Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Top 10 cầu thủ "ngoại tam tuần" đắt giá nhất hành tinh

Thứ Sáu 25/07/2014 15:49(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Barca vừa hoàn tất bản hợp đồng chiêu mộ trung vệ Jeremy Mathieu từ Valencia với mức phí chuyển nhượng lên đến 20 triệu Euro, qua đó biến cầu thủ này trở thành bản hợp đồng "lão tướng" cao giá thứ 5 trong lịch sử làng bóng đá thế giới.

1. Gabriel Batistuta (Từ Fiorentina sang Roma, 32,5 triệu euro, năm 2000)

 

Hẳn cựu tiền đao có biệt danh Batigol chẳng xa lạ gì với người hâm mộ bóng đá, đặc biệt là những ai yêu mến Serie A bởi anh chính là một trong những sát thủ vĩ đại nhất giải đấu. Batistuta bắt đầu chơi bóng tại Italia từ năm 1991 trong mùa áo Fiorentina và mau chóng thể hiện tài săn bàn. 9 mùa giải gắn bó với đội bóng thành Florence, anh luôn giữ phong độ săn bàn cực kỳ ổn định và đa phần đều đạt trên 20 bàn/mùa, trong đó mùa bóng 1994-1995, anh còn đoạt danh hiệu "Vua phá lưới" với 26 bàn (tổng cộng Batistuta đã đóng góp 207 bàn thắng cho CLB). Bởi thế, năm 2000, dù đã bước sang tuổi 31, anh vẫn được AS Roma rước về bằng mức phí kỷ lục (mùa trước đó, Batistuta đã ghi đến 29 bàn ở mọi đấu trường, trong đó có 23 bàn tại Serie A) và đội bóng thủ đô đã không phải hối hận khi "Sư tử" xứ Tango nổ súng đến 20 lần, góp công lớn giúp Roma đoạt Scudetto. Đó cũng là danh hiệu cấp CLB danh giá nhất trong sự nghiệp cầu thủ của anh. Chỉ có điều, sau đó do "tuổi cao sức yếu", Batistuta dần suy giảm phong độ và trải qua hai CLB khác (Inter Milan và Al-Arabi của Qatar) trước khi giải nghệ vào năm 2005 ở tuổi 46. Còn ở cấp độ ĐTQG, hiện Batistuta vẫn giữ kỷ lục về số bàn thắng ghi cho Argentina (56 bàn).

2.  Samuel Eto'o (Inter - Anzhi, 30 triệu, 2011)

 

Trưởng thành từ lò Castilla của Real song giống hàng loạt tài năng khác mang gốc gác Hoàng gia TBN, Eto'o chỉ bắt đầu lập công danh sau khi rời khỏi Bernabeu. "Báo đen" người Cameroon từng có những năm tháng tươi đẹp tại "đại kình địch" của Real, FC Barcelona nhưng đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Eto'o là cú ăn ba lịch sử tại Inter Milan mùa giải 2009-2010. Thời điểm 2011, Eto'o vẫn còn rất hot dù đã ngoài 30 tuổi, phần nhiều do con số 37 bàn cho Inter (thành tích tốt nhất trong sự nghiệp từ xưa đến nay) ở mùa giải 2010-2011. Bởi thế, Eto'o vẫn nhận được vô số lời chào mời nhưng anh đã khiến tất cả phải ngạc nhiên bằng quyết định chuyển đến Anzhi Makhachkala, một CLB thuộc vùng Dagestan đầy bất ổn của nước Nga xa xôi.

