Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Thất bại của Premier League ở châu Âu: Dù hư danh, vẫn là số một

Thứ Năm 27/02/2014 17:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vào mùa bóng mà bản quyền của giải Ngoại hạng Anh đã được nâng lên đến 3 tỉ bảng, thì các CLB Anh lại đồng loạt tháo chạy ở châu Âu và một cầu thủ kỳ cựu của nó thậm chí phải lên tiếng rằng “Premier League giờ chỉ còn thương hiệu, chứ không còn chất lượng”.

Man City là đội có lực lượng và chất lượng kỹ thuật tốt nhất Premier League, nhưng họ đã thua Barcelona tương đối tâm phục khẩu phục ở lượt đi vòng 1/8 Champions League. Công bằng mà nói thì ranh giới giữa thắng và thua ở trận ấy cũng mong manh như việc xác định xem Lionel Messi đã bị Demichelis phạm lỗi (dẫn đến thẻ đỏ cho trung vệ người Argentina) ở trong hay ngoài vòng cấm, nhưng sự chênh lệch đẳng cấp thật sự tồn tại. Arsenal còn đầu hàng Bayern sớm hơn. Cả hai trận thua đều diễn ra ngay trên đất Anh. Đội khách duy nhất của hạm đội sương mù là Man United thì bắt phải lá thăm được xem là dễ thở nhất ở vòng 1/8, Olympiacos, nhưng cũng thua trắng hai bàn. Ở Europa League, Tottenham Hotspur cũng vừa bại trận 0-1 trên sân của Dnipro.

manchester united
 

Sự hấp dẫn không nằm ở thành tích

Huyền thoại Roy Keane của ManUnited tỏ ra rất bức xúc và đã oang oang trên truyền hình rằng bóng đá Anh cần phải được “tẩy não”, rằng giải đấu này có chất lượng không tương xứng với thương hiệu được marketing quá tốt của nó. Đối với những người làm chuyên môn như anh thì điều đó có lẽ đúng: Các đội hàng đầu Premier League đang tỏ ra thua kém những CLB sừng sỏ khác ở châu Âu, thậm chí thua kém xa về kỹ chiến thuật và cả bản lĩnh (hãy nhìn cách Bayern gây ức chế cho Arsenal).

Trận chung kết Champions League toàn Đức mùa trước đã cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bundesliga, nhưng một trận đấu của giải Bundesliga chỉ có khoảng 2 triệu người xem trên toàn cầu, trong khi với một trận ở Premier League, con số ấy lên đến 12 triệu người. La Liga có trận Kinh điển được khoảng nửa tỷ người theo dõi mỗi khi bóng lăn, nhưng giải đấu này chỉ đạt mức người xem trung bình là 2,2 triệu khán giả/ trận. Serie A có khá hơn, nhưng cũng chỉ đạt mức 4,5 triệu người xem/ trận.

Thành tích của bóng đá Anh ở châu Âu giảm sút không làm cho giải đấu mất giá, thậm chí nó còn ngày càng hấp dẫn hơn. Quay ngược về thời điểm cách đây hơn một thập kỷ, thì các CLB Anh dù vẫn rất ngây thơ và được cho là cần phải trau dồi nhiều về kỹ chiến thuật, vẫn thu hút một lượng lớn khán giả. Trận chung kết Champions League năm 1999, Man United bị đánh giá thấp hơn rất nhiều và chơi tệ trong cả trận cuối cùng lại thắng ngược 2-1 nhờ 2 quả phạt góc cuối trận. Thời điểm ấy, đội bóng áo đỏ là CLB chơi hấp dẫn nhất ở Premier League, và sự may mắn của họ trong trận chung kết năm ấy là một màn quảng cáo hoàn hảo cho cái gọi là sự hết mình của bóng đá Anh.

Premier League vẫn là số 1

Và đó có thể là lý do giải thích cho sự thành công về mặt thương mại và thu hút khán giả của bóng đá Anh, bất chấp thành tích trên sân cỏ sút giảm. Các CLB Premier League, dù chơi thực dụng hay hấp dẫn, đều có sự hết mình đặc trưng và đôi khi, tình yêu của khán giả không phụ thuộc vào chuyện nền bóng đá ấy có bao nhiêu CLB tiến sâu ở Champions League. Khán giả ra sân là để xem bóng đá và tận hưởng bầu không khí của nó, và trên những khía cạnh này, bóng đá Anh đã làm quá tốt. Câu chuyện về trình độ có thể tạm được dẹp sang một bên, vì Premier League đã quá thành công trên khía cạnh giải trí.

Bóng đá Anh có thể sẽ không giành được chiến quả nào đáng kể ở châu Âu mùa này, nhưng thương hiệu họ tạo ra cho sản phẩm bóng đá của mình không phải được xây dựng chỉ trong một đêm, và đó là nền tảng để họ chinh phục châu Âu ở những mùa giải tiếp theo.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X