Vậy là, một mùa bóng của giải đấu cấp CLB danh giá nhất hành tinh đã đi qua, để lại vô số cảm xúc cho người hâm mộ. Quả thực, Champions League chưa bao giờ mất đi sự hấp dẫn, kịch tính, căng thẳng, khó lường vốn là những đặc trưng tạo ra nét quyến rũ của giải đấu này mà tin chắc không thua kém gì VCK World Cup hay Euro. Real Madrid đã hoàn tất cú Decima thần thánh sau trận chung kết đáng nhớ trên đất Bồ Đào Nha còn "hiện tượng" Atletico Madrid đã không thể làm nên lịch sử và câu chuyện cổ tích do họ viết ra đã kết thúc trong bi kịch đớn đau đến tận cùng (Atletio chỉ còn cách danh hiệu có vài phút ngắn ngủi). Lời nguyền "không nhà vô địch nào bảo vệ thành công ngôi vị" vẫn hiện hữu, càng minh chứng cho sự cân bằng cao của giải đấu. Song Champions League mùa vừa rồi còn nhiều chi tiết đáng nhớ nữa.
Sự ám ảnh đáng sợ của lời nguyền "không đội nào vô địch 2 mùa liên tiếp"
Thêm một mùa trong kỷ nguyên Champions League, người ta lại phải chứng kiến nhà vua đánh mất ngôi Vương cần phải bảo vệ. Trước mùa giải, chẳng còn nghi ngờ gì ĐKVĐ Bayern được xem là ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu vô địch. Bên cạnh lực lượng đồng đều, hùng mạnh, đều đang đạt đến độ chín nhất trong sự nghiệp thì "Hùm xám" xứ Bavaria còn cụ thể hoá tham vọng viết lại lịch sử giải đấu bằng việc bổ nhiệm Josep Guardiola vĩ đại, nhà cầm quân đã tạo ra triều đại thống trị mang tên Barcelona và hai lần được giương cao chiếc cúp danh giá. Cho đến vòng bán kết, dù gặp đôi chút trục trặc trên con đường chinh phục đỉnh cao thì về cơ bản, Bayern vẫn được đánh giá cao nhất và đủ khả năng giữ danh hiệu ở lại xứ Bavaria thêm một mùa. Thế nhưng, rốt cục, họ đã thua tan tác Real phiên bản Ancelotti ngay trên sân nhà và phải ngậm ngùi rời khỏi cuộc chơi, khiến lời nguyền tồn tại suốt hơn 20 năm kể từ ngày Champions League được khai sinh (1992) lại được nhắc đến như nỗi ám ảnh khôn nguôi cho mọi nhà vô địch đồng thời cũng là thách thức đầy hấp dẫn. Liệu mùa tới, Real có đủ sức phá bỏ nó? Hãy chờ xem.Bayern Munich không thể xoá bỏ lời nguyền
Tuổi tác đôi khi chỉ mang tính chất tham khảo
Ngày nay, trong môi trường bóng đá đỉnh cao, thông thường các cầu thủ trên 35 tuổi đã được xem là hết thời bởi thể lực suy giảm không cho phép họ có thể thoải mái tung hoành trên sân nhưng vẫn tồn tại những ngoại lệ như trường hợp của lão tướng Ryan Giggs. Mùa vừa rồi, huyền thoại người xứ Wales đã bước qua tuổi 40 nên tất yếu phải thường xuyên ngồi trên băng ghế dự bị song mỗi lần được ra sân, Giggs vẫn thể hiện được đẳng cấp, trình độ của mình mà có lẽ ít lão tướng nào sánh được, nhờ vào sự khôn ngoan và bề dày kinh nghiệm trận mạc. Còn nhớ, sau khi Man Utd thất bại 0-2 ở trận tứ kết lượt đi trên sân Olympiakos, không nhiều người dám tin họ có thể lật ngược thế cờ ở trận lượt về bởi lúc đó, mặt bằng chung của đội bóng (từ nhân sự, lối chơi cho đến tinh thần) đều ở mức thê thảm. Tuy nhiên, Moyes đã cực kỳ sáng suốt khi đặt niềm tin vào cậu học trò già kiêm thêm vai trò trợ lý. Trong một ngày thi đấu thăng hoa, Giggs đã cháy hết mình để góp công lớn vào chiến thắng vang dội 3-0. Chứng kiến Giggs thi đấu trên sân và dẫn dắt toàn đội đến bến bờ niềm vui, không ai tin anh đã thuộc thế hệ 4x. Đó chính là tấm gương lớn để thế hệ "đàn em" noi theo nhưng quả thực, không dễ tìm ra một trường hợp thứ hai vĩ đại đến thế.