Khi đó, Anzhi đang sở hữu tham vọng to lớn nên Inter dễ dàng kiếm lợi từ Eto'o còn bản thân tiền đạo này cũng trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất trong lịch sử bóng đá thế giới (thu nhập sau thuế khoảng 20 triệu Euro/mùa) mà hiện vẫn là niềm mơ ước của những ngôi sao bóng đá hàng đầu hành tinh như Messi, Ronaldo. Chỉ có điều, phong độ của Eto'o không tương xứng với những gì anh được nhận ở Anzhi và hệ quả tất yếu khi ông chủ giàu có Kerimov cảm thấy chán bóng đá, phần nhiều do Anzhi không thể vươn lên tầm đại gia nước Nga, thì đội bóng đã không còn được đầu tư khủng nữa. Thậm chí, vị tỷ phú này còn gây sốc bằng quyết định sa thải toàn bộ đội hình Anzhi vào tháng 8 năm 2013, trong đó bao gồm cả Eto'o. May mắn, anh mau chóng được thầy cũ Jose Mourinho cưu mang và đưa về Chelsea song cả hai không còn hợp tác vui vẻ như hồi còn làm việc chung ở Inter. Không những vậy, Eto'o còn đôi lần công khai "đá xoáy" người thầy đáng kính khi Mourinho tỏ ý nghi ngờ cậu học trò khai man tuổi theo kiểu "nửa đùa nửa thật" do không hài lòng với màn trình diễn của Eto'o trên sân. Bởi thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi Eto'o không được Chelsea tái ký hợp đồng và đang là cầu thủ "thất nghiệp".

3. Diego Milito (Genoa - Inter Milan, 25 triệu, 2009)

diego milito
 

Thêm một tiền đạo đến từ Serie A. Mùa giải 2008-2009, sát thủ "đàn em" của Batistuta đã tái hợp Genoa sau 3 mùa chơi bóng tại TBN (trước đó, Milito đã có 2 năm khoác áo Genoa từ 2003 đến 2005) và nhờ bề dày kinh nghiệm, Milito rất dễ dàng chứng tỏ tài năng (24 bàn/31 trận tại Serie A) để rồi được Inter rước về ngay mùa hè 2009. Đó là quyết định vô cùng sáng suốt của Jose Mourinho bởi Milito chính là một nhân tố chủ lực của Nerazzurri làm nên cú ăn ba huyền thoại. Trong đó, Milito đóng góp đến 30 bàn trên mọi đấu trường, đoạt danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất Serie A". Chính chân sút người Argentina đã lập cú đúp trong trận chung kết Champions League với Bayern Munich (Inter thắng 2-0). Những mùa sau, do bị chấn thương liên tục hành hạ, tiền đạo sinh năm 1979 không còn để lại nhiều ấn tượng và trong chiến lược thay máu đội hình theo hướng trẻ hoá, Diego Milito đã bị Inter thải loại vào cuối mùa vừa rồi. Hiện anh đã trở về quê hương Argentina "dưỡng già" tại Racing Club, cũng chính là đội bóng đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu.

4. Zlatan Ibrahimovic (Milan - PSG, 21 triệu, 2012)

ibrahimovic
 

Chân sút người Thuỵ Điển được xem là một trường hợp đặc biệt trong làng túc cầu giáo. Bên cạnh tài năng, đẳng cấp không thể phủ nhận thì Ibra hễ có mặt ở đâu thì y như rằng đội bóng đó tối thiểu cũng phải đoạt được danh hiệu VĐQG từ Ajax, Barca, Juventus, Inter Milan cho đến AC Milan, khiến anh trở thành "vua Midas" trong giới cầu thủ dù không phải lúc nào, Ibra cũng là cầu thủ chơi nổi bật nhất đội (thực ra, 2 Scudetto mà Ibra sở hữu tại Juventus đã bị tước bỏ do "Bà đầm già" dính líu vào scandal Calciopioli đình đám một thời). Chính vì lý do đó mà PSG chẳng tiếc gì tiền bạc để đưa Ibra về thành Paris trong kế hoạch to lớn xây dựng PSG thành một đế chế thống trị Ligue 1 va vươn ra biển lớn châu Âu, dựa trên nguồn tiền vô tận của giới chủ Qatar giàu có. Thế là, thêm một lần, Ibra lại chứng tỏ cái duyên kỳ lạ của mình với danh hiệu VĐQG khi góp công sức lớn nhất giúp đội bóng trở lại ngôi vị số 1 nước Pháp kể từ năm 1993. Cho đến nay, Ibrahimovic vẫn là cầu thủ quan trọng bậc nhất PSG và mùa vừa rồi, "Gã nhà giàu" thành Paris đã bảo vệ thành công ngôi vương và bản thân Ibra thì giữ vững được danh hiệu "Vua phá lưới Ligue 1".

