Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

"Tam sư" ốm yếu không phải lỗi của Premier League

Thứ Tư 01/01/2014 19:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cứ thất bại tại một giải lớn nào đó là người Anh lại đổ lỗi cho Premier League, giải đấu không có kỳ nghỉ Đông khiến cầu thủ mệt mỏi. Nhưng thực ra, đấy chỉ là một cách bao biện

Nghỉ Đông mà không nghỉ Đông, là trường hợp của các CLB lớn tại La Liga. Khi Premier League vẫn diễn ra thì Real Madrid không nghỉ ngơi như giải đấu họ tham dự. Đội Hoàng gia Tây Ban Nha đã đến Doha (Qatar) để tránh rét, và chuẩn bị đá trận giao hữu gặp PSG tại đây. Đấy là cách Real và các đội bóng lớn của Tây Ban Nha kết hợp giữa kiếm tiền và “nghỉ ngơi”.


ĐT Anh thua đau ngay trên sân nhà trước đối thủ được đánh giá thấp hơn
 

Trong cuốn sách mới xuất bản, nhà báo Graham Hunter nói về mối liên hệ giữa cú ăn ba thần kỳ của tuyển Tây Ban Nha tại các giải lớn với chuyện nghỉ ngơi của các cầu thủ. Thực tế là từ năm 2008 đến 2012, không cầu thủ nơi đâu phải đá nhiều như của tuyển Tây Ban Nha, nhưng không đội tuyển nào chiến thắng nhiều như họ.

Khi hướng tới danh hiệu thứ ba liên tiếp tại EURO 2012, hầu hết cầu thủ tuyển Tây Ban Nha phải đá trung bình 4000 phút trong mùa giải, và thậm chí, có cầu thủ đã chạm mốc 5000 phút thi đấu không nghỉ. Tây Ban Nha là đội vất vả nhất giải đấu, và họ vô địch.

Từ năm 2008 đến 2012, các cầu thủ Tây Ban Nha chỉ có một kỳ nghỉ Hè đúng nghĩa, do phải dự hai giải đấu mùa Hè là Confederations Cup 2009 và World Cup 2010. Kỳ nghỉ Đông của La Liga cũng chỉ kéo dài hơn một tuần, và riêng các cầu thủ Barcelona còn mệt mỏi gấp bội, vì phải đến UAE và Nhật Bản dự FIFA Club World Cup. Vào tháng 12 năm 2009, Barcelona cũng đến tận Kuwait đá giao hữu, như Real đang làm ở Qatar.

Tạm dừng Premier League trong một tuần giữa tháng Một, vì thế, không phải nguyên nhân gốc rễ chuyện tuyển Anh thất bại tại các giải lớn. Một thống kê đáng buồn với người Anh: Tây Ban Nha đã giành 14 danh hiệu, về nhì 6 lần ở 43 giải trẻ được tổ chức từ năm 1997 đến 2013. Trong khoảng thời gian này, Tây Ban Nha cũng vô địch 3 giải trẻ chính thức của châu Âu và thế giới.

Nhà báo Hunter miêu tả rằng việc cùng nhau chiến thắng giải U16 châu Âu và sau đó bị loại ở vòng bảng giải U17 thế giới, giúp Fernando Torres và Andres Iniesta chơi ngày càng gắn kết. Họ cùng nhau trưởng thành từ đó, cho đến khi vô địch thế giới năm 2010.

Xavi và Casillas cũng vậy. Họ đã bắt đầu từ những kỷ niệm tại rạp chiếu phim ở khách sạn khi tập trung tuyển trẻ, chuyện con gián và viên đạn ở giải U20 thế giới năm 1999 tại Nigeria mà họ vô địch, đến chức vô địch thế giới ở Nam Phi.

Cái nền của bóng đá Tây Ban Nha được xây từ một mạng lưới tuyển trạch tự nguyện tại các CLB, được giám sát bởi Liên đoàn bóng đá. Họ thường xuyên gom 55 cầu thủ giỏi nhất trong độ tuổi từ 14-15 thành một mối. Nhóm này gọi là “55 cậu bé ma thuật”, và các CLB chủ quản phải cho các cậu bé lên tập trung trên tuyển Quốc gia ba ngày liên tiếp hàng tháng, từ tháng Chín đến tháng Một, và sau đó lại tập trung như thế từ tháng Một đến tháng Bảy, để chơi bóng cùng nhau. Danh sách sau đó được rút xuống còn 33 người.

Ở Anh, các đội bóng lớn không làm thế. Họ có quyền chọn những cầu thủ trẻ ưu tú nhất từ dự án Elite Player Performance Plan (EPPP) của Premier League, mà cụ thể là theo luật, các đội bóng lớn có quyền ưu tiên mua bất cứ cầu thủ nào từ EPPP với khoản phí chỉ từ 3000 bảng. Các đội bóng nhỏ phản đối điều này. Nhưng các đội bóng lớn dọa cắt nguồn tiền tài trợ EPPP nếu luật này bị gỡ bỏ.

Cơ chế làm bóng đá trẻ của bóng đá Tây Ban Nha kết hợp giữa “tự nguyện” và “bắt buộc”. Trong khi cơ chế của bóng đá Anh được mô tả là như một vụ “tống tiền” của các đội bóng lớn với Premier League và các đội bóng nhỏ.

Vì thế, chuyện thất bại của Tam Sư không chỉ vì Premier League không có kỳ nghỉ Đông. Nghỉ Đông là tốt, nhưng hơn 1 tuần nghỉ ngơi đó, cũng sẽ chẳng giúp tuyển Anh thành công hơn, nếu họ vẫn giữ cách đầu tư cho các tuyến trẻ như hiện tại.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X