xem là "dự bị chiến lược", đặc biệt trong năm đầu tiên khoác màu áo Đỏ danh giá, nhờ các pha lập công quan trọng (như bàn thắng mở tỷ số ở chung kết cúp Liên đoàn Anh 2010 hay bàn quyết định đem về thắng lợi nghẹt thở 4-3 ở derby thành Manchester) song rõ ràng, Owen đã thực sự hết thời mặc cho chưa quá già. Dù gì, Owen cũng cần phải biết ơn Man Utd vì đã giúp anh được tận hưởng nốt bầu không khí bóng đá đỉnh cao trong những năm cuối sự nghiệp. Mùa vừa rồi, anh đầu quân cho Stoke nhưng số trận ra sân đếm không hết hai bàn tay do mắc phải chấn thương nghiêm trọng. Và thế là, đến cuối mùa, Owen quyết định giải nghệ ở tuổi 34 bởi cảm thấy không còn đủ sức khỏe cũng như lòng đam mê để theo đuổi tiếp trái bóng tròn.
7. George Best (1946-2005, Bắc Ai Len)
Chắc chắn, nhiều Manucians sẽ không vừa lòng khi Best bị xếp vào danh sách này bởi cựu danh thủ người Bắc Ai Len vẫn được thừa nhận nằm trong hàng ngũ những số 7 vĩ đại nhất của đội bóng thành Manchester từ xưa đến nay. Thế nhưng, nếu đánh giá tổng thể và khách quan thì những thành tựu của Best ở Man Utd thua kém quá xa so với đẳng cấp, trình độ mà ông có thể vươn tới. Nguyên nhân chính: Best là điển hình tiêu biểu cho mẫu cầu thủ "lắm tài nhiều tật". Ông thường xuyên rượu chè bê tha, gái gú, ma túy đủ cả. Trên sân, ông luôn thi đấu hết mình nhưng ngoài sân, ông cũng chơi tới bến, chẳng chịu kiêng khem giữ gìn như một cầu thủ chuyên nghiệp thực sự.
Trưởng thành từ chính lò đào tạo trẻ của Man Utd, Best đã trải qua những năm tháng tươi đẹp nhất của triều đại Matt Busby huyền thoại tại Old Trafford khi cùng đội bóng chinh phục 2 danh hiệu VĐQG Anh và đặc biệt cúp C1 vào năm 1968 (đội bóng Anh đầu tiên đoạt một cúp châu Âu). Bản thân Best năm đó đã được nhận giải thưởng cá nhân cao quý "Quả bóng vàng châu Âu" tuy nhiên đó cũng là cái đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của ông. Những năm sau đó, phong độ của Best chỉ có theo chiều hướng duy nhất: đi xuống và không một lần "đi lên" dù ngắn ngủi, trái ngược lại với cấp độ bê bối tăng dần đều trong đời sống cá nhân. Cực chẳng đã, Man Utd đã phải tống khứ người hùng một thời vào năm 1974 sau hơn 10 năm hợp tác. Kể từ đó, Best lang thang hết đội này đến đội khác, qua nhiều quốc gia và ở đâu, ông cũng chỉ để lại tai tiếng vì thói vô kỷ luật. Năm 1984, ông treo giày và càng mặc sức ăn chơi phóng túng để rồi có lúc rơi vào cảnh nợ nần, phá sản. Năm 2005, ông qua đời ở tuổi 59 do hậu quả của những năm tháng "sa đọa lẫy lừng" nhưng Man Utd vẫn dành cho ông sự tri ân vì đơn giản, Best thực sự là một thiên tài "hiếm có khó tìm" (người ta còn lưu một giai thoại rằng, ông vẫn có thể thi đấu hăng say, tràn đầy sinh lực ngay cả khi đêm hôm trước, rượu chè be bét hay "ăn nằm" với vài cô gái). Chỉ có điều, để trở thành một ngôi sao chính hiệu ngoài tài năng thiên phú còn cần cả sự khổ luyện và chăm chỉ, những thứ quá xa xỉ với Best.
8. Patrick Kluivert (1976, Hà Lan)
Kluivert thuộc thế hệ cầu thủ xuất chúng nhất mà đội bóng số 1 Hà Lan, Ajax Amsterdam sản sinh ra trong vài chục năm trở lại đây (cùng thời với Seedorf, Van der Sar, Davids, anh em nhà De Boer,...). Khi mới 19 tuổi, anh đã ghi bàn thắng quyết định, đem về chiến thắng cho Ajax ở trận chung kết Champions League 1994-1995 gặp đối thủ AC Milan, báo hiệu một tương lai tươi sáng. Tuy vậy cuối cùng, sự nghiệp của Kluivert lại kém huy hoàng nhất so với những người đồng đội của anh. Năm 1997, cảm thấy đủ cứng cáp, Kluivert đã tự tin tiến ra "biển lớn" với bản hợp đồng chuyển nhượng sang AC Milan nhưng hóa ra, anh chưa đủ sức tồn tại ở môi trường khắc nghiệt tại Serie A. Bởi thế, rất nhanh chóng, Kluivert đã chuyển đến Barcelona ở một giải đấu có vẻ phù hợp hơn với anh. Tại đây, tiền đạo người Hà Lan còn được hội ngộ Louis Van Gaal, người thầy đã dìu dắt anh những năm tháng đầu đời ở Ajax. Tưởng như chừng đó điều kiện thuận lợi sẽ giúp Kluivert bùng nổ song rốt cục anh chỉ thể hiện ở mức khá chứ không đạt tới ngưỡng xuất sắc, chưa nói gì đến tầm đỉnh cao. Trong 6 mùa khoác áo Blaugrana, Kluivert ghi được tổng cộng 90 bàn ở giải VĐQG (120 bàn trên mọi đấu trường), một thành tích khiêm tốn với một chân sút từng được ca tụng là biểu tượng mới của bóng đá Hà Lan. Thêm vào đó, thời gian Kluivert khoác áo Barca lại rơi vào đúng giai đoạn suy thoái của đội bóng này nên anh chỉ kiểm nổi cho mình duy nhất một chức vô địch La Liga.
