Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Những điều rút ra từ Champions League mùa giải 2013/2014 (P1)

Thứ Hai 26/05/2014 17:43(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vậy là, một mùa bóng của giải đấu cấp CLB danh giá nhất hành tinh đã đi qua, để lại vô số cảm xúc cho người hâm mộ. Quả thực, Champions League chưa bao giờ mất đi sự hấp dẫn, kịch tính, căng thẳng, khó lường vốn là những đặc trưng tạo ra nét quyến rũ của giải đấu này mà tin chắc không thua kém gì VCK World Cup hay Euro. Real Madrid đã hoàn tất cú Decima thần thánh sau trận chung kết đáng nhớ trên đất Bồ Đào Nha còn "hiện tượng" Atletico Madrid đã không thể làm nên lịch sử và câu chuyện cổ tích do họ viết ra đã kết thúc trong bi kịch đớn đau đến tận cùng (Atletio chỉ còn cách danh hiệu có vài phút ngắn ngủi). Lời nguyền "không nhà vô địch nào bảo vệ thành công ngôi vị" vẫn hiện hữu, càng minh chứng cho sự cân bằng cao của giải đấu. Song Champions League mùa vừa rồi còn nhiều chi tiết đáng nhớ nữa.

Cầm bóng nhiều cũng vứt

Kể từ thời kỳ thống trị huy hoàng của Barcelona phiên bản Guardiola thì tiêu chí "thời gian kiểm soát bóng" được xem là "kim chỉ nam" cho những đội bóng nào muốn thành công. Nói một cách khác, tiqui-taka mà nền tảng chính dựa vào khả năng cầm bóng siêu hạng của các cầu thủ, được xem là hình mẫu tiêu biểu để các CLB áp dụng. Thế nhưng mùa vừa rồi ở Champions League, phong cách đó đã hoàn toàn bị lép vế và thất bại thảm hại trước lối chơi mới mang tên counter-pressing (nôm na là chủ động gây sức ép và phản công tích cực, khoa học) mà đã được hai đội bóng thành Madrid triển khai hoàn hảo. Bayern dưới sự dẫn dắt của Pep "đại đến" đã trở thành "cựu vương" bất chấp là đội sở hữu thời lượng kiểm soát bóng trung bình cao nhất giải (65%). Còn nhớ, ở trận bán kết lượt về gặp Real diễn ra ngay tại sào huyệt Allianz Arena, "Hùm xám" đã bị bắn hạ không thương tiếc (thua 0-4) mặc cho tỷ lệ khống chế bóng lên tới 69%.

Casillas đi vào lịch sử với chiếc cúp C1 thứ 10 của Real Madrid
Real Madrid đã vô địch nhờ "counter-pressing"

Thực ra, không hẳn tiqui-taka đã rơi vào thoái trào. Không thể phủ nhận đó vẫn là một lối chơi siêu đẳng và rất khó khuất phục. Nhưng cũng chính vì lối chơi này siêu đẳng nên đòi hỏi của nó cũng rất cao. Để tiqui-taca phát huy được hết những điểm mạnh thì mọi mắt xích trong đội bóng đều phải hoàn thành vai trò. Chỉ khi đó, tiqui-taka mới tạo nên được một sức mạnh tổng lực, biến hóa mà một khi đạt được, họ sẽ nắm nhiều phần thắng. Chính vì yêu cầu khắt khe đó, cả Bayern lẫn Barca thường không có phương án dự phòng ở những thời điểm khó khăn. Nhờ vậy lối chơi counter-pressing đã phát huy tối đa tác dụng vào thời điểm mà Bayern và Barcelona gặp vấn đề trong việc xây dựng tiqui-taka. Nhiều lúc, Bayern hay Barcelona cầm nhiều cầm bóng hơn đối thủ nhưng họ không hề chủ động trong lối chơi mà cầm bóng một cách bế tắc, bị động. Ngược lại, các đối thủ cầm bóng ít hơn lại không hoàn toàn mất thế trận mà rất chủ động với lối chơi đó nên sự thua thiệt của tiqui-taka là tất yếu.

Sự thống trị tuyệt đối của La Liga

Vài năm trở lại, La Liga đích thực là giải đấu số 1 lục địa già, ít nhất trên khía cạnh đấu trường châu Âu. Sự thất thế của Barca khiến họ không còn là đội giương cao ngọn cờ của làng bóng đá TBN nhưng bù lại, Real Madrid và đặc biệt Atletico đã chuyển mình mạnh mẽ để lần đầu tiên trong lịch sử C1/Champions League, chung kết là cuộc đấu nội bộ của hai đội bóng cùng thành phố. Rõ ràng, cả hai CLB thành Madrid đã đi đến trận cuối cùng bằng hình ảnh, phong độ vô cùng thuyết phục chứ không hề bị nhuốm mùi may mắn. Đó là còn chưa bàn đến việc ở Europa League, Sevilla, đội bóng không còn được đánh giá cao ở La Liga, đã đăng quang, giúp TBN độc bá thiên hạ. Trong bối cảnh hiện tại, tin chắc vị thế thống trị của La Liga sẽ còn tồn tại dài dài.

