Thứ Ba, 23/04/2024Mới nhất
Zalo

Premier League rất hay, nhưng La Liga mới thực sự bền vững

Thứ Sáu 29/11/2013 10:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Những tranh cãi lại nổ ra xung quanh việc liệu La Liga có phải là giải đấu hấp dẫn hơn Premier Leauge không? Cây bút Graham Hunter của trang ESPN sẽ đưa ra một góc nhìn riêng về vấn đề này.

Cuối tuần trước, bốn đội bóng dẫn đầu La Liga vừa giành chiến thắng với tổng tỷ số là 19-0. Điều này làm dấy lên những lời bình phẩm tiêu cực, những chỉ trích về sự thống trị của những ông lớn như Barcelona, Real Madrid hay Atletico Madrid, hay những câu nói đại loại như "Tôi đã nghĩ về điều đó nên giờ là lúc để cho cả thế giới được biết".

Sẽ có một ai đó đưa ra những lý do sau cho sự xuống cấp của La Liga: La Liga không đủ sức hấp dẫn để thu hút khán giả, giá vé tăng cao khi các ông lớn di chuyển đến những vùng đất xa xôi, tình hình nợ xấu của các CLB Tây Ban Nha là đáng báo động. Những điều ấy không sai chút nào. Một người khác lại nói rằng Valencia và Sevilla, những đối thủ cạnh tranh truyền thống, đang trải qua thời kỳ khó khăn khi phải bán đi những tài năng sáng giá. Lời bình này cũng đúng.

Nhưng thật là thiển cận nếu vì những lý do như thế mà kết tội La Liga kém hấp dẫn so với Premier League. Sẽ hoàn toàn phiến diện để nói La Liga là giải đấu thiếu tính cạnh tranh, theo sau đó là so sánh rằng Premier League hấp dẫn hơn nhiều. Hãy tạm rời xa những trận đấu và chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng tình hình của La Liga.

Sức hút của Messi và Ronaldo rõ ràng khó có thể cưỡng lại được.
Sức hút của Messi và Ronaldo rõ ràng khó có thể cưỡng lại được.


Về tính cạnh tranh, trong một thời gian ngắn, sau thời mà Villareal và Sevilla nổi lên như ứng cử viên tranh chấp ngôi vô địch cho đến những vòng đấu cuối cùng, thì đúng là cuộc đua đến chức vô địch không còn chỗ cho cái tên nào khác ngoài Real Madrid và Barcelona.

Bây giờ, Atletico Madrid cần phải chứng minh rằng họ đủ sức tái lập thành tích giành chức vô địch năm 1996 hoặc là sẽ tụt lại phía sau. Với 5 danh hiệu trong 3 năm qua, 2 chiến thắng liên tiếp trước kình địch cùng thành phố Real Madrid, 2 trận hòa trước Barcelona ở trận tranh Siêu cúp Tây Ban Nha, đoàn quân của Diego Simeone là một ứng cử viên thật sự ở mùa này.

La Liga mùa 2013-14 là cuộc đua tam mã giữa Barcelona, Real Madrid và Atletico Madrid, những ứng viên với đội hình đủ sức thống trị vòng bảng Champions League. Thế nên, việc nói rằng giải đấu này "không có tính cạnh tranh" là điều không hợp lý chút nào.

Những gì tôi không nhìn thấy được là bằng cách nào mà rất nhiều người, từ cổ động viên, các nhà phân tích, các cây bút hay các bình luận viên, bất kì ai, đều dễ dàng ngộ nhận về vấn đề đến thế. Premier League là giải đấu mạnh và giàu tính cạnh tranh, có phải là vì những chiến thắng của Sunderland trước Man City, Cardiff thủ hòa Man United hay Newcastle đánh bại Chelsea? Tất nhiên tôi cần phải dành những lời chúc mừng cho họ.

Nhưng liệu Premier League có thật sự mạnh hay không? Có phải một giải đấu mạnh cần những đội bóng lớn, được hỗ trợ bằng những đồng Rúp vô đáy (Chelsea) hay một thực thể cấu trúc tài chính phức tạp với mục đích biến thành cỗ máy kiếm tiền toàn cầu (Man United), bị cầm chân hay đánh bại trước những đội bóng yếu hơn bất kỳ lúc nào? Đó phải chăng là chỉ dấu về sức khỏe của một nền bóng đá?

