Cùng với những thương vụ bom tấn, bóng đá thế giới xuất hiện không ít những pha lật kèo trên thị trường chuyển nhượng – những “cú lừa” lịch sử.
Roy Keane và Blackburn Rovers
Sau quãng thời gian chơi bóng ấn tượng tại Nottingham Forest, tiền vệ Roy Keane có cơ hội gia nhập Blackburn Rovers – CLB được huyền thoại Kenny Dalglish dẫn dắt vào thời điểm đó. Cầu thủ này đã đạt thoả thuận miệng với Hoa hồng đen, nhưng rồi bị lời “dụ dỗ” của Sir Alex Ferguson thuyết phục: “Cậu chưa ký hợp đồng chứ gì? Vậy tại sao không tới Manchester và nói chuyện với tôi một lúc nhỉ?”
Dalglish sau đó bực tức: “Chưa từng có bất kỳ ai làm điều này với tôi, với Kenny Dalglish. Cậu sẽ không thoát khỏi điều này đâu, Blackburn sẽ kiện cho cậu trắng tay tới từng đồng bảng”. Nhưng rồi, kết cục Roy Keane vẫn gia nhập Man United và trở thành huyền thoại của SVĐ Old Trafford.
Roy Keane từ chối Blackburn để khoác áo Quỷ đỏ
Robinho và Chelsea
Sau khi bị Real Madrid ruồng bỏ, tiền vệ Robinho quyết định lựa chọn Premier League làm bến đỗ mới, với điểm đến mơ ước Chelsea. Cầu thủ người Brazil thậm chí đã nói với các phóng viên một cách đầy tự hào, rằng anh chuẩn bị khoác áo The Blues đến nơi. Trên thực tế, đội chủ sân Stamford Bridge cũng đã chuẩn bị bày bán những chiếc áo đấu có tên Robinho sau lưng.
Nhưng bất thình lình, Man City vào cuộc với lời đề nghị khủng 32,5 triệu bảng – và Robinho chuyển tới đội bóng của thành Manchester thi đấu, thay vì thủ đô London với sự bối rồi không hề nhẹ từ BLĐ Chelsea.
Robinho chính là bản hợp đồng bom tấn mở ra kỷ nguyên mới cho Man City, dù trước đó anh suýt chuyển sang Chelsea
Yaya Toure và Arsenal
Wenger từng chia sẻ về quá khứ: “Khi đó, Yaya Toure đã thi đấu cho chúng tôi trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới, với vai trò hộ công sau lưng trung phong cắm. Chúng tôi muốn ký hợp đồng với cậu ấy.”
Tuy nhiên, Arsenal lại không thể đảm bảo cho Yaya Toure suất đá chính, bởi màn trình diễn của cầu thủ Bờ Biển Ngà chỉ ở mức trung bình. Và 6 năm sau ngày bị Giáo sư ruồng bỏ, Yaya Toure khi đó là thành viên của Barca, đánh bại chính Arsenal trong trận chung kết Champions League 2005.
Yaya Toure không chuyển tới Arsenal như ông anh Kolo Toure
Sergio Aguero và Chelsea
“Tôi có thể nói gì đây, Chelsea là một CLB tuyệt vời. Họ đã trở thành đội bóng đáng sợ bậc nhất châu Âu trong những năm gần đây. London là một thành phố tuyệt vời để sống. Gia đình tôi rất thích thú để chuyển tới đó” – Sergio Aguero từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn vào mùa hè 2011.
Nhưng rồi, Chelsea không đồng ý với mức lương mà Aguero đòi hỏi – dù trước đó 6 tháng họ chi tới 50 triệu bảng để chiêu mộ một Fernando Torres sa sút thảm hại. Man City nhanh chóng nhận ra điều này và vào cuộc, với lời hỏi mua trị giá 35 triệu bảng. Phần còn lại như tất cả đều biết, chân sút người Argentina trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất Premier League trong thập kỷ 2010-2019.
Sẽ thế nào nếu Sergio Aguero gia nhập Chelsea
Alan Shearer và Man United
Sau khi ghi 21 bàn thắng cho Southampton ở tuổi 22, Shearer trở thành tiền đạo được cả nước Anh chào đón. Anh đã nhận lời hỏi mua của Man United, nhưng phải đợi 3-4 tuần để Quỷ đỏ “gom tiền” trả cho Soton. Cảm thấy không được tôn trọng, Alan Shearer chấp nhận trở thành một phần của Blackburn Rovers, trong cuộc cách mạng của HLV Jack Walker.
Vài năm sau, Shearer một lần nữa có cơ hội gia nhập đội chủ sân Old Trafford, nhưng vẫn “cay cú” khi nhớ lại chuyện xưa và gia nhập Newcastle – đội bóng thời niên thiếu, cũng là CLB đưa anh lên tầm huyền thoại của giải Ngoại hạng.
Alan Shearer không gia nhập Man United và trở thành huyền thoại ở Newcastle
Ronaldinho và Man United
Tiếp tục là một pha vồ hụt trong tiếc nuối của Quỷ đỏ, trong nỗ lực tìm người thay thế David Beckham (đã chuyển sang Real Madrid sau vụ cú giày bay). Mức giá của Ronaldinho khi đó cũng rất hợp lý – chỉ 20 triệu bảng. MU đã hứng khởi và Sir Alex cực kỳ hào hứng với cơ hội sở hữu “nghệ sĩ sân cỏ”. Kết quả, Barca nhảy vào phút chót và nẫng tay trên.
