♦ European Super League là gì ?
♦ Vì sao European Super League ra đời ?
♦ Thể thức của European Super League ?
♦ European Super League bị chỉ trích dữ dội ?
♦ Liệu European Super League sẽ chỉ nằm trên giấy hay sẽ thành hiện thực thật sự?
European Super League là gì
Vào đêm qua, đại diện 12 CLB đại gia của lục địa già đã cùng phát đi thông báo rằng họ thống nhất thành lập 1 giải đấu mới mang tên European Super League mà dự kiến diễn ra vào giữa tuần trong mùa giải tức là trùng lịch với các cúp châu Âu hiện tại.
European Super League mà thực sự được diễn ra thì đời sống bóng đá châu Âu và cả thế giới có thể đảo lộn hoàn toàn |
Tuy nhiên, 2 đội bóng lớn nhất nước Đức là Bayern Munich và Borussia Dortmund cùng PSG của Pháp được cho không (hoặc chưa) chấp nhận tham dự giải đấu mới này. Theo mong muốn của những người khởi xướng European Super League thì nhóm "CLB sáng lập" cần bao gồm 15 đội và tất nhiên 3 suất còn lại được ưu tiên cho Bayern, Dortmund và PSG bởi danh tiếng và tiềm lực tương xứng của 3 đội này.
Vì sao European Super League ra đời
Thực ra từ năm qua, đã xuất hiện thông tin cho rằng những CLB hàng đầu châu Âu muốn "ly khai" hình thành ra giải đấu của riêng mình, hoàn toàn tách biệt với hệ thống hiện tại của UEFA nhằm mục đích cho các CLB hàng đầu, cầu thủ hàng đầu cọ xát thường xuyên hơn, kéo theo các lợi ích kinh tế khổng lồ.
Có lẽ những ảnh hưởng tài chính nặng nề mà các CLB phải hứng chịu do đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy kế hoạch tưởng "hoang đường" đó phần nào trở thành hiện thực. Nhóm "CLB sáng lập" cho rằng với thể thức hiện tại của các cúp châu Âu và cả những cải tổ mà UEFA định tiến hành trong tương lai không giải quyết được các tồn tại cơ bản, chẳng hạn nhu cầu thưởng thức các trận đấu chất lượng cao của NHM cũng như tìm kiếm thêm doanh thu. Được biết có một số tổ chức lên tiếng sẽ cam kết tài trợ vài tỷ USD để triển khai dự án European Super League.
Thể thức của European Super League
Nhóm "Các câu lạc bộ sáng lập" cho biết dự kiến giải đấu sẽ được diễn ra vào giữa tuần và nếu mọi việc thuận lợi thì mùa giải đầu tiên của European Super League sẽ được tổ chức vào tháng 8/2021 tức là trùng với thời điểm các giải bóng đá châu Âu khởi tranh mùa bóng mới như thông lệ và cũng kết thúc vào tháng 5/2022 như mọi giải đấu hiện tại ở lục địa già.
Trước mắt European Super League sẽ bao gồm 20 câu lạc bộ hàng đầu châu Âu gồm 15 đội của "nhóm sáng lập" và 5 đội được mời mỗi mùa. Các đội sẽ chia đều làm hai bảng, thi đấu vòng tròn 2 lượt sân nhà và sân khách tính điểm như thể thức hiện nay của các cúp châu Âu.
Sau vòng bảng, 3 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ vào thắng tứ kết. Hai đội xếp thứ 4 và thứ 5 mỗi bảng sẽ đá playoff để chọn ra 2 suất còn lại dự tứ kết. Các vòng knock-out sau đó cũng diễn ra 2 lượt (trừ chung kết tổ chức tại sân trung lập) sân nhà - sân khách.
Nhìn chung thể thức của European Super League không có gì đột biến so với các cúp châu Âu hiện tại, chỉ là các đội được mặc nhiên tham dự (hoặc được mời) chứ không cần phải căn cứ vào vị trí tại giải VĐQG. Dẫu vậy do các CLB "ly khai" toàn thuộc diện hàng đầu châu Âu, sở hữu lượng fan khổng lồ thì kể cả thể thức có phần thiếu cạnh tranh, vẫn hứa hẹn rất thu hút, ít nhất là các mùa đầu tiên (vì bản thân những cái mới vốn đã tự thân tạo ra sức hấp dẫn).
Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez là người đứng đầu European Super League |
Người trong cuộc nói gì về Super League
Florentino Perez, vị doanh nhân vừa một lần nữa tái đắc cử chức chủ tịch Real Madrid đã được lựa chọn làm chủ tịch của tổ chức European Super League, cho biết: "Chúng tôi sẽ giúp phát triển bóng đá ở mọi cấp độ và đưa nó lên vị trí xứng đáng trên thế giới. Bóng đá là môn thể thao toàn cầu duy nhất trên thế giới có hơn 4 tỷ người hâm mộ và trách nhiệm của chúng tôi với tư cách các câu lạc bộ lớn là đáp ứng mong muốn của họ".