Giá như Newcastle, Cardiff hay Sunderland mạnh lên vì họ sở hữu những cầu thủ trẻ xuất sắc cho ĐT Anh (hay tuyến trẻ), và những con người ấy giúp họ đánh bại các ông lớn ở Premier League, thì đúng là sức khỏe Premier League rất tốt.

Đáng buồn thay, thực tế không diễn ra như vậy. Premier League lại đang hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi Tây Ban Nha, với một hệ thống bóng đá trở nên phức tạp, lại không thoát khỏi nỗi lo đó. Các đội bóng chiếu dưới ở Anh gây bất ngờ trước những đại gia bởi họ hoặc nắm trong tay một HLV có năng lực, hoặc họ được thoải mái mua sắm và trả lương cao ngất ngưởng nhờ hai yếu tố, một là khoản lợi nhuận từ bản quyền truyền hình, hai là chiến lượng marketing thành công của Premier League.

Đây không phải là thứ đáng để nói về sức khỏe ở bất kì nền bóng đá nào. Không thể phủ nhận Premier League vẫn sản sinh ra những trận đấu hấp dẫn, như trận derby vùng Merseyside giữa Liverpool và Everton cuối tuần trước. Trận đấu này có đầy đủ mọi thứ, từ bàn thắng, tính cách hai đội bóng, đến sự ngạc nhiên và hồi hộp. Nhưng tại sao chỉ một trận đấu như thế lại khiến nhiều người mờ mắt trước câu hỏi liệu đây có phải là giải đấu tốt hay không, được hưởng lợi những gì từ Tây Ban Nha?

Hãy nhìn sang La Liga, Real Madrid đã chơi với 9 cầu thủ người Tây Ban Nha trong trận đấu vào thứ Bảy vừa rồi. Có bao giờ một đội bóng lớn ở Premier League làm được điều tương tự như thế? May ra bạn chỉ thấy một người trong số đó. Real Madrid vẫn cứ giành thắng lợi trước Almeria với những cầu thủ "cây nhà lá vườn", một người 20 tuổi (Jese Rodriguez), hai người 21 tuổi (Alvaro Morata, Daniel Carvajal). Ngôi sao trong trận đấu ấy là một người 21 tuổi khác, Isco.

Tương tự, Barcelona đủ sức đè bẹp Granada, dù thiếu rất nhiều những trụ cột trong đội hình. Lấp vào chỗ trống đó, Barcelona tung ra 4 cầu thủ sinh ra và trưởng thành ở xứ Catalan, tất cả đều là sản phẩm của lò đào tạo La Masia và còn rất trẻ (chưa ai quá 22 tuổi), gồm Marc Bartra, Sergi Roberto, Martin Montoya và Adama Traore. Cái tên cuối cùng trong số này thậm chỉ mới 17 tuổi. Traore trở thành cầu thủ trẻ thứ 8 trong danh sách những cầu thủ trẻ nhất ra sân trong màu áo Barcelona.

Đội xếp thứ 5 ở La Liga, Athletic Bilbao, vừa ngốn một khoản ngân sách không nhỏ để xây sân vận động mới với sức chứa 53.000 người. Thế mà họ vẫn ra sân với một đội hình toàn người xứ Basque, vẫn chơi tốt dù đã chia tay hai trụ cột là Javi Martinez và Fernando Llorente trong vòng 17 tháng.

Villareal, đội bóng từng là hiện tượng ở Châu Âu trong quá khứ, đã quay trở lại La Liga sau một mùa phải xuống chơi ở hạng hai. Sau khi hoàn tất việc trả nợ, đội chủ sân El Madrigal đang chơi một thứ bóng đá hấp dẫn chẳng kém gì Real Madrid hay Atletico Madrid. Nếu bạn muốn xem họ đá với Malaga vào cuối tuần, bạn chỉ cần trả 20 euro (17 bảng), một cái giá quá tốt.

