Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

Những thế hệ thay đổi lịch sử bóng đá thế giới

Thứ Sáu 22/02/2013 06:58(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Barcelona và AC Milan là những gã khổng lồ của bóng đá thế giới, những đội bóng hiếm hoi đã từng sở hữu những thế hệ đã thống trị bóng đá châu Âu và tạo nên những bước ngoặt lịch sử của bóng đá.

Khi nói đến AC Milan của Arrigo Sacchi và Barcelona của Pep Guardiola tức là chúng ta đang đề cập đến hai thế hệ đã từng làm nên những bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử bóng đá thế giới. Một người đưa Rossoneri thống trị bóng đá châu Âu những năm cuối thập niên 80 và đầu 90 của thế kỷ trước còn một người giúp Los Blaugrana thiết lập một đế chế thực sự tại lục địa già trong những năm gần đây.

Sacchi và Pep Guardiola từng dẫn dắt những tập thể xuất sắc bậc nhất của bóng đá thế giới
Sacchi và Pep Guardiola từng dẫn dắt những tập thể xuất sắc bậc nhất của bóng đá thế giới

Nói về Arrigo Sacchi vĩ đại, ông chính là một trong những người tiên phong tạo nên một cuộc cách mạng trong lối chơi mà cho đến tận bây giờ lối dụng binh của ông vẫn còn được các hậu bối học hỏi và áp dụng. Thí dụ điển hình nhất chính là việc Sacchi loại bỏ lối chơi catenacio vốn dĩ đã ăn sâu vào từng nếp suy nghĩ của những người Italia, những mạch máu của những con người chơi bóng tại Calcio. Một cuộc cách mạng vĩ đại thực sự.

Không catenacio, Milan của Sacchi áp dụng lối chơi pressing toàn sân và phòng ngự khu vực hoàn toàn mới lạ mà hạt nhân là trung vệ huyền thoại Franco Baresi. Nhắc tới AC Milan những năm cuối thập niên 80 và đầu 90, chắc rằng nhiều người sẽ nhớ ngay đến “bộ ba Hà Lan bay” Ruud Gullit, Frank Rijkaard và Marco van Basten mà quên mất rằng Milan thành công tột bậc như vậy là nhờ một thế hệ “cây nhà lá vườn” tương tự như Barca hiện tại với 8 người Italia trong đội hình.

Đặc biệt, điểm nhấn của AC Milan chính là hàng phòng ngự vững chãi với bốn huyền thoại vĩ đại Tassotti-Costacurta-Baresi-Maldini, một trong những bộ tứ vệ được đánh giá là xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Ngoài cuộc cách mạng trong hệ thống phòng ngự, Sacchi cũng chính là người đưa tư duy chiến thuật và kỹ năng di chuyển không bóng lên một tầm cao mới, những yếu tố mà Barcelona của Pep Guardiola chính là cái tên kế thừa và phát triển lên tầm thượng thừa.

Nói về Pep Guardiola, ông không phải là người phát minh ra lối chơi tiki-taka đang làm quay cuồng bóng đá thế giới nhưng nhắc đến vị chiến lược gia tuổi trẻ tài cao này không ai là không liên tưởng đến tiki-taka. Lý do thì rất đơn giản, Guardiola chính là người đã đưa tiki-taka đến đỉnh cao, đạt tới mức thượng thừa để lối chơi đặc trưng của người Tây Ban Nha sánh ngang với vị thế của những lối chơi đã đi vào huyền thoại như bóng đá tổng lực, catenacio…

AC Milan của Sacchi áp dụng sơ đồ chiến thuật 4-4-2 nhưng thường xuyên biến tấu sang 4-5-1 trong khi Barcelona của Pep Guardiola (hiện tại là Tito Vilanova) lựa chọn đội hình 4-3-3, mỗi đội bóng có một đặc trưng riêng nhưng cũng có những sự tương đồng đến khó tin. Đầu tiên đó chính là khả năng phong tỏa và gây áp lực lên đối phương trên khắp mặt sân, kỹ năng mà cả AC Milan của Sacchi lẫn Barcelona của Pep Guardiola đặc biệt xuất sắc trong thời đại của họ.

Tuy nhiên so với AC Milan trong quá khứ thì Barcelona gây áp lực lên đối thủ một cách triệt để hơn nhờ khả năng di chuyển linh hoạt của mọi vị trí trên sân. Trong khi đó đội bóng của Sacchi thường chỉ áp dụng lối phong tỏa này trên phần sân nhà bởi vì thời điểm đó chưa hề có luật thủ môn không được bắt bóng khi đồng đội chuyền về như thời điểm hiện tại. Mục đích của việc áp dụng lối chơi này chính là đề phòng bị tấn công khi bất ngờ bị mất bóng.

Điểm tương đồng thứ hai chính là cách bố trí một bộ tứ vệ linh hoạt và tham gia phòng ngự từ rất xa khung thành. Về khía cạnh này, AC Milan của Sacchi thậm chí còn rõ rệt hơn cả Barcelona với một thủ lĩnh Franco Baresi luôn thi đấu như một libero thực thụ. Tuy Baresi rất ít tham gia tấn công nhưng ông thường xuyên nhô cao để thực hiện nhiệm vụ thu hồi bóng và “dọn dẹp” ngay ở vòng tròn giữa sân.

Thứ ba, cả Barca của Pep lẫn Milan của Sacchi đều giữ một cự ly đội hình nhỏ, đặc biệt là tuyến tiền vệ và tiền đạo. Mục đích của việc giữ khoảng cách ngắn giữa các cầu thủ này đều chung mục đích là tạo ra nhiều khó khăn hơn cho đối phương mỗi khi thực hiện những pha phối hợp tấn công. Đội hình của AC Milan thì chơi bóng như thể được lập trình trước, mỗi vị trí lĩnh một nhiệm vụ nhất định, chỉ có trung phong Van Basten được tự do di chuyền tìm khoảng trống.

Trong khi đó Barcelona thì linh hoạt hơn với sự hoán đổi vị trí liên tục của những Messi, Iniesta, Fabregas, Xavi… Hàng công AC Milan không chiến cũng như càn lướt tốt hơn với những cầu thủ có thể hình lý tưởng còn Barcelona thì rất mạnh với những màn đập nhả ở tốc độ cao. Điểm tương đồng cuối cùng, như đã nói ở trên, đó là một dàn cầu thủ “cây nhà lá vườn” kiệt xuất.

Đội hình của AC Milan chỉ có ba cầu thủ ngoại quốc và đều mang quốc tịch Hà Lan, đó là Rijkaard, Gullit và Van Basten tạo nên một hàng tấn công khủng khiếp. Hỗ trợ cho “bộ ba Hà Lan bay” trứ danh này là 8 cầu thủ người Italia phía sau Baresi, Maldini, Donadoni hay Ancelotti...

Đối với Barcelona, đơn giản, thành công của đội bóng xứ Catalonia bắt nguồn từ chính thành công trong công tác đào tạo tài năng trẻ. Lò La Masia liên tục trình làng những cầu thủ kiệt xuất mà tiêu biểu nhất chính là bộ ba Xavi, Iniesta và Messi. Ngoài những cựu học viên La Masia, có rất ít cầu thủ từ các nơi khác để lại dấu ấn trong đội hình chính Barcelona mà ba cái tên nổi bật nhất là Alves, Abidal và David Villa.

(Theo Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X