Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

Premier League nhỏ bé: Khi nhưng Ông hoàng sa cơ

Thứ Bảy 23/03/2013 20:40(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

“Little Premier”. Đó là dòng tít của Enrico Franceschini, đặc phái viên tại London nhật báo Italia La Repubblica khi bình luận về sự thất bại đồng loạt của các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh ở vòng 1/8 Champions League mùa này. Lần đầu tiên sau 17 năm, không còn một đội Anh nào ở vòng tứ kết Champions League. Một cuộc khủng hoảng đang hiện ra, giữa những khoản nợ, lời từ chối của Pep Guardiola, và thành tích tồi tệ.

Beckham, 38 tuổi, người mới được PSG tuyển mộ trong kỳ chuyển nhượng mùa đông này, sẽ là đại diện duy nhất cho bóng đá Anh ở tứ kết Champions League, sau khi đội bóng của thủ đô nước Pháp vượt qua Valencia ở vòng 1/8. Điều đau đớn là trong khi tất cả các câu lạc bộ Anh đã bị loại ở vòng này, khiến Premier League lần đầu tiên vắng bóng ở tứ kết kể từ năm 1996, thì chính ở London, trên sân Wembley, vào cuối tháng 5, sẽ diễn ra trận chung kết của Champions League. Điều gì đã xảy ra?

M.U từng có hai chức vô địch Champions League, nhưng mùa này bị loại tức tưởi dưới tay Real Madrid và trọng tài người Thổ Nhĩ Kỳ Cuneyt Cakir
M.U từng có hai chức vô địch Champions League, nhưng mùa này bị loại tức tưởi dưới tay Real Madrid và trọng tài người Thổ Nhĩ Kỳ Cuneyt Cakir

Báo chí, truyền hình, các diễn đàn cổ động viên ở Anh đều nhìn nhận cuộc khủng hoảng thành tích này với sự lo lắng. Bốn đội bóng hàng đầu của Premier League bị loại lần lượt từng đội một trên con đường vào đến tứ kết. Chelsea bị đánh bật ngay từ vòng bảng, thế là đương kim vô địch và ứng cử viên lớn của mùa giải đầu tiên văng ra ngoài từ vòng này. Manchester City, đội bóng giàu có bậc nhất và vô cùng tham vọng, rút cuộc đứng cuối ở vòng bảng. Manchester United, nhà vô địch nước Anh, vô địch Champions League 1999, 2008, vào chung kết các năm 2009, 2011, đã thua Real Madrid trong một trận đấu đầy tranh cãi về một quyết định của trọng tài. Arsenal thì bị loại trong một mùa bóng mà họ đạt thành tích tệ nhất trong những năm tháng được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Arsene Wenger.

Giờ là lúc người ta hoài niệm thời hoàng kim của họ. Mùa xuân 2008, 3 trong số 4 đội vào đến bán kết Champions League mùa ấy đến từ Premier League và 2 trong số họ đã vào chung kết, để rồi trong cơn mưa Moskva, M.U đã đăng quang.

Nhưng có phải ngẫu nhiên, khi hai tháng đẹp nhất của mùa bóng ở Champions League 2013 lại thiếu vắng những người Anh? Ngay cả người Anh cũng đặt ra những câu hỏi tương tự như thế. Tờ Times viết, chẳng lẽ, màn tháo chạy đồng loạt của các câu lạc bộ Anh ở Champions League lại chính là tấm gương phản chiếu của một Premier League đang đẹp đẽ đến thế? Trên thực tế, những dấu hiệu tiêu cực đã xuất hiện từ trước. Pep Guardiola, được những ông chủ của cả Man City lẫn Chelsea chèo kéo, cuối cùng đã chọn Bayern Munich và kí hợp đồng với đội bóng Đức trong vòng 3 năm. Có lẽ cựu huấn luyện viên Barcelona làm thế không phải để tránh mặt Jose Mourinho, người luôn nhắc đi nhắc lại là ông muốn quay trở lại huấn luyện ở Anh (nhưng có thể, vào mùa tới, ông sẽ đến PSG). Sự thật, theo cựu danh thủ Ruud Gullit, hiện đang làm bình luận viên cho một kênh truyền hình Anh, là bóng đá đẹp nhất hiện đang được đá ở Đức, nơi người ta đang triển khai một thứ bóng đá quyến rũ và cạnh tranh, trên những sân vận động đẹp bậc nhất thế giới.