Chủ tịch của Villareal, Fernando Roig, nói rằng "Chúng tôi giữ cổ động viên trung thành bằng sự quan tâm, năng lực và những màn trình diễn chất lượng. Chúng tôi tin vào triết lý sản phẩm tốt, giá tốt. Việc duy trì sân bóng chật kín khán giả là ưu tiên hàng đầu".

Hãy nhìn thêm một vài đội bóng khác. Osasuna trao cơ hội đá chính lần đầu tiên cho một cầu thủ 16 tuổi có tên Juan Manuel Garcia. Lý do là các HLV ở lò đào tạo tại Pamplona nhận xét chàng trai này mang những nét tương đồng với Sergio Aguero. Ở Atletico Madrid, Olivier Torres vẫn nằm trong danh sách 11 người ra sân giữa dàn sao khủng gồm David Villa, Diego Costa hay Adrian. Sức khỏe của một nền bóng đá là đây.

Mà nền kinh tế Tây Ban Nha rõ ràng tệ hơn Anh hay Đức rất nhiều, và nó tác động đến dòng chảy của bóng đá. Các đội bóng từ Premier League hay Bundesliga dễ dàng đi săn những tài năng với mức giá mong muốn. La Liga đương nhiên cảm nhận được tác động đó. Nhưng hãy nhìn thành tích này: ĐT U21 Tây Ban Nha vừa hoàn tất chuỗi 32 trận bất bại trong hành trình dự vòng chung kết giải U21 Châu Âu ở Pháp năm 2011, và họ từng vô địch giải đấu này 2 lần trước.

Sự phấn khích của La Liga nằm ở đâu? Cuối tuần qua các khán giả vừa được chứng kiến hai siêu phẩm kiểu "xe đạp chổng ngược" từ Diego Costa của Atletico Madrid và Uche của Villareal. Chuyến viếng thăm của Celta Vigo đến Real Sociedad thú vị chẳng kém gì trận derby giữa Liverpool và Everton. Đó còn là việc La Liga không thiếu những bàn thắng. 39 bàn thắng được ghi chỉ trong 9 trận ở La Liga, hơn hẳn 30 bàn của Premier League và Bundesliga, 22 bàn của Ligue 1 hay 18 bàn của Serie A.

Khi BT Sport, một đơn vị truyền hình ở Anh, bỏ ra gần 1 tỉ bảng để mua bản quyền phát sóng Champions League ở xứ sương mù, họ không chỉ muốn phục vụ những trận đấu ở Châu Âu của các ông lớn Premier League. Chiến lược marketing của họ và khả năng đẩy giá lên ngất trời của UEFA còn hướng tới cơ hội chứng kiến Real Madrid hay Barcelona đều đặn hơn. 13 năm trước, Real Madrid từng sử dụng thuật ngữ "tạo ra thị trường" cho dự án Dải ngân hà các ngôi sao của mình. Họ đã chiếm được thị phần ở Châu Á và Bắc Mỹ, và giờ hướng đến Bắc Âu.

Tất cả những khán giả trên thế giới đều muốn chứng kiến Barcelona và Real Madrid thi đấu, dù họ có là cổ động viên trung thành của hai đội bóng này, hay muốn thấy điều gì đó bất ngờ. Điều này cũng đúng ở nước Anh, khi việc xem hai đội bóng này thi đấu là cơ hội để chứng kiến những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi.

Nếu những người không yêu mến La Liga muốn lựa chọn xem Premier League, Bundesliga hay Serie A, điều này không có gì phải bận tâm cả. Nhưng có hai điểm cần lưu ý sau. Thứ nhất, không ít người từng than thở rằng nước Anh đã thất bại trong việc sản sinh ra những cầu thủ trẻ tài năng, thứ bóng đá thông minh và khôn ngoan dành cho họ. Thế mà họ lên tiếng dè bỉu chê bai La Liga, trong khi phớt lờ thực tế rằng giải đấu này làm được nhiều điều hơn Premier League. Thứ hai, ý tưởng về khái niệm bóng đá tốt hơn phải nhắc đến việc chơi bóng với nhịp độ nhanh, theo phong cách nghệ thuật và tốc độ chóng mặt đến mức lấn át cả kỹ thuật và sự khôn khéo.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X