Siêu sao Cristiano Ronaldo mà cũng phải "sao chép" kẻ khác
Những năm qua, với những gì đã trình diễn, rõ ràng Ronaldo (cùng đại địch thủ Messi) đang nằm ở tầm cỡ vượt trội so với phần còn lại của thế giới. Cộng thêm tính cách "chẳng chịu thua kém ai", đương nhiên Ronaldo muốn tất cả phải theo đuổi, bắt chước anh trên mọi phương diện chứ đời nào chấp nhận học hỏi bất cứ đồng nghiệp nào. Ấy thế mà, sau khi ấn định tỷ số của trận chung kết Champions League từ quả phạt 11m, dù bàn thắng đó chẳng có chút ý nghĩa nào với danh hiệu vô địch của đội bóng song chàng CR7 vẫn ăn mừng đầy phấn khích đúng chất "Cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh" như thể nhờ pha lập công vừa rồi, anh đã đem về chiếc cúp Champions League thứ 10 cho Real. Không những vậy, Ronaldo còn nhái gần y nguyên hành động ăn mừng mà Balotelli đã tái hiện ở VCK Euro 2012 sau khi ghi bàn quyết định, giúp Italia hạ Đức tại bán kết. Thôi cũng cần thông cảm cho Ronaldo bởi body của anh cũng rất chuẩn nên không khoe như thế thì quá phí.
Carlo Ancelotti - Ông vua Champions League
Một trong những lý do quan trọng khiến Real lựa chọn Carletto làm HLV trưởng đội bóng thay cho Mourinho là do nhà cầm quân người Italia quá duyên với đấu trường này và ông đã không làm ban lãnh đạo phải thất vọng. Trước khi cập bến Bernabeu, Ancelotti đã 4 lần đăng quang ở C1/Champions League, chia đều cho hai tư cách (cầu thủ, HLV) khi còn gắn bó với AC Milan và ngay trong năm đầu tiên dẫn dắt Real, ông đã giúp đội bóng Hoàng gia TBN hoàn thành được giấc mơ Decima thần thánh sau 12 năm chờ đợi trong khắc khoải. Nhờ thành tích đó mà Ancelotti đã san bằng kỷ lục 3 lần vô địch C1/Champions League của HLV huyền thoại Bob Paisley cùng Liverpol nhưng ai cũng biết, đấu trường Champions League bây giờ khốc liệt gấp nhiều lần so với phiên bản cũ cúp C1. Nói một cách khác, Ancelotti đích thực là chiến lược gia số 1 trong kỷ nguyên Champions League. Mùa tới, ông mà cùng Real làm nên lịch sử thì tin chắc, kỳ tích đó còn lâu mới bị phá vỡ.
Gareth Bale và khả năng chống chọi áp lực
Đầu quân cho Real hồi mùa hè 2013 bằng mức phí kỷ lục thế giới nên tất yếu Bale phải gánh trên vai sức ép khủng khiếp song rõ ràng, tiền vệ người xứ Wales đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của mình so với hồi còn thi đấu ở Premier League tại Tottenham chứ không hề bị áp lực "giết chết", mặc cho Bale đâu đã nhìn nhận là một siêu sao hàng đầu thế giới ở thời điểm gia nhập bầy "Kền kền trắng". Không còn nghi ngờ gì, giờ Bale đã xứng đáng là cầu thủ có tầm ảnh hưởng lớn thứ hai tại đội bóng thành Madrid sau Cristiano Ronaldo. Nhưng ít nhất ở trận chung kết, Bale đã tỏ ra trội hơn người đồng đội ở khía cạnh "cầu thủ của những trận đấu lớn". Trong khi bàn thắng của CR7 chỉ mang tính chất "có cũng như không" thì Bale chính là cầu thủ đã nâng tỷ số lên 2-1, qua đó mở toang cánh cửa lên đỉnh của đội nhà. Cần nhớ rằng, trong mùa đầu tiên khoác áo Los Blancos, dù thành tích Ronaldo đạt được đã rất ấn tượng và ăn đứt Bale ở mùa vừa rồi (Ronaldo có 33 bàn và 7 đường chuyền kiến tạo thì Bale chỉ có 15 bàn và 12 đường chuyền kiến tạo) song anh đâu có được những bàn thắng có tầm quan trọng lớn lao đến thế. Thậm chí, cho đến tận bây giờ, Ronaldo vẫn chưa được thừa nhận là một ngôi sao thật sự của những trận cầu lớn. Carlo Ancelotti hoàn toàn có lý khi khẳng định Bale sớm muộn sẽ trở thành cầu thủ số 1 hành tinh trong khoảng 1-2 năm nữa.Bale rồi sẽ là số 1 thế giới