Tính đua tranh quyết liệt khiến "người hiền lanh" cũng bị "tha hoá"

Vị thuyền trưởng của Man City, Manuel Pellegrini luôn được giới chuyên môn nhìn nhận là con người ôn hoà, điềm đạm, biết kiềm chế cảm xúc và không bao giờ tỏ thái độ gay gắt trên sân cỏ. Thế nhưng, chỉ vì cái sân chơi Champions League mà Pellegrini có thời điểm đã biến thành một con người hoàn toàn khác biệt với bản chất thật. Tại vòng 1/8 Champions League, sau khi chứng kiến đội nhà thua tức tưởi Barcelona tại lượt đi trên Etihad (lúc Man xanh đang chơi rất tốt, kiểm soát được cục diện thì họ đã bị mất người do tấm thẻ đỏ dành cho Demichelis và Barca được hưởng quả phạt 11m mà Messi thực hiện thành công, từ đó mở ra bước ngoặt dẫn đến thắng lợi 2-0), Pellegrini đã không thể giữ nổi bình tĩnh và lao vào "tấn công" trọng tài chính Jonas Eriksson vì cho rằng chính ông vua sân cỏ người Thuỵ Điển đã thiên vị trắng trợn Barca.

Jose Mourinho - "Vua ... thất bại" ở bán kết

Dù đã hai lần đoạt danh hiệu vô địch Champions League trong sự nghiệp cầm quân, nhưng 4 năm vừa qua, Mourinho chỉ dừng lại ở bán kết giải đấu này. Dẫu vậy, nhờ đó, ông đã vượt qua Sir Alex Ferguson huyền thoại để nắm giữ kỷ lục "HLV tham dự nhiều trận bán kết C1/Champions nhất". Chỉ có điều, hiển nhiên Mourinho chẳng thể cảm thấy tự hào về thành tích bởi một lần nữa, ông lại gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường. Sau khi lần lượt thua Barca, Bayern rồi Dortmund tại Real, Mourinho tràn trề hy vọng phá dớp ở Chelsea khi mà đối thủ là một Atletico của Simeone hoàn toàn non kinh nghiệm. Thế nhưng, bất chấp có được kết quả khả quan ở lượt đi (hoà 0-0) trên sân của Atletico, Chelsea đã thua đau 1-3 ngay tại Stamford Bridge dù rằng "gã nhà giàu" thành London đã thể hiện đầy đủ những nét tinh tuý nhất của trường phái bóng đá thực dụng. Song Simeone đã cao tay hơn nhiều để công phá được chiếc xe bus hai tầng màu xanh và đưa Atletico vào chung kết một cách xứng đáng.

Kinh nghiệm đâu phải tất cả

Từ xưa đến nay, Champions League luôn được xem là giải đấu đề cao yếu tố kinh nghiệm. Thông thường vinh quang chỉ dành cho những cầu thủ, HLV "già dơ" đã quen mặt với đấu trường này và những chàng tân binh thường phải đón nhận kết quả không tốt trong lần đầu góp mặt. Thế nhưng, mùa vừa rồi, ngay ở lần đầu được tham dự Champions League với tư cách HLV trưởng và bản thân Atletico cũng lâu rồi không xuất hiện ở giải đấu này, Diego Simeoen đã đưa đội bóng thành Madrid tới trận chung kết sau khi vượt qua toàn đối thủ sừng sỏ thuộc diện đại gia (Barcelona, Chelsea). Nếu như thành tích của Simeone và Atletico đã được bàn tán quá nhiều thì phải chăng, nên dành đôi chút lời khen cho một "tân binh" khác: David Moyes. Đúng là, mùa giải 2013-2014 của Man Utd đã bị Moyes biến thành thảm hoạ song chỉ tính riêng đấu trường Champions League thì nhà cầm quân người Scotland đã thể hiện không quá tồi, đặc biệt khi ông chưa từng được trải nghiệm giải đấu này trong quá khứ. Này nhé, tại vòng bảng, Man Utd đã dẫn đầu với thành tích bất bại, trong đó có cả thắng lợi huỷ diệt Leverkusen 5-0 ngay tại sân đối phương. Đến vòng 1/8, ông đã cùng các học trò làm nên cuộc lội ngược dòng đỉnh cao tại Old Trafford (thắng 3-0) để lọt vào tứ kết sau khi thua 0-2 ở lượt đi. Tiếp đó, Man Utd đã chơi một trận ra trò trước Bayern Munich được đánh giá cao hơn hẳn trên sân nhà và nếu ở trận lượt về, Moyes tỉnh táo hơn thì nhiều khả năng, Bayern mới là đội phải dừng bước.

