- Sepp Blatter thoái vị, ai sẽ là người kế nhiệm ngôi vương?
- Châu Âu hả hê sau khi Sepp Blatter từ chức Chủ tịch FIFA
- CỰC SỐC: Sepp Blatter bất ngờ từ chức Chủ tịch FIFA
Việc Sepp Blatter từ chức chủ tịch FIFA được ví như một chiến thắng của bóng đá hiện đại, nhưng bên cạnh đó cũng còn những vết nhơ của môn thể thao vua.
Đêm qua, làng túc cầu thế giới đã được chứng kiến một sự kiện gây sốc khi Sepp Blatter tuyên bố từ chức chủ tịch FIFA, chỉ vỏn vẹn 4 ngày sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp. Đây có lẽ là hệ quả tất yếu từ những sức ép cực lớn mà Blatter đã phải hứng chịu từ nhiều bên trong suốt những ngày qua, và như báo chí phương Tây đã nói, đây là một chiến thắng của bóng đá nói chung. Tuy nhiên, mọi việc đều có 2 mặt của nó, và không hẳn sự kiện diễn ra đêm qua đáng để tất cả ăn mừng.
Việc Blatter từ chức sẽ giúp bóng đá hồi sinh? |
Đầu tiên, phải công nhận rằng việc chủ tịch Sepp Blatter thoái vị vào lúc này là một điều hợp lý hơn cả. FIFA đã có một phen rúng động vì vụ bê bối nhận hối lộ của các quan chức cấp cao ở tổ chức này, trong số đó có cả Phó chủ tịch Jeffrey Webb. Khi mọi việc vỡ lở, tất cả ánh mắt dồn cả vào Sepp Blatter để chờ một lời giải thích, nhưng vị chủ tịch 79 tuổi này chỉ đáp lại bằng rằng ông không thể kiểm soát hành động của tất cả mọi người ở FIFA, một câu lấp liếm khó có thể thô kệch hơn. Blatter đã có hơn 30 năm làm việc tại tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh, từ vị trí Giám đốc kỹ thuật, thư ký chung cho tới 17 năm trên cương vị chủ tịch. Nếu như có người nào biết rõ mọi chuyện nhất ở nơi này thì đó phải là Blatter, và nếu ông không biết thì đơn giản là không ai có thể biết được. Chưa kể tới việc những người vi phạm đều là những thuộc hạ thân tín của vị chủ tịch này, tại sao ông lại không biết chuyện tày đình của họ được?
UEFA đã không chịu nổi lời nói dối trắng trợn đó, và chủ tịch Michel Platini đã dẫn đầu làn sóng biểu tình đòi Blatter từ chức. Ông dọa đưa UEFA ra khỏi World Cup vì có quá nhiều bê bối liên quan tới Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, từ Nam Phi năm 2010 cho tới những Nga năm 2018 và Qatar năm 2022. Hôm thứ Sáu vừa rồi, liên tiếp những nhân vật uy tín của bóng đá châu Âu đã “sửng cồ” vì Blatter trúng cử. Chủ tịch LĐBĐ Hà Lan, Bert van Oostven khẳng định cuộc đấu tranh của các nước châu Âu sẽ không chấm dứt, huyền thoại Luis Figo than vãn rằng đây là một ngày đen tối tại Zurich, còn chủ tịch LĐBĐ Anh (FA), Greg Dyke khẳng định rằng Blatter sẽ chẳng thể ngồi yên khi bị FBI sờ gáy. Và quả thật, mọi việc diễn ra đúng như dự đoán của Dyke khi cơ quan Cục điều tra Liên bang Mỹ bắt đầu hỏi thăm Blatter vì những liên quan tới khoản tiền nhận hối lộ 65 triệu bảng. Hôm qua, vị chủ tịch đáng kính nói rằng ông từ chức vì không được ai ủng hộ, nhưng tất cả đều hiểu rằng Blatter đã bị dồn vào thế chân tường khi bị cánh tay phải, Thư ký Jerome Valcke đưa ra những lời khai bất lợi với FBI. Châu Âu như mở hội khi nhân vật “trùm sò” cuối cùng cũng bước ra khỏi ngai vàng của mình. Và dù người lên thay thế có là Michel Platini, Hoàng tử Ali bin Hussein hay những người đã rút lui trước đó như Luis Figo, Michael van Praag, David Ginola thì mọi chuyện cũng sẽ dần trở nên tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên đó có lẽ chỉ là mặt tích cực