5. Jeremy Mathieu (Valencia - Barcelona, 20 triệu, 2014)

Jeremy Mathieu
 

Đây được xem là bản hợp đồng đầy bất ngờ và để lại nhiều hoài nghi về chính sách chuyển nhượng của Barca dưới triều đại mới Luis Enrique. Cần nhớ rằng, Mathieu tuy là trụ cột của Valencia nhưng trên bình diện thế giới, trung vệ này chẳng là gì (đến nay, Mathieu mới vẻn vẹn ... 2 lần khoác áo ĐTQG Pháp và không hề có mặt trong thành phần Les Bleus dự World Cup 2014 vừa rồi). Ấy thế mà, Blaugrana lại chịu bỏ ra khoản tiền không nhỏ cho một cầu thủ vừa kém danh tiếng lại sắp tròn 31 tuổi vào tháng 10 tới. Phải chăng do quá đói khát trung vệ sau khi thủ quân Carles Puyol dứt áo ra đi và Mathieu dù sao đã quá quen thuộc với đấu trường La Liga mà Barca phải vội vàng đi đến quyết định chiêu mộ. Bởi thế, tối thiểu mùa tới, Mathieu sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đền đáp lại sự tin tưởng mà đội bóng dành cho mình cũng như dẹp yên dư luận.

6. Claude Makelele (Real Madrid - Chelsea, 20 triệu, 2003)

 

Hồi năm 2003, chẳng ai bảo Chelsea dại dột khi bỏ ra 20 triệu Euro để rước về một cầu thủ đã bước sang tuổi băm bởi đơn giản, thời điểm đó, Makelele là một trong những tiền vệ đánh chặn hay nhất thế giới, một cỗ máy quét hoàn hảo bên cạnh “nghệ sĩ” Zidane. Song ở "Dải thiên hà" Real từ xưa đến nay, bao giờ những ngôi sao tấn công chẳng được tôn trọng và đề cao hơn các vị trí khác. Makelele cũng chẳng việc gì phải buồn vì tại Chelsea, đóng góp của anh đã được ghi nhận xứng đáng. Makelele chính là một trong những cầu thủ không thể đụng đến tại Chelsea trong nhiệm kỳ đầu tiên đầy huy hoàng của Jose Mourinho. Tại đây, Makele đã thâu tóm trọn bộ danh hiệu nội địa mà một cầu thủ chơi bóng tại Anh có thể giành được (Premier League, cúp FA, cúp Liên đoàn Anh và cả Siêu cúp Anh). Ngoài ra, Chelsea còn thường xuyên lọt sâu vào Champions League. Mùa hè 2008, Makelele đã chia tay Chelsea và thất bại cay đắng trong trận chung kết Champions League gặp Man Utd tại Moscow (Nga) chính là trận cuối cùng của anh trong màu áo xanh. Makelele đã giải nghệ trong màu áo PSG vào năm 2011 và vừa được bổ nhiệm làm HLV truởng CLB Bastia tại Ligue 1.

7. Angelo Peruzzi (Inter - Lazio, 17,9 triệu, 2000)

 

Peruzzi chính là thủ môn xuất sắc bậc nhất làng bóng đá Italia cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ 21. Sau khi giành 3 Scudetto và 1 Champions League tại Juventus, cựu thủ thành này chuyển sang Inter Milan nhưng chỉ sau một mùa, chẳng rõ vì sao, Inter lại bán Peruzzi cho Lazio bất chấp phong độ của Peruzzi không hề suy giảm, bằng không tuổi gì Inter thu về được khoản tiền kha khá. Thế là, kể từ đó cho đến ngày giải nghệ ở tuổi 37 (2007), Peruzzi luôn là sự lựa chọn số 1 cho khung gỗ đội bóng thành Rome.

8. Fernando Redondo (Real Madrid - AC Milan, 17,5 triệu, 2000)

 