Những giọt nước mắt tiếc nuối đã lăn trên khuôn mặt những chàng trai của Atletico
Atletico Madrid: Kẻ thất bại lãng mạn

Sự lãng mạn luôn hiện hữu

Sau chiến tích của Porto ở năm 2004 thì Champions League càng trở thành đấu trường dành cho những đại gia "lắm tiền nhiều của". Song thành công bất ngờ của Atletico Madrid sau đúng 10 năm dường như sẽ tạo ra động lực, kích thích to lớn cho các "tiểu gia nghèo hèn" phấn đấu và tự tin mơ ước vươn lên đỉnh cao. Chưa cần bàn đến tương quan với Real (đội đã chỉ ra cả tỷ bảng chỉ để đạt bằng được mục tiêu lần thứ 10 vô địch Champions League), Atletico hoàn toàn thua xa Barca, Bayern, Chelsea, PSG, Man City hay thậm chí "ông lớn khủng hoảng" Man Utd về tiềm lực tài chính. Để cân đối thu chi, đương kim á quân thường phải dựa vào chuyện bán đi những ngôi sao lớn nhất đội thì mới mong có tiền chiêu mộ cầu thủ. Atletico Madrid đã bước vào mùa bóng 2013-2014 trong hoàn cảnh mất chân sút chủ lực Radamel Falcao (sang Monaco) và chẳng có được bản hợp đồng đắt giá nào bởi moi đâu ra tiền (David Villa là cái tên đáng chú ý nhất nhưng anh đã hết thời và bị Barca "thải loại" nên Atletico mới có thể chạm tới bằng số tiền rẻ mạt). Thế nhưng, nhờ tài xoay sở và lèo lái siêu đẳng của Simeone mà Atletico suýt viết ra câu chuyện thần thoại thời hiện đại, lãng mạn và kỳ vĩ không kém gì lần Hy Lạp đăng quang ở Euro 2004. Nhà cầm quân người Argentina đã biến nhiều cầu thủ "vô danh, tầm thường" thành những con người xuất chúng và trên hết tất thẩy, Atletico là một tập thể vững mạnh, đoàn kết, giàu khao khát, đầy sức chiến đấu. Real vô địch thuyết phục nhưng Atletico hoàn toàn xứng đáng được ngợi ca.

Sergio Ramos - Sát thủ thượng hạng của những tình huống cố định

Đảm nhận vị trí trung vệ, vốn chưa bao giờ được dư luận đánh giá đúng mực về công sức đóng góp vào thành công chung của đội bóng so với các vị trí khác song Ramos đã buộc cả thế giới phải gọi tên anh với tư cách cầu thủ có vai trò quyết định trong cú decima thần thánh của Real Madrid. Tất nhiên, nhìn tổng thể, Cristiano Ronaldo vẫn là ngôi sao số 1 Los Blancos và phía sau là Gareth Bale, Di Maria hay Luka Modric nhưng chẳng ai trong số này lại mang về cho Real những bàn thắng cực kỳ quan trọng, đều từ các lần lên tham gia những pha bóng cố định. Tại trận bán kết lượt về gặp Bayern Munich, lúc cục diện đang cân bằng thì chính Ramos đã ghi liên tiếp hai bàn trong vòng vài phút, qua đó tạo ra lợi thế to lớn cho Real để tiến tới thắng lợi chung cuộc khó tin 4-0. Tuy nhiên, hình ảnh của Ramos chỉ thực sự trở nên lung linh ở trận chung kết khi anh đã "cứu vớt" Real từ cõi chết bằng bàn thắng gỡ hoà ở phút bù giờ thứ 3 trong một tình huống phạt góc. Không có pha lập công đó, tin chắc đội bóng Hoàng gia TBN đã phải kéo dài giấc mơ Decima thêm một mùa. Giờ đây, Ramos không chỉ là một trung vệ hàng đầu thế giới mà còn là ngôi sao của những trận cầu lớn.

Man City ngày càng tiến bộ

Những ông chủ người Ả Rập của Man xanh hẳn chưa thể hết hạnh phúc và thoả mãn khi những đồng tiền họ đầu tư vào đội bóng vẫn không ngừng phát huy hiệu quả. Qua mỗi mùa, Man City ngày một tiến bộ và sự phát triển của họ chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại Premier League, họ đã có danh hiệu vô địch thứ hai sau 3 mùa và tại Champions League, họ đã lần đầu vượt qua vòng bảng sau hai năm thất bại. Điểm đáng nói ở đây, Man City đã thực sự bản lĩnh, đúc rút được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu chứ không còn cho thấy bóng dáng của một "tay mơ" ở đấu trường châu lục. Man City đã có thể chơi ngang ngửa, không chút e dè với Bayern Munich, Barcelona, những tên tuổi giàu truyền thống nhất khu vực. Nếu may mắn hơn, họ đã có thể tiến xa hơn vòng 1/8 song với cái đà này, mùa tới, Man City hứa hẹn sẽ lọt vào nhóm "ứng cử viên" cho danh hiệu vô địch chứ không còn là "quan sát viên" như trước.

Bảo Phương

 

 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X