Sự chuyên nghiệp cao của Thibaut Courtois
Trước khi diễn ra trận bán kết giữa Atletico Madrid và Chelsea, đội bóng thành London được cho đã gửi đến đối thủ thông điệp rằng họ không được phép sử dụng thủ thành người Bỉ mà chỉ khoác áo Atletico theo diện cho mượn từ ... Chelsea, trừ phi chấp nhận trả khoản tiền phí "ra sân" như điều khoản đã được thống nhất giữa hai bên. May mắn, UEFA đã tuyên bố điều khoản đó hoàn toàn vô giá trị ở đấu trường châu Âu và Courtois được thoải mái ra sân. Dù biết rằng sớm muộn anh sẽ phải trở về Stamford Bridge bởi thật sự, chẳng đội nào "dở hơi" đến mức chịu để mất một thủ thành trẻ sáng giá như thế song Courtois vẫn chẳng ngại ngần tuyên bố anh sẽ chiến đấu hết mình một khi còn khoác lên người màu áo Atletico chứ không bao giờ có chuyện "lỏng tay" nhằm ghi công với đội bóng chủ quản đích thưc mà anh sẽ cống hiến trong tương lai (đặt giả thuyết, Courtois có ý "thả" Chelsea một cách khéo léo thì Atletico hay UEFA cũng chẳng thể bắt bẻ gì anh, có chăng Atletico chỉ nên tự trách mình vì đã quá tin tưởng vào Courtois). Thực tế trên sân đã chứng minh tính chuyên nghiệp và "lương tâm trong sáng" của Courtois. Anh vẫn chơi xuất sắc như mọi trận đấu khác và đã có vài pha cứu thua xuất sắc để góp một phần sức lực vào chiến công của Atletico.
Ai bảo người Anh "trắng tay" ở Champions League
Dù trận chung kết là cuộc đấu nội bộ của La Liga và trong thành phần cầu thủ hai đội, chẳng có cầu thủ gốc Anh nào nhưng người hâm mộ bóng đá quốc đảo sương mù hẳn sẽ được an ủi phần nào, không phải vì Ronaldo, Bale hay Modric, những chủ lực của Los Blancos từng có thời gian thi đấu ở Premier League mà bởi một nhân vật khác ít được chú ý đến: Paul Clement, cánh tay phải đắc lực nhất của Ancelotti. Sinh năm 1992, Clement chủ tâm theo đuổi công tác huấn luyện từ khi còn rất trẻ (23 tuổi), đã có thời gian làm việc ở Chelsea, Fulham, Blackburn. Người đàn ông Anh quốc chính hiệu này bắt đầu "phò tá" Ancelotti tại PSG sau khi được Carletto đánh giá cao qua quãng thời gian làm việc chung tại Chelsea (nhưng khi đó, Clement chỉ là một thành viên trong ban huấn luyện chứ không phải được sắm vai trợ lý số 1 mà có thể xem là HLV phó đội bóng như hiện tại) và theo chân "sếp" tới Madrid. Clement được cho đã hỗ trợ rất nhiều cho Ancelotti trong công việc dẫn dắt Real chứ không phải là "bù nhìn" ngồi cho đủ mâm.
Đừng dại chọc giận Diego Simeone
Từ khi còn thi đấu, Simeone nổi tiếng không phải là dạng cầu thủ "hiền lành" mà luôn biết cách bày tỏ thái độ mỗi khi có sự kiện gì xảy ra. Còn nhớ, vào những phút cuối cùng của trân bán kết, tất cả đều được tận mắt nhìn hành động chạy thẳng vào sân định "hành hung" Varane của nhà cầm quân trẻ tuổi người Argentina mặc cho trọng tài chưa nổi còi kết thúc trận đấu nhưng không phải ai cũng hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau. Hoá ra, tất cả xuất phát từ chuyện trung vệ này dám sút thẳng bóng vào người vị HLV đáng kính của địch thủ dù chẳng rõ vô tình hay cố tình. Có lẽ cộng thêm nỗi đau chất chồng khi đội nhà đánh rơi chiếc cúp danh giá vào phút chót mà Simeone chẳng thể giữ được bình tĩnh. Xem ra, lần sau có ai định "ám toán" Simeone như cách của Varane thì cần phải đánh giá tình hình, tâm trạng của vị HLV này nếu không muốn "sứt đầu mẻ trán".
Bảo Phương