(Bongda24h) - Đại thiếu gia thành Manchester đã thi đấu rất tốt, tạo một thế trận hoàn hảo vô hiệu hoá được các vị khách hùng mạnh nhưng cục diện đã xoay chuyển 180 độ sau quyết định thổi 11m và phạt thẻ đỏ của trọng tài dù cho Messi đã bị Demichelis phạm lỗi ở ngoài vòng cấm. Cú đá penalty thành công của M10 đã thẳng tiến đưa Barca tới chiến thắng trong thế hơn người và đến phút 90, hy vọng tạo ra cú sốc ở vòng 1/8 Champions League của Man xanh chính thức tan biến sau khi bị Daniel Alves chọc thủng lưới. Chiến thắng 2-0 ngay trên sân đối phương đã giúp Barca gần như đặt cả hai chân vào tứ kết trong sự tức tưởi của đối thủ.
Nhờ bầu sữa vô tận của giới chủ người Ả Rập mà Man City dần trở thành thế lực đáng ngại ở châu Âu. Đương nhiên, nếu phải đứng cạnh Barca thì trông Man xanh vẫn rất "thấp bé nhẹ cân" bởi ít ra, họ còn thua kém nhiều về mặt truyền thống, thương hiệu. Song với lợi thế sân nhà, đại thiếu gia thành Manchester hoàn toàn có quyền nghĩ đến việc làm nên chuyện, nhất là khi Barca không còn đáng sợ, "bách chiến bách thắng" như cách đây vài năm. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ: lối chơi tiqui-taka ngày càng bị khắc chế nhiều hơn và mặc cho Tata Martino đã cố gắng điều chỉnh, đổi mới song rõ ràng với dàn cầu thủ "cũ mèm" hiện tại (đa phần đã gắn bó với đội bóng được nhiều năm, từ thời Barca bắt đầu xác lập sự thống trị ở TBN và lục địa già) cộng thêm cái chất của một đội bóng lớn thì về cơ bản, đặc trưng của Barca vẫn là cách đá được huyền thoại Josep Guardiola phát triển và đưa lên tầm nghệ thuật. Bởi thế, nếu muốn giành chiến thắng, Man City cần phải biết học hỏi những đội đi trước. Thực tế đã chứng minh, cách hữu hiệu nhất để hoá giải tiqui-taka là chơi tử thủ, tập trung mạnh vào khâu phòng ngự, chú trọng pressing vào các vị trí cốt tử của đối thủ chứ "đua đòi" đôi công với Barca và cố gắng tranh giành bằng được quyền kiểm soát bóng thì không khác gì tự sát.
Trước trận đấu, cái từ "Barcelona thu nhỏ" được sử dụng thường xuyên để nói về Man City. Bên cạnh việc không ít quan chức cấp cao hiện nay của Man xanh có gốc gác từ Barcelona (từng tham gia ban điều hành "gã khổng lồ" xứ Catalan) và Man City cũng được cho đang "copy mô hình" phát triển bóng đá bền vững của Barca (dựa vào nội lực, nguồn cầu thủ trẻ tự đào tạo) khi đầu tư mạnh vào việc xây dựng một cơ sở đào tạo hoành tráng, hiện đại với nhiều nét tinh tuý được đúc rút từ lò La Masia của đối thủ thì sự có mặt của Manuel Pellegrini, nhà cầm quân luôn tôn thờ trường phái bóng đá tấn công, khiến cho Man City càng trở nên tương đồng với Barca (thực ra, chính vì giới chủ muốn sao chép hoàn toàn phong cách của Barca nên mới chọn vị HLV này). Họ luôn chọn cách chơi tấn công, chủ trương áp đảo đối phương dựa trên sự lấn lướt về thời gian kiểm soát bóng giống Barca tuy nhiên, giữa họ tồn tại những điểm khác biệt lớn: Trong khi Barca mạnh về chuyền ban ngắn, phối hợp nhỏ, nhịp điệu lên bóng chậm rãi và chỉ tăng tốc lúc cần thiết thì Man City vẫn phảng phất nhiều đặc điểm của một đội bóng Anh truyền thống. Đó là lối triển khai bóng dựa trên tốc độ, sức mạnh và tấn công nhiều ở hai biên.
