Vì nhiều lý do, các CĐV bóng đá không phải lúc nào cũng có thể yên tâm trước những tin đồn với thần tượng của mình. Có không ít trường hợp đã cam kết tương lai với CLB, nhưng lại ra đi ngay sau đó. Dưới đây là những cầu thủ phản bội lại niềm tin của người hâm mộ.
Luis Suarez
Sau sự ra đi của Fernando Torres, các CĐV Liverpool rốt cuộc cũng tìm thấy cho mình một thần tượng mới, đó là tiền đạo Luis Suarez. Vào tháng 3/2014, chân sút người Uruguay khẳng định như đinh đóng cột, anh sẽ ở lại Anfield bất chấp việc Liverpool có giành được vé tham dự Champions League mùa tới hay không.
Suarez đã gia hạn hợp đồng vào tháng 12 năm trước, với điều khoản giải phóng hợp đồng 40 triệu bảng (chắc hẳn người hâm mộ còn nhớ lời hỏi mua 40 triệu + 1 bảng của Arsenal). Trong ngày ký hợp đồng mới, anh bày tỏ niềm hạnh phúc vì Liverpool đã giúp anh được tận hưởng bóng đá. Mùa hè đó, Luis Suarez gia nhập Barcelona, sau kỳ World Cup 2014 tai tiếng với scandal cắn Chiellini.
|
Suarez hứa ở lại Liverpool rồi chuyển sang Barca |
Ricardo Kaka
Nếu theo dõi Kaka trong những ngày AC Milan lên đỉnh trời Âu, các fan bóng đá đều hiểu rõ tài năng và sự trung thành của siêu sao người Brazil. Anh được tất cả các fan Rossoneri yêu mến, với động thái đáng ngưỡng mộ giương cao chiếc áo của Milan trước sự chứng kiến của 2000 CĐV kéo đến nhà, khi đang vướng tin đồn chuyển nhượng với Man City.
“Tôi quyết định ở lại, Man City chưa bao giờ trong tâm trí tôi, tiền bạc không phải tất cả”. Vài tháng sau, anh chuyển tới Real Madrid với tiết lộ muốn ra đi để giúp Milan vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính. Phong độ thảm hại của Kaka tại Madrid cho thấy điều đó đúng sự thực, nhưng không thể làm sự phẫn nộ của các CĐV Milan giảm đi.
|
Nỗi đau khôn tả của các CĐV AC Milan khi chứng kiến hình ảnh này |
Stewart Downing
Tháng 5/2011, tiền vệ chạy cánh của Aston Villa khẳng định rất vui khi khoác áo đội bóng hiện tại. Downing được bình chọn là cầu thủ hay nhất mùa của Villa, lọt vào mắt xanh của nhiều đội bóng lớn nhưng rất tích cực tiến hành đàm phán gia hạn hợp đồng. “Điều quan trọng nhất trong bóng đá là bạn phải vui vẻ. Tôi đang hạnh phúc tại Villa, vậy thì tại sao phải ra đi?”
Mùa hè đó, anh chuyển tới Liverpool với giá 20 triệu bảng. Và câu hỏi “tại sao phải ra đi” trở thành đề tài châm chọc với người hâm mộ khi đó.
|
Những chia sẻ của Stewart Downing cũng lắt léo như phong cách chơi bóng |
Sol Campbell
Đang khoác áo Spurs và là thủ lĩnh nơi hàng phòng ngự đội bóng, Campbell trở thành thần tượng của các CĐV. Anh cũng khẳng định chắc nịch: “Tôi muốn thi đấu cho Tottenham, thế thôi. Tôi đã ở đây quá lâu để nghĩ tới chuyện ra đi, CLB đã cho tôi tất cả mọi thứ và tôi muốn khoác áo Spurs với niềm đam mê mãnh liệt.”
Vài tháng sau (7/2001), anh bị tất cả fan Spurs gọi bằng một cái tên mới: Judas – Kẻ phản bội. Nếu người hâm mộ Tottenham chưa nghĩ điều đó đủ tệ, thì câu trả lời là Campbell chọn CLB kình địch Arsenal, và tới Highbury với giá chuyển nhượng tự do.
|
Sol Campbell là cầu thủ đáng ghét nhất lịch sử với các CĐV Spurs |
Thiago Silva
Một trong những thương vụ khó hiểu của AC Milan tháng 7/2012, khi họ đã gia hạn hợp đồng 5 năm với Thiago Silva. Cầu thủ Brazil đặt bút gia hạn ngày 2/7, và… gia nhập PSG vào ngày 14/7.
Trên thực tế, Silva đã quyết định ra đi từ trước, và chỉ ký hợp đồng với Milan để đảm bảo CLB này nhận được nhiều tiền hơn khi bán anh cho PSG. Nhưng thật đấy à? Một cầu thủ dứt áo ra đi chỉ 2 tuần khi anh gia hạn hợp đồng mới? Milan đương nhiên rất thích, nhưng đội bóng mới PSG thì “lõm nặng” với pha xử lý cồng kềnh của Thiago Silva.
|
Thiago Silva gia hạn để ra đi |
Emmanuel Adebayor
“Arsenal đã cho tôi có được ngày hôm nay, họ giúp tôi trở thành một trong những tiền đạo hay nhất thế giới, tôi phải đáp trả lại CLB. Làm thế nào ư, bằng cách giúp Arsenal giành chiến thắng và giành danh hiệu, đó là những gì tôi chiến đấu. Tôi không có bất kỳ lý do gì để ra đi cho tới khi đem lại những danh hiệu cho đội bóng” – Adebayor phát biểu vào tháng 5/2009.
