Lá thăm may rủi đưa Schalke đụng độ Real Madrid tại vòng 1/16 Champions League. Cặp đấu công bằng mà nói thì khá chênh lệch và ít được sự chú ý. Tuy nhiên, khi hai đội gặp nhau, cái tên Raul lại khắc khoải trong niềm nhớ của mỗi người hâm mộ.
Biểu tượng bất diệt tại Bernabeu
Không sở hữu những pha đi bóng như giàu tốc độ và kỹ thuật mà có thể ví như “rẽ nước” giống người ngoài hành tinh Ronaldo.Không dũng mãnh và tì đè tốt bằng Nistelrooy. Không toàn diện giống Shevchenko. Và dĩ nhiên cũng không sở hữu những bước chạy như một chú linh dương giống Henry. Nói cách khác, so với những tiền đạo cùng thời, Raul không hề sở hữu một tố chất đặc biệt nào.Khi Real Madrid đối đầu Schalke 04, cái tên Raul lại khắc khoải trong niềm nhớ của mỗi người hâm mộ
Raul sở hữu kỹ thuật cơ bản nhưng không hẳn đạt đến mức thượng thừa như Zidane. Cái chân trái của Raul thuộc dạng khéo nhưng chẳng thể “dị” như Rivaldo hay đủ sức tung ra những cú đá sấm sét như Roberto Carlos. Tuy nhiên, Raul lại sở hữu một tố chất đặc biệt là “tốc độ suy nghĩ”chớp nhoáng mà không một ai có thể sánh được. Chứng kiến hầu hết những pha lập công của Raul, điều dễ nhận ra là cách làm bàn của “chúa nhẫn” không quá “tốn sức”.
Nhờ nhãn quan nhanh nhạy, Raul luôn dễ dàng phát hiện ra “điểm chết” của hàng thủ đối phương để “lập trình” sẵn cách đưa bóng vào lưới. Những cú lốp bóng đã trở thành thương hiệu hay những pha đặt lòng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho phong thái ghi bàn, lực trái bóng không quá mạnh nhưng quỹ đạo thì luôn rất hiểm hóc và hầu như các thủ môn đều chỉ biết hướng mắt nhìn theo quả bóng một cách bất lực.
Nhờ kỹ năng thiên phú ấy, Raul ghi bàn đều như vắt chanh, xô đổ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác như một “chiếc Ferrari luôn lao về phía trước” để đạt được vị thế không hề kém cạnh những chân sút xuất sắc cùng thời trong lịch sử bóng đá thế giới. Đối với riêng Real Madrid, Raul luôn thể hiện phong thái chuyên nghiệp cả trong lẫn ngoài sân cỏ, đem đến những cống hiến vĩ đại và thể hiện một tình yêu bền bỉ không gì có thể lay chuyển được.
Âu cũng vì lẽ đó, Raul trở thành biểu tượng bất diệt của đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ 20 và thậm chí không ít người đã xem Raul và Real Madrid là một dưới cái tên “Raul Madrid”. Không phải chỉ bây giờ mà trong tương lai xa nữa, sẽ rất nhiều tài năng kiệt xuất khoác lên mình chiếc áo số 7 của “đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha”. Tuy nhiên trên thánh địa Bernabeu, bóng dáng người đội trưởng mảnh khảnh vàcó cách ăn mừng bàn thắng bằng nụ hôn lên chiếc nhẫn cưới đầy lãng mạn sẽ chẳng bao giờ bị xóa nhòa.
Vì sao chổi quét ngang qua bầu trời Veltins-Arena
Tại Bernabeu hay Veltins-Arena, Raul đều là tượng đài vĩnh cửu, có chăng chỉ khác về quãng thời gian cống hiến. Raul cống hiến bền bỉ suốt 16 năm trong màu áo trắng nên người Madrid tôn vinh anh như một huyền thoại cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên chỉ với 2 năm khoác áo Schalke 04, vị thế của Raul trong lòng người hâm mộ không hề kém cạnh tại Real Madrid lại càng chứng tỏ tài năng xuất chúng của anh.
Như một vì sao chổi quét ngang qua bầu trời Veltins-Arena với vệt sáng chói lòa, hiện tượng kỳ vĩ hiếm hoi xảy ra đối với Die Königsblauen và chắc chắn không ai có thể quên. Chỉ hai mùa giải khoác áo Schalke 04, nhưng Raul đã đưa đội bóng này đến quãng thời gian rực rỡ nhất trong lịch sử khi lập hết kỳ tích này đến kỳ tích khác khi liên tiếp lọt vào bán kết hai cúp châu Âu (Champions League 2010-11 và Europa League 2011-12).
Để lập được những kỳ tích như vậy, Raul và các đồng đội tại Schalke 04 đã bỏ lại sau lưng không biết bao nhiêu đối thủ sừng sỏ mà đáng nhớ nhất chính là Inter Milan, đội bóng đứng ở vị thế nhà vô địch châu Âu ở mùa giải 2010-11. Tại đấu trường quốc nội, tuy không thể lật đổ được Bayern Munich hay Dortmund tại Bundesliga nhưng trên đường đoạt hai danh hiệu cúp QG Đức 2010-11 và siêu cúp Đức 2011 thì cả hai đội bóng này đều thất bại dưới tay Raul và toàn đội.