Joel Glazer, đồng chủ tịch của Manchester United có lượng fan số 1 hành tinh và là một trong 2 phó chủ tịch của Super League (cùng Andrea Agnelli, chủ tịch CLB Juventus), cho biết: "Bằng cách tập hợp các câu lạc bộ và cầu thủ vĩ đại nhất thế giới thi đấu với nhau trong suốt mùa giải, Super League sẽ mở ra một chương mới cho bóng đá châu Âu, đảm bảo cơ sở vật chất và cạnh tranh đẳng cấp thế giới, đồng thời tăng cường hỗ trợ tài chính cho bóng đá tốt hơn".
Nhóm "CLB sáng lập Super League" cho biết họ cũng sẵn sàng thảo luận vui vẻ với UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu) và FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) về sự hợp tác nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho môn thể thao vua.
European Super League bị chỉ trích dữ dội
6 đại gia hàng đầu Premier League đều đồng ý tham dự Super League |
BTC Ngoại hạng Anh mau chóng đưa ra tuyên bố rằng một siêu giải đấu như vậy sẽ "phá hủy" sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh trong bóng đá: "Người hâm mộ của bất kỳ câu lạc bộ nào ở Anh hay trên toàn châu Âu đều luôn mơ về viễn cảnh đội bóng của họ có thể vươn tới đỉnh vinh quang, được thi đấu và đánh bại những đội bóng mạnh nhất. Do đó khái niệm về European Super League sẽ phá hủy giấc mơ đó".
UEFA cũng đưa ra thông cáo phản đối mang cùng chung thông điệp với BTC các giải đấu có liên quan (Premier League, La Liga, Serie A). Thậm chí cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá châu Âu đe dọa sẽ kết hợp cùng nhiều bên khác để cấm các CLB định thi đấu ở European Super League tham dự mọi giải đấu bóng đá khác mà họ vẫng đang góp mặt gồm các giải quốc nội và châu lục.
Cụ thể thông cáo cho hay: "Chúng tôi sẽ xem xét tất cả các biện pháp được cho phép, ở tất cả các cấp, cả tư pháp và thể thao để ngăn chặn cái gọi là European Super League. Các câu lạc bộ liên quan đến những giải đấu không chính thống như vậy sẽ bị cấm tham dự mọi giải đấu chính thức hiện hành ở cấp độ quốc nội, châu Âu hoặc thế giới. Những cầu thủ thuộc biên chế các CLB này cũng có thể không được phép khoác áo ĐTQG".
Ngay cả Thủ tướng Anh, Boris Johnson cũng đã chia sẻ trên Twitter: "Các kế hoạch cho European Super League sẽ gây tổn hại rất lớn cho bóng đá và chúng tôi ủng hộ các cơ quan quản lý bóng đá hành động. Họ sẽ làm đảo lộn đời sóng bóng đá đang yên ổn hiện tại. Các câu lạc bộ liên quan phải trả lời người hâm mộ của họ và cộng đồng bóng đá trước khi thực hiện bất kỳ bước nào tiếp theo".
Thủ tướng Anh sẵn sàng làm mọi cách để ngăn cản các đại diện ở Premier League tham dự European Super League |
European Super League bị chỉ trích dữ dội
Xem ra với phản ứng dữ dội từ nhiều phía thì khả năng European Super League được tổ chức trên thực tế vẫn còn mù mờ. Nói gì thì nói, những "CLB sáng lập" vẫn cần nhận được sự ủng hộ từ những cơ quan quản lý bóng đá, ít nhất trong phạm vi trong nước.
Về mặt lý thuyết, việc bị cấm tham dự đấu trường châu Âu cấp CLB nếu cứ nhất quyết triển khai Super League xem ra cũng không phải tổn hại quá lớn với nhóm "đội bóng ly khai" vì bản thân các CLB cũng tạo ra sức hút cho giải đấu. Song nếu những đội này cũng bị cấm góp mặt ở các giải đấu quốc nội thì sẽ là vấn đề thật sự nghiêm trọng.
Riêng việc Super League dự định tổ chức vào giữa tuần nhằm tránh xung đột với giải VĐQG (chủ yếu diễn ra vào cuối tuần) là đủ để chứng minh những "CLB sáng lập" cũng không muốn làm phật lòng Liên đoàn bóng đá quốc gia mà họ đang là thành viên.