mà mọi người có thể nhìn thấy. Với sức mạnh của mình, truyền thông châu Âu có thể gieo vào đầu những người hâm mộ bóng đá về một tương lai tươi sáng hơn, nhưng họ lại phớt lờ đi những góc khuất đằng sau đó. Việc Sepp Blatter từ chức chủ tịch FIFA là một sự giải thoát cho bóng đá thế giới, nhưng cũng chẳng khác nào một cái tát rất đau mà người Mỹ dành cho châu Âu, cái nôi của môn thể thao vua. Người Mỹ đã được một phen vỗ ngực tự hào khi đóng góp công lao lớn nhất trong việc triệt tiêu “vòi bạch tuộc” của Sepp Blatter, và từ đó tạo nên một cuộc lật đổ ngoạn mục. FIFA là một tổ chức riêng biệt và thậm chí còn có luật lệ riêng, vì thế Blatter gần như “bất khả xâm phạm” trong vương quốc của mình. Thế nhưng những giao dịch bất chính trong những vụ hối lộ nói trên lại dính dáng đến các ngân hàng Mỹ, và FBI chỉ chờ có thế để bắt thóp được các nhân vật sừng sỏ của FIFA. Chính Cục điền tra Liên bang Mỹ đã gửi những bằng chứng không thể chối cãi cho cảnh sát Thụy Sỹ và nhờ họ dẫn độ các nghi phạm qua bên kia Đại Tây Dương để thẩm tra.
Nếu Platini lên nắm quyền tại FIFA, ông sẽ phải đối mặt với vô số vấn đề |
Pháo đài kiên cố đã bị đánh sập, và người Mỹ một lần nữa lại có dịp để ra oai với lục địa già. Sau khi lập được chiến công đó, có những ý kiến đề xuất từ Mỹ rằng bóng đá nên bỏ luật việt vị và cho phép các cầu thủ dùng tay chơi bóng, điều đó chẳng khác nào biến bóng đá trở thành bóng bầu dục. Trong tương lai, người Mỹ sẽ còn dựa nhiều vào vụ việc này để gây ảnh hưởng tới tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới, và có trời mới biết họ sẽ nghĩ ra điều gì. Trong khi tất cả thế giới gọi bóng đá là “football” thì họ lại gọi đó là “soccer”, và gán cụm từ “football” cho một môn thể thao khác. Chẳng có gì là không thể với người Mỹ, và nguy cơ về sự căng thẳng giữa hai bên bờ Đại Tây Dương xoay quanh quả bóng tròn có lẽ sẽ còn lên cao.
Mâu thuẫn giữa các quốc gia không chỉ dừng lại ở đó mà còn lan rộng ra cả những nước châu Phi và Mỹ Latinh. Không ngẫu nhiên mà Sepp Blatter trong thời kỳ khủng hoảng nhất vẫn nhận được số phiếu bầu lên tới 133, trong khi Hoàng tử Ali dù được sự hậu thuẫn từ châu Âu và châu Á chỉ có được 73 phiếu. Sự tín nhiệm đối với Blatter trong cộng đồng các nước thuộc FIFA vẫn là rất cao, và không có gì đảm bảo rằng Platini hay một ai đó lên thay sẽ không vấp phải những sự phản đối, những đợt “sóng ngầm” ở trong tổ chức này. Ngay cả trong buổi bỏ phiếu cuối tuần vừa rồi, Tây Ban Nha và Nga cũng đã trở mặt để bầu cho Blatter, điều đó đủ để nói lên rằng không phải ai cũng vui khi vị chủ tịch tuyên bố thoái vị vào đêm qua.
Nói tóm lại, phần đông những người hâm mộ vẫn cảm thấy vui mừng vì Sepp Blatter đã từ chức chủ tịch FIFA. Sau 17 năm với quá nhiều những scandal đình đám, đã đến lúc để cơ quan bóng đá lớn nhất thế giới có những bước cải tổ rõ rệt, bắt đầu bằng việc thanh lọc bộ máy. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới việc nội bộ của tổ chức sẽ còn nhiều điều rối ren sắp xảy ra. Mâu thuẫn giữa các LĐBĐ hay các nhóm quốc gia với nhau sẽ là vấn đề không nhỏ mà tân chủ tịch sẽ phải giải quyết trong thời gian ngắn. World Cup 2018 và 2022 đang đứng trước rất nhiều ngờ vực, không chỉ do vụ hối lộ mà còn do những rạt nứt xung quanh tình bang giao giữa các quốc gia nữa.
Xem thêm tin tuc bong da chau Au
Thế Hưng