Một phu vụ cực kỳ đáng tiếc của Ferguson, với siêu sao có thể giúp Man United nâng tầm ở đấu trường quốc tế. Dù vậy, người hâm mộ MU cũng không có gì quá thất vọng với người được Sir Alex đem về thay thế sau đó – cầu thủ trẻ mang áo số 7, Cristiano Ronaldo.
Ronaldinho từ chối Man United vào phút chót để chuyển sang Barca
De Gea và Real Madrid
Chính xác là một cú lừa cao tay từ Louis Van Gaal cùng PCT Ed Woodward – người nắm trọng trách chuyển nhượng của Man United. Tay kế toán người Anh đã đồng ý bán De Gea cho Los Blancos, thậm chí chuẩn bị đón Keylor Navas cùng một khoản tiền theo chiều ngược lại. Nhưng chung cuộc, bộ phận chuyển nhượng quốc tế không nhận được hồ sơ của De Gea kịp thời, và không thể hoàn tất bản hợp đồng đúng thời hạn đóng cửa.
Sau này, đây vẫn được gọi với cái tên “sự cố máy fax”, đánh dấu một pha “giỡn mặt” của Ed Woodward tới Chủ tịch cáo già Perez của Real Madrid. MU vui mừng khi giữ chân thành công ngôi sao lớn nhất của mình. Nhưng với bản thân David De Gea, chẳng biết anh cảm thấy thế nào dù bằng lòng ở lại – bởi nếu tới Bernabeu, anh sẽ giành được nhiều danh hiệu hơn.
De Gea không thể tới Real Madrid vì sự cố máy fax
Willian và Tottenham
Mùa hè 2013, Spurs quyết định bạo chi số tiền kỷ lục chuyển nhượng 30 triệu bảng để có được chữ ký Willian. Thương vụ đã gần như được hoàn tất, khi cầu thủ Brazil đã hoàn tất buổi kiểm tra y tế, chỉ đợi ngày ra mắt CLB. Ngay ngày hôm sau, người ta chứng kiến Willian tươi cười bên chiếc áo đấu của… Chelsea, với mức giá tương tự 30 triệu bảng.
Nhớ lại cú hớt tay trên nổi tiếng này, thuyền trưởng Chelsea là Jose Mourinho còn cười nhạo Tottenham: “Thật dại dột khi công khai kiểm tra y tế trước khi ký hợp đồng. Đáng ra nên làm điều đó một cách bí mật”. Đến hiện tại (2019), Willian vẫn khoác áo The Blues, còn Mourinho trở thành HLV của… Tottenham.
Willian kiểm tra y tế ở Tottenham và gia nhập Chelsea
Malcom và Roma
Với mức giá 35 triệu euro, Bordeaux chấp nhận bán ngôi sao đầy tiềm năng Malcom cho AS Roma. Đội bóng Italia đã cử phái đoàn ra tận sân bay để chào đón tân binh của mình, chỉ có điều Malcom… không bao giờ tới. Té ra ngay phút chót, Bordeaux lật kèo và gật đầu với lời hỏi mua của Barca – cao hơn 5 triệu euro (tất nhiên Malcom cũng đồng ý tới đội chủ sân Camp Nou).
Chỉ còn lại Roma đáng thương vẫn chờ đợi bản hợp đồng mới trong vô vọng. Quá cay cú, CLB này chỉ trích Bordeaux và Barca thậm tệ, cũng như tuyên bố chỉ chấp nhận lời xin lỗi của CLB Tây Ban Nha nếu họ… nhượng lại Lionel Messi. Với Malcom, cú lật kèo này của anh là một sai lầm lớn vì không được trọng dụng tại Barca, phải ra đi chỉ sau 1 năm (gia nhập Zenit).
Malcom là cầu thủ của Roma trong vỏn vẹn 1 ngày
Obi Mikel và Man United
Cuối cùng chắc chắn là pha lật kèo táo bạo và kịch tính nhất lịch sử - mang tên John Obi Mikel. Bạn nghĩ rằng một thương vụ chuyển nhượng đã kết thúc trong tốt đẹp khi cầu thủ khoác áo đội bóng mới? Chưa chắc. Tiền vệ người Nigeria thậm chí vượt qua buổi kiểm tra y tế, khoác áo MU và cười tít mắt trong lễ công bố tân binh, trước khi anh ra sân trong màu áo… Chelsea.
Sau này khi nhớ lại vụ chuyển nhượng kinh điển của mình, Obi Mikel tiết lộ như phim hành động: “Tôi vui mừng chuẩn bị thi đấu cho Man United, trước khi Chủ tịch Roman Abramovic đưa tôi tới London và giấu ở một nơi chẳng ai biết. Chelsea đưa ra lời đề nghị với 3 cầu thủ Nigeria khác, và bắt tôi lựa chọn. Nếu tôi tới MU, Chelsea sẽ rút lại hợp đồng với 3 người đồng hương của tôi.”
Thế giới bóng đá khó lòng chứng kiến những pha lật kèo trên thị trường chuyển nhượng nào kinh điển như vụ Obi Mikel
Kết cục, Obi Mikel chấp nhận mang danh hiệu kẻ phản bội vĩ đại và lựa chọn Chelsea, gắn bó với CLB trong 11 năm. Còn về phía MU, họ được xử thắng kiện và nhận 12 triệu bảng tiền bồi thường.