Tại cúp QG Đức, Raul chính là người kết liễu giấc mơ cứu vãn mùa giải trắng tay của “hùm xám xứ Bavaria” khi ghi bàn thắng duy nhất đem về chiến thắng cho Schalke 04 ở trận bán kết. Đến trận chung kết, Schalke 04 đăng quang sau khi hủy diệt MSV Duisburg với tỉ số 5-0. Sau khi vô địch cúp QG Đức, Schalke 04 chạm trán kình địch láng giềng Dortmund trong trận tranh siêu cúp Đức và giành chiến thắng sau loạt đá luân lưu cân não.
Nhắc tên Raul trong niềm nhớ
Sau khi trận đấu giữa Schalke và Inter kết thúc, các CĐV đều dồn về góc phía nam khán đài sân Veltins Arena để cùng nhau tri ân Raul Gonzalez, nhân vật chính làm nên chiến thắng địa chấn của Die Königsblauen trước các nhà vô địch châu Âu. Mọi người đều đứng dậy, nhún nhảy vỗ tay theo nhịp đồng thời hô vang như sấm: “Hãy cùng đến đây, cúi mình, Thượng đế sẽ nhắc mãi tên Raul”. Chỉ cần như thế thôi chúng ta cũng hiểu, huyền thoại của thành Madrid đã trở thành bất tử tại Gelsenkirchen.
Khi Raul chia tay Schalke, đội bóng này đã quyết định treo chiếc áo đấu số 7 nhằm tri ân những cống hiến vĩ đại của “chúa nhẫn” dẫu cho anh chỉ khoác chiếc áo xanh vỏn vẹn 2 năm. Hai hành động ấy thực sự hiếm thấy trong lịch sử bóng đá thế giới và càng chứng tỏ sự vĩ đại của Raul Gonzalez. Tuy nhiên, Schalke 04 có thể có những hành động tôn vinh “chúa nhẫn” chứ chẳng thể bù đắp khoảng trống mênh mông mà anh để lại.
Từ ngày Raul ra đi, hình ảnh một Schalke tung hoành trên khắp mọi đấu trường tại châu Âu hoàn toàn biến mất. Thiếu đi người thủ lĩnh tài năng và kinh nghiệm như “chúa nhẫn”, Die Königsblauen suy yếu đi trông thấy còn không khí ảm đạm tràn ngập mọi ngóc ngách trên khán đài Veltins-Arena. Không biết bao giờ Schalke mới có thể tái hiện hình ảnh huy hoàng như 2 năm về trước nhưng bây giờ ắt hẳn ai ai cũng khắc khoải một nỗi nhớ về Raul.
Không hẳn “bi đát” như Schalke, tiềm lực tài chính mạnh mẽ giúp Real Madrid vẫn duy trì được vị thế của một ông lớn tại châu Âu. Tuy vậy, khi mà Casillas bị đày ải trên băng ghế dự bị, những Morata hay Jese vẫn chỉ ở dạng tiềm năng thì những madridistas không khỏi chạnh lòng. Đội bóng yêu quý của họ đang thiếu đi một thủ lĩnh thực sự thuần chất Real Madrid, hay nói cách khác là một biểu tượng “thuần khiết” của người Madrid.
Bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt dưới thời Florentino Perez nắm quyền, Real Madrid luôn bị dè bỉu là đội bóng chỉ biết dùng tiền để “chinh phục” danh hiệu. Tuy nhiên, trong thời kỳ thứ nhất Perez làm chủ tịch, tuy Real Madrid đã chi ra cả núi tiền để chiêu mộ Zidane, Ronaldo, Beckham hay Figo nhưng những madridistas luôn tự hào khi đội bóng luôn có một biểu tượng đẹp đẽ như Raul Gonzalez.
Trong khi đó vào thời điểm hiện tại, Perez lại càng chi tiền “điên cuồng” hơn nữa để chiêu mộ siêu sao, điển hình là hai thương vụ C.Ronaldo và G.Bale, song Real Madrid chẳng có lấy một thủ lĩnh thực sự chứ đừng nói đến cầu thủ mang tính biểu tượng. Nhìn vào bảng thành tích cũng như cống hiến cho đội bóng, Casillas là cái tên duy nhất xứng đáng tiếp bước Raul trở thành thủ lĩnh của Real Madrid. Tuy nhiên Casillas lại chưa bao giờ đạt được tầm ảnh hưởng như Raul và hình ảnh của anh ngày càng bị xấu đi khi hơn một năm qua thường xuyên ngồi ghế dự bị.
Barcelona, đại kình địch Real Madrid bước vào chu kỳ thành công nhất trong lịch sử với 2 chức vô địch Champions League mang dấu ấn đậm nét của lò đào tạo La Masia. Bayern Munich làm nên cú ăn ba lịch sử với hai thủ lĩnh không thể tranh cãi là Philipp Lahm và Bastian Schweinsteiger. Nhìn sang hai đội bóng có thể xem là thành công nhất trong 5 năm trở lại đây của bóng đá thế giới ấy, dù lạc quan đến mấy chắc hẳn người Madrid không khỏi chạnh lòng nhớ Raul.
Theo Dân Trí