Nhìn vào cách bố trí đội hình xuất phát của Pellegrini, có thể tạm mường tượng ra rằng Man City thực sự không dám "sòng phẳng" với các vị khách hùng mạnh mà dường như đã tuân thủ đúng "bí kíp đánh bại" Barca khi đề cao tính an toàn, chất phòng ngự. Cụ thể, "siêu dự bị" Edin Dzeko chỉ ngồi trên băng ghế dự bị nhằm tăng cường thêm nhân sự cho tuyến giữa và gương mặt chơi cao nhất trên hàng công là Alvaro Negredo. Suất đá chính của Dzeko đã thuộc về Kolarov, một hậu vệ trái chính hiệu nhưng có thể chơi được ở tuyến giữa và tất nhiên, sự có mặt của anh ở hàng tiền vệ đã khẳng định rằng, nhà cầm quân người Chile muốn khai thác khả năng phòng ngự của cầu thủ người Serbia. Bên cạnh đó, Pellegrini lộ rõ ý đồ "lấy độc trị độc" khi toàn ưu tiên sử dụng các cầu thủ từng có kinh nghiệm chơi bóng tại La Liga. Ngoài Negredo thì David Silva, Jesus Navas thậm chí Martin Demichelis cũng có mặt ngay từ đầu dù rằng có thể họ không xuất sắc bằng những cầu thủ phải ngồi trên băng ghế dự bị như Lescott, Samir Nasri. Dĩ nhiên, không thể không nhắc đến Yaya Toure, tiền vệ trung tâm công - thủ toàn diện bậc nhất thế giới hiện nay và đã thành danh từ Barcelona song phải đến lúc chuyển sang Man City thì sự nghiệp của Toure mới được đẩy lên tầm cao mới. Hôm nay, Toure được kéo xuống thấp kết hợp cùng với Fernandinho, đối tác thân cận vừa hoàn toàn bình phục thể lực, tạo thành tấm lá chắn thép trước hậu phương. Về phần Barcelona, chẳng khó để đoán đội hình ra sân bởi đơn giản, lực lượng "xịn" của Blaugrana cũng chỉ có đến thế. Ngôi sao bóng đá số 1 xứ sở Samba, Neymar phải ngậm ngùi ngồi trên băng ghế dự bị khi mà nhạc trưởng Xavi trở lại sau chấn thương, khiến cho Cesc Fabregas bị đẩy lên hàng công chứ không còn được thống lĩnh tuyến giữa. Hai gương mặt còn lại của hệ thống tấn công 3 người là hạt nhân Lionel Messi và Alexis Sanchez, chân sút tốt nhất đội từ đầu mùa. Không phủ nhận, Neymar đã chơi không tồi từ đầu mùa nhưng rõ ràng anh xứng đáng ngồi ngoài vì không xuất sắc bằng những đồng đội có mặt trên sân (Fabregas đang là cầu thủ kiến tạo hay nhất đội, hơn cả Xavi lẫn Iniesta). Tại hàng thủ, Martino có sự phục vụ đầy đủ của bộ tứ vệ tốt nhất: cặp trung vệ Pique - Mascherano và hai hậu vệ cánh Daniel Alves - Jordi Alba.