2 tháng sau, anh gia nhập Man City, và trở thành cái gai trong mắt tất cả fan Pháo thủ với hành động trượt cỏ ăn mừng bàn thắng. Tất nhiên là chân sút người Togo có lý do của mình, khi anh chỉ trích HLV Wenger chủ động tống cổ mình ra đi. Adebayor bị gắn mác kẻ tham tiền, và tình yêu đã trở thành lòng thù hận.
|
Còn fan Arsenal nào ngứa mắt với hình ảnh này? |
Dimitar Berbatov
Tháng 1/2008, Sát thủ Hoa hồng thậm chí còn chỉ trích người đại diện của mình vì “dám” liên hệ với đội bóng khác. “Tôi là một cầu thủ của Spurs, tôi vui khi giành chiến thắng và đau khổ mỗi khi đội nhà thất bại. Tôi rất hạnh phúc và muốn giành danh hiệu cùng Tottenham. Tôi hoàn toàn tin tưởng điều đó.”
Và tất cả đã biết niềm tin của Berbatov lớn đến đâu. Mùa hè 2008, anh nhận được 2 lời đề nghị béo bở từ Man City và Man United, rồi quyết định chọn Quỷ đỏ. Tottenham cay đắng chia tay chân sút hàng đầu của mình để đổi lại 30,75 triệu bảng – cái giá của niềm tin.
|
Berbatov cũng hứa hẹn rất nhiều với Tottenham |
Fabian Delph
Chủ động từ chối lời đề nghị của Man City vào ngày Chủ nhật (tháng 7/2015), Fabian Delph hào hứng chuẩn bị gia hạn với Aston Villa với mức lương nhiều hơn 50 nghìn bảng mỗi tuần. “Tôi không thể chờ đến khi bắt đầu mùa giải mới, được làm đội trưởng CLB tuyệt vời này” – Delph cho biết. Nhưng đến thứ Sáu, tức 5 ngày sau, anh tươi cười bên chiếc áo đấu của… Man City. Một pha “lật bánh tráng” bất ngờ hơn cả phim hành động.
Tiền vệ này lý giải, anh nghi ngờ tham vọng của CLB khi đã bán Benteke cho Liverpool, và quyết định lựa chọn Man City làm bến đỗ mới. Trong những mùa giải khoác áo nửa xanh thành Manchester, cầu thủ này dần bị đẩy lên băng ghế dự bị, và phải chơi trái sở trường (đá hậu vệ trái) dưới thời Pep Guardiola. Hiện nay, anh đã rời Man City và gia nhập Everton.
|
Cuộc chuyển nhượng của Fabian Delph lắt léo như phim hành động |
Cesc Fabregas
Năm 2008, Fabregas cho biết anh muốn ở lại Arsenal đến hết sự nghiệp. “Tôi muốn ở lại đây, tôi đang rất hạnh phúc, tôi chỉ quay lại Tây Ban Nha khi CLB không cần tôi nữa. Tôi sẽ ở lại chừng nào Arsenal muốn.”
Nhưng khi Barca đến gõ cửa (và Arsenal không hề đồng ý chuyển nhượng), Fabregas vẫn cương quyết quay lại mái nhà xưa. Chưa hết, sau này anh cũng chuyển sang Chelsea – đội bóng mà khi khoác áo Arsenal, anh từng khẳng định
“có chết cũng không gia nhập.”
|
Fabregas cũng là tay "lươn lẹo" có hạng |
Luis Figo
Không phải nói nhiều về thương vụ chuyển nhượng ồn ào nhất lịch sử, về kẻ phản bội vĩ đại nhất mọi thời đại: Luis Figo. Huyền thoại người Bồ Đào Nha, với tư cách đội trưởng Barca, khẳng định sẽ có mặt vào ngày 24/7/2000 tại Camp Nou để bắt đầu mùa giải, nhưng anh khiến tất cả bất ngờ bằng việc ký hợp đồng với Real Madrid – kình địch không đội trời chung.
Tháng 11/2002 trong trận Siêu kinh điển tại Camp Nou, Figo nhận được món quà là… chiếc thủ lợn khi đứng ở chấm phạt góc, và trận đấu bị hoãn tới 16 phút. Sau màn chạm trán này, các nhân viên trên sân thu được rất nhiều vật dụng dùng để ném Figo, từ quả cam, bánh sandwich, chai lọ, bật lửa cho tới… điện thoại di động (nghĩ xem điện thoại vào năm 2002 đắt đến mức nào).
Hãy tưởng tượng Leo Messi gia nhập Real Madrid, hay Cris Ronaldo (hoặc Sergio Ramos) khoác áo Barca, bạn sẽ phần nào hiểu được sự phẫn nộ của các CĐV trên sân Camp Nou lúc đó.
|
Nhưng không ai có thể đánh bại được Luis Figo trong danh sách những cầu thủ phản bội người hâm mộ |