Ngoài các lợi ích to lớn về mặt kinh tế (cần nhớ rằng số lượng các trận đấu quốc nội nhiều hơn đáng kể so với đấu trường châu Âu) hay niềm tự hào dân tộc thì những đội tính ly khai cũng quá hiểu trong cả một năm không thể chỉ thi đấu mỗi cái giải Super League. Nếu như thế ngay cả nội bộ đội bóng cũng sớm hỗn loạn, chưa nói gì đến các yếu tố bên ngoài bởi giới cầu thủ, kể cả thuộc diện siêu sao hàng đầu, thừa biết họ mà không được thi đấu thường xuyên thì năng lực và sự nghiệp sẽ chẳng thể phát triển. Với cầu thủ, tiền bạc đúng là quan trọng nhưng danh hiệu và sự nổi tiếng cũng hấp dẫn chẳng kém.
Hãy thử tưởng tượng xem đội bóng có lượng fan số 1 hành tinh, Manchester United mà bị cấm tham dự Premier League thì sẽ ra sao? |
Còn nói về mặt luật lệ thì trong bộ quy tắc của Ngoại hạng Anh, có điều khoản yêu cầu các câu lạc bộ phải có "sự chấp thuận trước bằng văn bản của Hội đồng quản trị giải đấu" nếu họ muốn tham gia bất kỳ giải nào khác ngoài hệ thống giải đã được "cấp phép" gồm Champions League, Europa League, FA Cup, FA Community Shield, Carabao Cup. Nếu tự ý tham dự, họ sẽ bị xử phạt nặng và loại khỏi giải đấu chính là một khả năng được nhắc đến.
Các giải hàng đầu khác ở châu Âu cũng có điều khoản tương tự còn dĩ nhiên lên cấp độ UEFA hay FIFA thì mọi quy định còn chặt chẽ hơn nhiều bởi chẳng đời nào những tổ chức này chấp nhận những ý đồ "ly khai" vượt quá khuôn khổ cho phép mà sẽ gây những hệ lụy không thể lường trước đến nền bóng đá hiện tại.
Còn nhớ vào tháng 1/2021, FIFA đã đưa ra thông báo rằng một giải đấu ly khai khỏi hệ thống được cấp phép hiện tại sẽ không được công nhận và "bất kỳ câu lạc bộ hoặc cầu thủ nào góp mặt vào một giải đấu như vậy sẽ không được phép tham gia bất kỳ giải đấu nào do FIFA hoặc liên đoàn tương ứng tổ chức".Thực ra về mặt hình thức, các Liên đoàn bóng đá quốc gia hoạt động độc lập với UEFA và FIFA chứ không hẳn bị chi phối bởi hai tổ chức này nhưng trên thực tế, mối ràng buộc giữa họ khá chặt chẽ. Chẳng hạn đặt giả thuyết Liên đoàn bóng đá Anh (cả TBN, Italia) ủng hộ các CLB của họ tham dự Super League đồng nghĩa vẫn cho phép các CLB này dự các giải đấu quốc nội (đây chính là mong muốn lớn nhất của nhóm "CLB sáng lập") thì với quyền hạn của mình, UEFA có thể cấm toàn bộ các CLB khác của Anh (TBN, Italia) tham dự đấu trường châu Âu nhằm gây sức ép. FIFA cũng có thể áp dụng biện pháp tương tự ở cấp độ ĐTQG.
Mà như thế thì bóng đá nội địa sẽ hỗn loạn. Một giải VĐQG hàng đầu châu Âu bây giờ (ngoại trừ Đức) bao gồm tới 20 đội. Kể cả có 4-5 đội lớn nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất về mọi mặt (lượng fan, lợi ích kinh tế, giá trị chuyên môn) thì cũng vẫn cần những đội còn lại, bằng không giải đấu sẽ "vỡ". Giải VĐQG là cốt lõi, nền tảng của mọi giải đấu bóng đá khác nên chỉ có thể giữ nguyên hoặc tăng quy mô chứ không thể giảm xuống nhằm thoả mãn "thiểu số". Giới chức quản lý bóng đá mỗi nước quá hiểu điều đó nên có thể tin rằng họ sẽ đứng chung "chiến hào" với UEFA và FIFA để chống lại mọi ý đồ ly khai.
Nói tóm lại, nếu European Super League thực sự được diễn ra đúng như kế hoạch ly khai của những đội bóng hàng đầu châu Âu thì lịch sử bóng đá thế giới nhiều khả năng sẽ bước sang một trang mới với tương lai vô cùng bất định vì quả thực với mật độ thi đấu dày đặc như hiện tại, khó có thể tìm ra một khoảng trống nào cho một hệ thống giải đấu mới, chưa xét đến các yếu tố công bằng và bình đẳng như tôn chỉ mà môn thể thao vua theo đuổi.