Ngay sau tiếng còi khai cuộc, Man City đã thể hiện càng rõ ý đồ chiến thuật ứng phó với Barca. Họ tập trung phần lớn đội hình bên phần sân nhà, triển khai lối chơi chặt chẽ, chắc chắn từ xa và giống như những đội từng giành chiến thắng trước Barca trong quá khứ, họ chấp nhận nhường khu trung tuyến và quyền kiểm soát bóng cho đối thủ. Bước đầu, phương án này tỏ ra vô cùng hữu hiệu khi Barca chẳng làm nên nổi "trò trống" gì trong khoảng 15 phút đầu tiên dù hoàn toàn lấn lướt về thời gian giữ bóng (lên tới gần 75%). Cự ly đội hình của Man City được giữ rất tốt mà có thể mô tả như một chiếc cung, biết đàn hồi, giãn nở nhịp nhàn theo từng đợt công phá của đối thủ. Sau khi thiết lập xong xuôi trận địa phòng ngự "trùng trùng điệp điệp", đội chủ nhà bắt đầu nghĩ đến về các đòn phản công chớp nhoáng, giúp hàng thủ đội khách không còn rơi vào cảnh thất nghiệp. Dĩ nhiên, những cầu thủ lên tham gia tấn công sẽ lui về rất nhanh sau khi kết thúc một pha bóng để giữ vững đấu pháp được vạch ra. Phút 18, cơ hội đáng kể đầu tiên của trận đấu mới xuất hiện và thuộc về Man City. Chỉ bằng hai đường chuyền đơn giản ở trung lộ, trái bóng đã tới chân Negredo và tiền đạo này nỗ lực xâm nhập vòng cấm, thoát khỏi sự kìm kẹp của cặp trung vệ rồi vượt qua nốt cả chốt chặn cuối cùng Valdes. Chỉ có điều, lúc đó, anh đã tiến sát đường biên ngang nên không còn cách nào khác phải thực hiện quả tạt vào trong. Đáng tiếc, không có đồng đội nào của anh kịp tiếp ứng, khiến thời cơ ăn bàn bị trôi qua.
Kể từ tình huống đó, Man City thi đấu hay hơn hẳn. Không chỉ bảo đảm an toàn tối đa cho tuyến dưới mà số lần đe doạ đối phương tăng lên đáng kể. Phút 23, cú sút phạt bên cánh trái của David Silva đã gây ra sự hỗn loạn nơi vòng cấm địa Barca và chỉ có sự tỉnh táo của Valdes mới giải vây được cho cầu môn. Vài phút sau, Negredo tung ra cú đặt lòng chân trái từ ngoài vòng cấm song không đủ độ khó để đánh bại đôi bàn tay nhựa của thủ thành người TBN. Phải đến phút 31, Barca mới có được một cơ hội "ra hồn" đầu tiên. Sau vài động tác xử lý quen thuộc, Messi dùng chân phải tung ra cú sút ở ngoài vạch 16m50 và trái bóng bay cao hơn xà ngang. Tài năng, đẳng cấp xuất chúng là thế nhưng Messi lại rất sợ nước Anh bởi trong 9 lần chơi bóng tại đây cùng Barcelona, anh mới ghi nổi đúng 1 bàn. Ngay sau đó, tới lượt Xavi trổ tài sút xa ở một khoảng cách xa hơn, góc khó hơn song độ chuẩn xác lại cao hơn và Joe Hart đã phải ra tay.
Sau khoảng thời gian khá sôi nổi khi hai bên "ăn miếng trả miếng" thì đến cuối hiệp 1, nhịp độ lại bị kéo chùng xuống và Man City vẫn là đội chủ động điều khiển cục diện. Dường như khi nhận thấy chỉ cần một chút cởi mở là đã tạo điều kiện cho đối thủ tung hoành, Man City đã lấy lại sự chắc chắn và chậm rãi quen thuộc. Không những vậy, trước thời điểm nghỉ giải lao, Negredo còn có một pha đánh đầu không trúng đích sau quả tạt của Navas bên cánh phải. Bước sang hiệp 2, chưa bên nào vội vàng thay đổi nhân sự. Tình thế không có gì biến chuyển khi Man City vẫn tổng lực phòng thủ và bịt chặt mọi hướng tiếp cận khung thành. Song ở đời, nào ai học được chữ ngờ. Phút 53, lần hiếm hoi, tuyến giữa Barca tung ra được một cú chọc khe tinh thế nhưng chừng đó là quá đủ. Messi thoát xuống nhận bóng và khi anh chuẩn bị tung ra cú dứt điểm thì từ phía sau, Demichelis thực hiện động tác truy cản không trúng bóng và thế là M10 đổ vật xuống sân. Trọng tài người Thuỵ Điển, Eriksson rất cương quyết rút ra tấm thẻ đỏ trực tiếp dành cho trung vệ kỳ cựu người Argentina và Barca được hưởng 11m. Chính Messi là người thực hiện và anh dễ dàng đánh lừa Joe Hart để mở tỷ số, quan trọng đưa trận đấu và cả số phận cuộc chạm trán ở vòng 1/8 rẽ sang một hướng khác. Không phủ nhận, tình huống Demichelis là khá rõ ràng nhưng liệu cầu thủ này có đáng bị đuổi ra khỏi sân. Thêm vào đó, pha quay chậm đã chỉ ra dường như điểm phạm lỗi nằm ngoài vạch 16m50. Rồi đây, kiểu gì bàn thắng này sẽ còn được mổ xẻ tận tình.
