Nỗi oan của Mesut Ozil: Định kiến về thái độ
Chủ Nhật 29/07/2018 19:21(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Chính những định kiến về "thái độ thi đấu" là nguyên nhân khiến nhiều cầu thủ bị đánh giá thấp hơn thực tế, nỗi oan của Mesut Ozil một phần cũng bắt đầu từ đó.
Từ nỗi oan của Jan Oblak
Trong trận chung kết Champions League năm 2016, Jan Oblak bị chỉ trích rất nhiều vì màn bắt luân lưu "thảm họa". Thủ thành này không bay theo hai hướng để cản phá mà đứng giữa bắt bài đối thủ rồi không kịp phản xạ khi cầu thủ Real Madrid sút vào hai góc.
|
Jan Oblak từng bị chỉ trích vì loạt bắt luân lưu thảm họa. |
Liệu hành động của Jan Oblak có đáng bị lên án?
Trên thực tế từ thống kê của Guardian, Oblak có lý do để đứng giữa cầu môn. Theo thống kê từ 286 quả phạt đền, số lần các thủ môn đổ người sang bên trái là 49.3%, phải là 44.4% và đứng giữa chỉ là 6.3%. Cũng chính thói quen đổ người của các thủ môn là nguyên nhân ra đời của các sút phạt đền kiểu panenka độc đáo.
Nhiều thủ môn thừa nhận rằng khi không biết đối thủ đá vào hướng nào, họ thường sẵn sàng bay người theo một hướng định sẵn để chờ cơ may. Chỉ có số ít thủ môn đủ tỉnh táo đứng giữa để chờ bắt bài đối thủ nhưng khi "không làm gì", họ thường gặp áp lực lớn hơn nhiều so với việc đổ người chờ vận may.
Cũng theo thống kê của Guardian, số lần các cầu thủ sút vào khoảng chính giữa khung thành trên chấm 11 mét chiếm đến 39.2%, bên trái là 32.1% còn bên phải là 28.7%. Nghĩa là nếu làm đúng theo lý trí, các thủ môn đứng giữa khung thành luôn có cơ hội cản phá phạt đền thành công cao hơn.
|
Các thủ môn thường chọn đổ người sang hai hướng thay vì đứng giữa khung thành để bắt bài các cú sút. |
Một nhóm các nhà tâm lý học Hà Lan đã nhận ra kết quả tương tự trong một thí nghiệm. Kết quả chỉ ra rằng thông thường, con người khi đối mặt với nhiều kết quả tiêu cực sau khi thực hiện một nhiệm vụ, họ thường làm điều gì đó hơn là không làm gì. Đơn giản đó là phản xạ tâm lý khi họ muốn tránh cảm giác hối hận khi thất bại vì không cố gắng.
Đó là lý do các thủ môn thường bay người thay vì đứng yên bắt bài đối thủ, dù rằng tỉ lệ sút vào khu vực giữa khung thành cũng rất cao. Và Jan Oblak trong trận chung kết năm 2016 có lý do để đứng yên giữa khung thành nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó.
Đến nỗi oan của Mesut Ozil
Sau thất bại ở World Cup 2018, Mesut Ozil bị đem ra là vật tế thần để đổ trách nhiệm. Một phần nguyên nhân xuất phát từ chính trị nhưng một phần khác đến từ định kiến, nhiều người hâm mộ Đức cho rằng sự lười biếng của Mesut Ozil là nguyên nhân khiến Mannschaft không thể công phá khung thành Hàn Quốc trong trận đấu cuối cùng.
|
Nỗi oan của Mesut Ozil khi bị chỉ trích là nguyên nhân thất bại của ĐT Đức. |
Trên thực tế, Mesut Ozil là cầu thủ chơi hay bậc nhất của ĐT Đức hôm đó với 7 đường chuyền quyết định. Chỉ tiếc là các đồng đội của anh không tận dụng được để rồi phải nhận thất bại cay đắng. Nhưng đa phần người hâm mộ không hiểu về những con số khô khan, đơn giản với họ thứ bóng đá đem lại là cảm xúc và tin vào những gì con mắt thấy, cùng những định kiến trước đó.
Mesut Ozil có lẽ không phù hợp với văn hóa bóng đá Anh. Ở Premier League, người ta chuộng những cầu thủ chạy ầm ầm, lăn xả chiến đấu như thể sẵn sàng chết trên sân. Còn Ozil là mẫu cầu thủ chơi có phần hơi nghệ sĩ, nhẩn nha tìm ra lỗ hổng của hàng phòng ngự đối phương để tung ra những đường chuyền chết người.
|
Mesut Ozil bị định kiến là kẻ lười biếng khi ở Arsenal. |
Cũng chính cách chơi nhẩn nha ấy khiến người hâm mộ Arsenal nóng mắt, họ thích một Alexis Sanchez chạy hùng hục hơn là Ozil lười tranh chấp. Thế là từ "lười biếng" lan truyền từ cổ động viên Arsenal lan ra toàn thế giới, tạo nên định kiến với cả người Đức.
Trước khi đến Anh, Mesut Ozil chưa bao giờ bị gắn với hai chữ "lười biếng". Nếu ở La Liga, Bundesliga hay Serie A, có lẽ Mesut Ozil chẳng bao giờ mang tiếng đến thế. Nhưng tiếc là anh chọn thử thách ở Premier League để rồi rước về cho bản thân những định kiến.
Xem thêm những bài viết khác trên Bongda24h.vn về Mesut Ozil:
Như Đạt (TTVN)