“Nhờ Jupp Heynckes mà Bayern mới trở thành đội bóng xuất sắc nhất châu Âu mùa trước. Bây giờ họ đã có một HLV mới (Pep Guardiola) và tôi không chắc là họ còn duy trì được sức mạnh” – Mourinho trả lời phỏng vấn tờ Bild. Guardiola không trực tiếp phản ứng nhưng Chủ tịch Hoeness của Bayern đã nhanh chóng lên tiếng: “Pep giỏi hơn nhiều so với Mourinho. Tôi chẳng thèm quan tâm xem ông ta nói gì”. Dù thế nào, mối hận thù giữa Mou và Pep cũng xứng đáng được liệt vào hàng “kinh điển”, và nó sắp sửa đón chào thêm một chương mới trong trận tranh Siêu cúp châu Âu 2013.
Từ bạn thành thù
Chỉ cần thực hiện một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên mạng, chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra bức ảnh chụp chung nổi tiếng giữa Jose Mourinho và Pep Guardiola, trong đó họ cùng ngồi thư giãn trên bãi cỏ và đang thảo luận điều gì đó liên quan đến việc tập luyện của Barcelona. Tất nhiên đó không phải là một khung cảnh được dàn dựng: cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Mou và Pep từng là bạn rất tốt ở Nou Camp. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ làm trợ lý cho Sir Bobby Robson ở Barca thì Mourinho đã hết sức cố gắng làm thân với một số trụ cột trong phòng thay đồ, và còn nỗ lực học cả tiếng Catalan (với kiểu phát âm rất đặc trưng) để tạo được nhiều thiện cảm hơn với họ.
Trong cuốn tiểu sử có tên “Jose Mourinho: Chân dung nhà vô địch”, chiến lược gia quá cố Robson từng tiết lộ: “Pep Guardiola vẫn thường nói với tôi rằng chúng ta phải chơi thế này, phải chơi thế kia. Anh ta luôn muốn bày tỏ ý kiến về tất cả mọi thứ. Jose nhận ra Pep là một nhân vật quan trọng và lên kế hoạch kết bạn với anh ta”. Lúc đó, có lẽ Robson không thể tưởng tượng ra cảnh Pep và Mou trở thành hai kẻ thù không đội trời chung, với mức độ thù hận còn vượt ra ngoài khuôn khổ của những trận “Siêu kinh điển”. Thậm chí, trước trận Bayern – Chelsea sắp tới thì chủ tịch Hoeness bên phía Bayern còn tiết lộ rằng “tôi cũng không biết liệu họ có bắt tay nhau nữa hay không”.
Sự mâu thuẫn tất yếu
Tuy nhiên, trước khi nói về sự kình địch giữa Pep và Mou thì phải khẳng định rằng việc HLV Barca và Real ghét nhau là chuyện… rất bình thường. Họ không ghét nhau mới là bất thường, bởi sự khác biệt giữa Real và Barca là quá lớn. Không chỉ là đối thủ cạnh tranh hàng đầu trên con đường đến ngai vàng La Liga, Real và Barca còn đại diện cho hai trường phái khác nhau về ý thức hệ: một bên (Real) tôn vinh những giá trị hào nhoáng của dàn Galacticos, là biểu tượng của Hoàng gia TBN, một bên đề cao sự cần cù, giản dị đến mức khiêm nhường của các sản phẩm xuất thân từ lò đào tạo La Masia và là công cụ đấu tranh chính trị của một vùng đất (xứ Catalan) vốn chưa bao giờ ngưng kêu gọi giành quyền độc lập.
Ngay như Carlo Ancelotti và Tata Martino, hai nhà cầm quân có tiếng hiền lành, mới chân ướt chân ráo đến xứ sở bò tót và chẳng có thù oán gì với nhau trước đó, cũng đã kịp trao đổi một vài lời lẽ sặc mùi thuốc súng: sau khi Martino lên tiếng công kích Real đã “thiếu tôn trọng với thế giới mà chúng ta đang sống” thì đến lượt Ancelotti đăng đàn chê bai đối thủ là “chưa hiểu gì về bóng đá châu Âu”. Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại rằng, sự mâu thuẫn giữa các chiến lược gia ngồi trên ghế nóng ở sân Nou Camp và Bernabeu chủ yếu xuất phát từ phạm trù công việc. Trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp không có chỗ cho tình cảm hay sự nhân nhượng, mà mỗi người phải có trách nhiệm với màu cờ sắc áo của CLB đang trả lương cho mình hay nói một cách đơn giản là “ai vì chủ nấy”. Ancelotti huấn luyện Real thì ông sẽ không thể tránh khỏi những mâu thuẫn với Barca và ngược lại, nhưng thường thì sự mâu thuẫn ấy sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi sân bóng và ít khi đi theo ai suốt cả sự nghiệp. Sau khi rời khỏi ghế HLV trưởng Barca, chúng ta không thấy Frank Rijkaard lời qua tiếng lại với Fabio Capello hay Bernd Schuster, và tất nhiên là Juande Ramos hay Manuel Pellegrini cũng không rảnh rỗi để ngày ngày “khẩu chiến” với Pep Guardiola.
Lỗi của ai?
Kể cả Mourinho cũng không phải là một người quá mức thù dai. Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Chelsea, ông từng có mâu thuẫn nghiêm trọng với Arsene Wenger nhưng đã nhanh chóng làm lành với chiến lược gia người Pháp sau khi trở lại Stamford Bridge: “Ông ấy là một người tốt. Sau khi rời nước Anh, tôi đã có dịp gặp lại ông ấy vài lần và khi không còn phải đối đầu với nhau trong cùng một giải VĐQG thì chúng tôi hiểu nhau dễ dàng hơn. Tôi rất tôn trọng ông ấy và chẳng có vấn đề gì giữa chúng tôi cả” – Mourinho nói về Wenger. Tương tự, dù đã gây hấn với hầu như cả nước Ý trong thời gian dẫn dắt Inter Milan, “Người đặc biệt” cũng không ôm mối hận thù ấy sang cả Real Madrid và thậm chí còn gửi một tin nhắn chúc mừng đối thủ cũ Ancelotti khi ông này cùng Chelsea đăng quang ngôi VĐ Premier League.
Cho nên sự thù hận giữa Mourinho và Pep Guardiola quả là một chuyện lạ: xét cho cùng, họ đã có hơn 1 năm không chạm trán trực tiếp và giờ đây mỗi người làm việc ở một quốc gia khác nhau, tức chẳng có lý do gì để phát sinh những mâu thuẫn liên quan đến công việc cả. Thế nhưng những lời chọc ngoáy vẫn thường xuyên được Mou gửi đến Pep, mà trước nghi vấn về trình độ (không đủ sức thay thế Heynckes) vừa nêu ở đầu bài thì hồi đầu năm 2013 Mou còn nói rằng “Pep sợ tôi nên trốn sang Đức”. Chưa ai có thể nói rõ lý do vì sao họ lại ghét nhau đến thế, và cũng không loại trừ khả năng là nguyên nhân xuất phát từ phía Pep (không phải tự dưng mà Pep và Tito giờ đây trở thành người xa lạ, còn Pep và BLĐ Barca cũng vừa lên tiếng chỉ trích nhau hết sức thậm tệ trên mặt báo hồi tháng trước), nhưng dù sao mối hận thù ấy cũng là một thứ gia vị hấp dẫn bên lề trận đấu, nếu không muốn nói là còn hấp dẫn hơn cả kết quả của cuộc tranh tài “nửa chính thức – nửa giao hữu” giữa Bayern và Chelsea.
(Theo Bóng Đá Toàn Cầu)