Với cái chân trái kỳ diệu và lối đá hoa mỹ, một thời Redondo được xe là tiền vệ trung tâm hay nhất La Liga. Trong 6 năm khoác áo đội bóng Hoàng gia TBN, tiền vệ người Argentina đã có được 2 chức VĐQG và 2 Champions League. Thời điể năm 2000, Redondo vẫn còn rất "ngon lành" dù đã 31 tuổi nên rất nhiều CĐV Real đã ra sức phản đối kế hoạch bán Redondo cho AC Milan. Bản thân cựu tiền vệ này cũng một lòng được tiếp tục gắn bó với sân Bernabeu nhưng ý của Los Blancos đã quyết và Redondo đành khăn gói sang Italia. Chẳng rõ có phải chỉ là sự tình cờ hay Real đã phát hiện ra một tổn thương bí ẩn nào đó của Redondo nhưng cố tình giấu nhẹm đi và mau chóng bán vội cho AC Milan mà ngay ở buổi tập đầu tiên, Redondo đã dính chấn thương rất nghiêm trọng, khiến những năm cuối đời tại Italia trở thành cơn ác mộng. Chẳng những không thể toả sáng như kỳ vọng mà trong 4 năm tại San Siro, Redondo chỉ có thể đủ sức ra sân chưa đầy 20 trận. Song với lòng tự trọng của mình, Redondo đã quyết định không nhận lương trong 2 năm cuối của hợp đồng cũng như trả lại căn nhà, xe hơi mà anh được cấp khi gia nhập đội bóng.

9. Ruud van Nistelrooy (Man Utd - Real Madrid, 15 triệu, 2006)

 

Thời điểm "Van the Gol" chia tay "Quỷ đỏ" thì anh vẫn là một sát thủ đáng sợ tại châu Âu (150 bàn qua 220 trận cho Man Utd và hiện vẫn giữ kỷ lục về số bàn thắng ghi được tại các cúp châu Âu với 38 pha lập công). Thực ra, một trong những nguyên nhân chính khiến Nistelrooy phải rời khỏi Old Trafford là do mâu thuẫn với đồng đội trẻ Cristiano Ronaldo, lúc đó đang được "o bế" để trở thành ngôi sao lớn trong tương lai (khi ấy CR7 còn có một đồng minh rất quan trọng ở thành phần ban huấn luyện Man Utd. Đó là người đồng hương Carlos Queiroz, cánh tay phải thân cận của Sir Alex. Chính Queiroz là người tư vấn cho Fergie mua Ronaldo - PV). Do đó, chính Ferguson chứ không phải ai khác đã phải tiếc nuối vì quyết định vội vàng của mình hoặc ít nhất, ông cần phải bán Nistelrooy với giá cao hơn bởi cậu học trò cũ vẫn giữ nguyên phong độ đỉnh cao tại đội bóng Hoàng gia TBN trong 2 năm đầu. Nistelrooy đã kịp bổ sung thêm vào bộ sưu tập của mình 2 chức vô địch La Liga và 1 danh hiệu "Vua phá lưới giải đấu". Anh đã giải nghệ vào năm 2012 và vừa được tân thuyền trưởng của ĐTQG Hà Lan, "cáo già" Guus Hiddink đưa vào danh sách ban huấn luyện Oranje.

10. Oliver Bierhoff (Udinese - Milan, 12,5 triệu, 1998)

 

Liệu có còn ai nhớ đến cái tên này. Dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp của cựu tiền đạo người Đức hiện là giám đốc ĐTQG Đức chính là "bàn thắng vàng" trong trận chung kết Euro 1996, giúp Đức vượt qua CH Séc để lần thứ 3 vô địch châu Âu (khi đó, FIFA áp dụng luật "bàn thắng vàng" trong hai hiệp phụ, tức là chỉ cần đội bóng nào có bàn thắng thì trận đấu lập tức chấm dứt và đội đó giành luôn thắng lợi chung cuộc. Đó là bàn thắng vàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử chung kết các giải đấu lớn cấp quốc tế). Mùa giải 1997-1998, Bierhoff đã chơi cực kỳ xuất sắc ở Udinese (ông đã chơi bóng ở Italia từ năm 1991) và đoạt danh hiệu "Vua phá lưới Serie A" với 27 pha lập công. Nhờ vậy, dù đã 30 tuổi, Bierhoff vẫn được AC Milan đưa về và cựu chân sút này vẫn duy trì được phong độ, đóng góp 20 bàn giúp đội bóng giành Scudetto. Đó cũng là thành tích cao quý nhất của ông ở cấp độ CLB. Bierhoff còn gắn bó với AC Milan đến năm 2002 nhưng không còn tạo được ấn tượng mạnh như mùa đầu. Bierhoff đã giải nghệ vào năm 2004, trong màu áo Hellas Verona, một CLB Italia khác.

Thiên Bình

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X