Bị mất một hậu vệ nên không còn cách nào khác, Man City buộc phải thay đổi nhân sự nhằm cứu vãn tình hình. Phút 58, đồng loạt Nasri và Lescott vào sân thay cho Kolarov và Navas song một khi Barca đã khai thông bế tắc, lại được chơi hơn người thì thách thức đặt ra cho thế lực mới nổi thành Manchester là quá khủng khiếp. Man City không dám mạo hiểm dâng lên tấn công bởi thừa hiểu nguy cơ thủng lưới thêm là rất cao trong khi chưa chắc đã làm gì nổi Valdes. Dẫu sao, thua sát nút thì cơ hội lật ngược ở lượt về vẫn còn đôi chút sáng sủa chứ thua cách biệt thì gần như "đứt cước". Quả thực, sự toan tính "lừng khừng" của đội chủ nhà càng tạo cơ hội cho Barca vẫy vùng. Phút 68, Daniel Alves bật tường ăn ý với Alexis bên cánh phải rồi tăng tốc đột nhập vòng cấm trước khi kết thúc bằng cú sút chéo góc chệch cột dọc trong gang tấc lúc trước mặt chỉ còn Joe Hart. Dĩ nhiên, Barcelona đời nào đã chịu hài lòng với tỷ số 1-0 nhất là khi mọi thứ đang ủng hộ họ nên không có gì ngạc nhiên khi Martino quyết định đổi mới hàng công bằng cái tên Neymar và người rời sân là Alexis, cầu thủ chơi khá mờ nhạt trong những phút có mặt. Thế nhưng suýt chút nữa, Man City mới là đội gỡ hoà. Phút 77, từ đường kiến tạo đẹp của Zabaleta bên cánh phải, David Silva bình tĩnh dùng ngực hãm bóng chuẩn mực rồi vung chân dứt điểm song lại quá đơn giản cho Valdes.
Như được tiếp thêm sinh khí, Man City chơi bạo dạn hẳn trong khoảng thời gian còn lại nhưng mọi sự đã an bài. Tất cả nỗ lực không biết mệt mỏi hòng vớt vát hy vọng cho trận lượt về đều lần lượt tiêu tan khi mà hàng thủ Barca chơi cực kỳ tập trung và không mắc phải sai sót nào. Chẳng những vậy, đúng vào phút cuối cùng, mành lưới của Man City rung lên lần thứ hai đồng nghĩa Barca coi như đã bỏ tấm vé tham dự vòng tứ kết vào trong túi. Vẫn là một pha xuống biên phải của Daniel Alves cũng như có thêm sự phối hợp của một người đồng đội (Neymar) như lần trước, ngôi sao người Brazil lại đối diện với Joe Hart ở góc hẹp và đến lần này, anh đã kết thúc chuẩn xác hơn nhiều để ấn định chiến thắng 2-0. Sau tiếng còi mãn cuộc, Barca tưng bừng ăn mừng ngay trên thánh địa của đối phương. Dù vẫn còn 90 phút lượt về tại Nou Camp nhưng cơ hội lội ngược dòng của Man City gần như bằng không. Đúng là mùa trước, Bayern Munich từng thắng lớn tại đây song quá khập khiễng khi đặt "Hùm xám" xứ Bavaria với thứ bóng đá chiến thuật đỉnh cao của Jupp Heynckes bên cạnh một Man City vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Đội hình thi đấu
Manchester City: Hart, Zabaleta, Kompany, Demichelis, Clichy, Navas (Nasri 58'), Toure, Fernandinho, Kolarov (Lescott 58'), Silva, Negredo (Dzeko 74')
Barcelona: Valdés; Alves, Mascherano, Piqué, Alba; Xavi, Busquests, Iniesta; Fàbregas, Sanchez (Neymar 74'), Messi
Bảo Phương - Bongda24h.vn