Dẫu sao, Kluivert còn có nhiều kỷ niệm tốt đẹp ở Nou Camp chứ sau khi ra đi, anh toàn rơi vào trạng thái thất vọng với chính bản thân mình khi thi đấu không ra sao. Kluivert đã khoác áo 4 CLB ở 4 quốc gia khác nhau (Newcastle, Valencia, PSV Eindhoven và Lille) nhưng không nơi nào quá 1 mùa và chẳng ở đâu, Kluivert chứng tỏ được bản năng săn bàn. Quá chán nản, Kluivert đã chọn con đường giải nghệ khi mới 32 tuổi. Tuy nhiên, cho đến nay, anh vẫn đang giữ kỷ lục về số bàn thắng ghi được cho ĐTQG Hà Lan (40). Dường như đó là dấu mốc siêu sao hiếm hoi mà "thiên tài" Kluivert sở hữu.
9. Freddy Adu (1989, Mỹ)
Tuy vẫn còn quá sớm để đánh giá về Adu nhưng cầu thủ này nhiều khả năng trở thành một "sao xẹt" khi đã sớm "chết yểu" trên đỉnh của kỳ vọng. Sinh ra trong một gia đình gốc Ghana, Adu bắt đầu xuất hiện trên báo giới Mỹ lúc mới 13-14 tuổi với tư cách tài năng bóng đá thuộc vào diện xuất chúng chưa từng có trong lịch sử môn thể thao vua tại xứ sở cờ hoa. Cũng chỉ đến năm 17 tuổi, Adu đã đường hoàng xuất hiện ở đội 1 DC United và chỉ mất vài tuần, anh đã có bàn thắng "đầu đời", qua đó xác lập kỷ lục "Cầu thủ ghi bàn trẻ nhất MLS (giải Nhà nghề Mỹ)". Tiếp đến là hàng loạt trận đấu ấn tượng khác, khiến Adu nhận vô số lời khen và được dự báo sẽ thống trị thế giới trong tương lai gần. Nhiều đại gia của châu Âu cũng đã tăm tia Adu nhưng bằng sự thận trọng và khôn ngoan, Adu đã chọn Benfica (Bồ Đào Nha), điểm "trung chuyển" đáng tin tưởng của những cầu thủ tài năng đến từ châu Mỹ (nhiều người đã thành danh từ đây rồi làm bàn đạp chuyển đến những CLB lớn hơn). Ấy vậy mà, Adu cũng chẳng phát triển được bao nhiêu mà mãi tồn tại trong vóc dáng "thần đồng không chịu lớn". Năm 2011, Adu đành chấm dứt giấc mộng châu Âu để trở về Mỹ và nhờ vậy, phần nào tìm lại được chính mình nhưng giờ đây, chẳng còn ai coi anh là ngôi sao đầy triển vọng nữa. Hiện, Adu đang phiêu lưu ở Bahia, một đội bóng trung bình ở Brazil với mong muốn tạo bước đột phá cho sự nghiệp làng nhàng.
10. Duncan Edwards (1936-1958, Anh)
Đây chắc chắn là trường hợp "đặc biệt" nhất trong bản danh sách này bởi đơn giản, số phận không cho ông cơ hội trở thành một siêu sao chứ không phải Edwards thiếu năng lực hay phẩm chất. Ông chính là thành viên ưu tú hàng đầu của thế hệ "Busby babes", lứa cầu thủ vô cùng tài năng do Matt Busby vĩ đại "tạo ra" ở Manchester United. Chưa đến 20 tuổi mà ông đã có "gia tài" trên 100 trận khoác màu áo Đỏ. Đồng thời, Edwards cũng dễ dàng chiếm lĩnh chỗ đứng nơi tuyến giữa Tam sư (ông có thể chơi tốt ở vị trí tiền vệ cánh hoặc trung tâm) với con số 18 lần ra sân, ghi 5 bàn lúc mới 21 tuổi, một con số đáng mơ ước cho cả những cầu thủ ngày nay khi mà cơ hội thi đấu nhiều hơn so với thời kỳ ấy. Edwards đã được "cơ cấu" làm thủ quân ĐT Anh trong tương lai gần. Thế nhưng, thật bi kịch và đáng buồn, thảm họa máy bay tại Munich (Đức) vào năm 1958 khi Man Utd trên đường trở về nhà sau một trận đấu tại cúp C1 đã giết chết Edwards cùng 7 người đồng đội tài năng của ông. Một thiên tài bóng đá thực sự đã ra đi như vậy khi sự nghiệp tươi sáng đang vẫy gọi phía trước. Cho đến giờ, Duncan Edwards vẫn được thừa nhận là một trong số những tài năng xuất chúng nhất của Man Utd nói riêng và bóng đá Anh nói chung.
- Bảo Phương - Bongda24h.vn