Khi chấp nhận bán Cristiano Ronaldo cho Real Madrid, Manchester United thừa biết họ đã đi lùi một bước. Nhưng đôi lúc, phải biết lùi để tiến lên phía trước.
M.U không hề muốn bán Ronaldo
Không một đội bóng nào muốn bán Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, ngay cả khi thương vụ ấy mang lại cho họ số tiền kỷ lục 80 triệu bảng. Với M.U, đội bóng luôn xem mình là số 1 thế giới, thì càng không. Không một HLV nào muốn mất đi cầu thủ giỏi nhất mà ông ta từng sở hữu, ngay cả khi HLV ấy quá quen với việc thay thế ngôi sao này bằng ngôi sao khác. Với Sir Alex Ferguson, đến tận bây giờ ông vẫn tiếc nuối vì không thể giữ chân Ronaldo.Bán Ronaldo cho Real chỉ là giải pháp bất đắc dĩ của M.U
Không một cầu thủ nào muốn xa rời một đồng đội đẳng cấp cao và chuyên nghiệp. Tất nhiên, ai cũng muốn mình được HLV trọng dụng, được đá chính thường xuyên, nhưng sự cạnh tranh trong nội bộ đội bóng phải là "fair". Muốn thành công, phải có danh hiệu, muốn có danh hiệu, phải có cầu thủ đẳng cấp cao.
Không một CĐV nào muốn chứng kiến cầu thủ mà họ yêu quý và ngưỡng mộ nhất ra đi. Khi đến sân, CĐV nào cũng muốn được tận hưởng cảm giác chiến thắng, niềm vui từ các bàn thắng và cảm xúc đặc biệt, đầy tự hào từ thần tượng của họ. Ronaldo đã mang lại cho họ những điều ấy.
Không một ông chủ nào muốn gạt bỏ ngôi sao lớn nhất, kể cả giới chủ nhà Glazer đến từ Mỹ, những người bị chỉ trích là chỉ biết lợi dụng M.U để kiếm tiền. Ngay cả khi mục tiêu duy nhất là kiếm tiền, họ cũng không muốn mất Ronaldo, vì anh có thể mang đến những danh hiệu và những bản hợp đồng thương mại tiền tấn.
Nhưng vào mùa Hè 2009 ấy, M.U phải bán Ronaldo. Bất đắc dĩ. Không còn giải pháp nào khác. Thứ nhất, bản thân Ronaldo muốn rời Premier League để tìm kiếm thử thách mới ở Liga. Thứ hai, quan trọng hơn cả, M.U đang ngập trong núi nợ, lên đến 700 triệu bảng. Họ phải tìm mọi cách giảm bớt gánh nặng nợ nần trước khi những điều tội tệ có thể ập đến. Bán Ronaldo không chỉ giúp M.U thu về số tiền lên đến 80 triệu bảng. Bên cạnh đó, họ có thể tiết kiệm tối thiểu 15 triệu bảng tiền lương mỗi năm (sau thuế) nếu ký hợp đồng mới để giữ chân anh.
Một bước lùi
Bán Ronaldo gần như là sự lựa chọn duy nhất của M.U thời điểm ấy. Một bước lùi thực sự, nhưng cần thiết.
M.U đã "lùi" như thế nào sau khi bán Ronaldo? Trước hết là thành tích của đội bóng. Trong ba năm cuối cùng với Ronaldo, M.U thống trị Premier League một cách tuyệt đối với ba chức vô địch liên tiếp. Tại Champions League, trong ba năm ấy, họ một lần đi đến bán kết, hai lần lọt vào chung kết và một lần vô địch. Ba năm kể từ khi Ronaldo ra đi, M.U chỉ giành được một chức vô địch Premier League, hai lần đau đớn chứng kiến các đối thủ Chelsea và Man City bước lên đỉnh cao. Sân chơi Champions League đã chứng kiến sự sa sút đáng buồn của M.U. Mùa đầu tiên không Ronaldo, M.U phải dừng chân ở tứ kết. Chiến tích lọt vào chung kết mùa 2010-11 có sự trợ giúp lớn của may mắn khi họ gặp phải lịch thi đấu thuận lợi. Mùa trước, họ thậm chí không thể vượt qua vòng bảng, và sau đó sớm bị loại khỏi Europa League.
Còn xét về cá nhân, M.U không thiếu đại diện trong danh sách ứng viên nặng ký của Quả bóng vàng hay đội hình tiêu biểu của FIFA, UEFA. Còn năm 2012 vừa qua, đừng nói Quả bóng vàng FIFA, ngay cả đội hình tiêu biểu của năm cũng không có đại diện của M.U.
Ở khía cạnh chuyên môn, khi còn Ronaldo, chạy cánh luôn là vị trí mạnh nhất, đáng sợ nhất của M.U. Sau khi anh ra đi, Old Trafford đã chứng kiến sự xáo trộn rất lớn ở vị trí chạy cánh. Luis Nani, Antonio Valencia, Ashley Young, Shinji Kagawa, Welbeck hay Cleverley chẳng thể xóa mờ hình bóng Ronaldo.
Đã đến lúc tiến trở lại
Quyết định bán Ronaldo vào mùa Hè 2009 đã giúp M.U vượt qua giai đoạn khó khăn nhất về mặt tài chính. 3 năm rưỡi sau, tình hình tài chính của họ là cực kỳ tươi sáng. Nợ đã giảm được một nửa, không còn rơi vào tình trạng nguy kịch, giờ thậm chí là rất vững mạnh về mặt tài chính sau khi ký hàng loạt bản hợp đồng mới có giá trị cực khủng, như với Chevrolet và Nike. Dù không phải là đội bóng có doanh thu cao nhất thế giới, vẫn xếp sau Real Madrid và Barcelona, lợi nhuận của M.U luôn là số 1.
Với sự ra đời của luật công bằng tài chính, M.U là đội hưởng lợi nhiều nhất. Giờ họ có thể mua bất kỳ ngôi sao nào mà không cần lo lắng về những rào cản như các gã nhà giàu mới nổi. Biểu hiện đầu tiên: M.U đã đánh bại Man City trong cuộc đua tranh giành chữ ký của Robin van Persie nhờ trả phí chuyển nhượng cao hơn, đưa ra đề nghị lương tốt hơn. Với 250 nghìn bảng/tuần, van Persie là cầu thủ hưởng lương cao nhất Premier League, hơn bất kỳ cầu thủ nào của Man City.
Tóm lại, bán Ronaldo hoàn toàn vì vấn đề tài chính. Và khi tình hình tài chính tốt đẹp hơn, M.U quay ngược xây dựng lực lượng, cải thiện chất lượng đội hình. Mất Ronaldo là một bước lùi. Nhưng chỉ mang tính chất tạm thời mà thôi. Giờ là lúc họ lớn mạnh trở lại, và họ sẽ chứng minh điều đó trong lần gặp lại Ronaldo vào giữa tháng Hai này.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)