Một bằng chứng nữa cho thấy, Premier League không như ngày xưa nữa là những gì đang xảy ra với Wayne Rooney. Dù M.U có bán anh đi, hay anh sẽ ở lại vào cuối mùa giải, thì cầu thủ xuất sắc nhất thuộc thế hệ hiện đại của bóng đá Anh trong thập niên vừa qua đã phải ngồi trên ghế dự bị trong hầu hết thời gian của trận đấu với Real Madrid (chỉ ra sân khi trận đấu chỉ còn 15 phút). Nhật báo Guardian than thở: “Thật buồn phải nói rằng, Wayne đã không trở thành một dạng cầu thủ mà chúng ta kỳ vọng”, rằng Wayne là một nhà vô địch, nhưng không phải một tiền đạo quá xuất chúng, không phải người có thể ghi những bàn thắng quyết định các trận đấu lớn. Thời đi xuống của anh ở tuổi 27, đúng bằng tuổi Beckham khi Becks bắt đầu đánh mất ánh sáng chói lọi của mình, đã làm giải Ngoại hạng Anh vì thế bớt đi chút lung linh. Đấy là một giải bóng đá mà 70% cầu thủ chơi trên sân là người nước ngoài.

Một điều chắc chắn, là bây giờ, ngay cả báo chí Anh cũng gọi PSG là “Chelsea mới”, bởi hiện tại, những ông chủ Qatar của đội bóng Paris đang tiêu tiền hệt như Abramovich đã tiêu thời gian đầu về làm chủ Chelsea cách đây 9 năm. Ông chủ người Nga của Chelsea không hề nghèo đi trong cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới. Những ông chủ người Qatar và vài nhà tài phiệt đang làm chủ các câu lạc bộ ở Premier League cũng thế. Nhưng chính ông chủ các đội bóng Anh bị buộc phải chi tiêu ít đi sau khi luật công bằng tài chính của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) có hiệu lực. Dù thế nào đi nữa, thì Premier League vẫn là giải bóng đá giàu có nhất thế giới. Mức lương trung bình của các cầu thủ xấp xỉ một triệu bảng/năm. Nhưng liệu đấy có còn là giải vô địch quốc gia đẹp nhất?

“Những sai lầm của các trọng tài đã khiến chúng tôi ba lần bị loại khỏi Champions League, vào các năm 2003, 2010 và năm nay, những năm mà chúng tôi đủ mạnh để giành cúp”, Sir Alex Ferguson đã phàn nàn như thế. Ông bảo, việc trọng tài đuổi Nani khỏi sân trong trận M.U thua Real Madrid đã khiến ông “gần như mất hết niềm tin vào bóng đá”. Ngay cả Roy Keane, cựu cầu thủ của ông, cũng khẳng định là ông đã nói quá lời. Cựu đội trưởng của M.U nói rằng, Sir Alex nói thế để đánh lạc hướng dư luận, không muốn họ chĩa mũi dùi vào việc ông đã quá chậm chạp trong việc thay đổi chiến thuật sau khi Nani bị đuổi và sau đó, bị Ronaldo chọc thủng lưới trong một tình huống rất đơn giản.

M.U đổ lỗi thất bại của họ cho trọng tài. Thêm một bằng chứng nữa cho thấy đang có rất nhiều điều không ổn trong bóng đá Anh. Thực ra, trong khoản đổ lỗi này, người Ý cũng chẳng khác gì…”.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X