Khi trong tay đang sở hữu thủ môn xuất sắc bậc nhất thế giới, đội bóng lại không thể đá tấn công áp đặt hoặc đôi công thì nên làm gì? Roberto Mancini cần tham khảo ý kiến của đồng hương Roberto Di Matteo, người đã viết lại lịch sử Chelsea với chiến thuật "xe bus 2 tầng".
Một đội chỉ biết đứng chịu trận, còn đội kia cứ thế tung đòn, như hình ảnh một tay đấm "hạng lông" bị dồn vào góc khán đài, chỉ biết thu mình chịu đựng. Cứ vài phút là một cơ hội, cơ hội "xịn" đàng hoàng chứ không phải vu vơ, số lần đối mặt với thủ môn thì nhiều vô kể. Sân Etihad, nơi mà Man City bất bại suốt 32 trận Premeir League gần nhất và không thua trong 17 trận gần đây ở Cúp châu Âu, đã quen với hình ảnh như thế. Nhưng trong gần 50 trận đó, chưa kể các giải Cúp nội địa, họ là bên tung đòn chứ không phải chịu trận, họ là tay đấm hạng nặng chứ không phải hạng lông. Ở Etihad rạng sáng qua thì ngược lại.
Một Man City yếu đuối và thảm thương
Điểm mạnh lớn nhất của Clichy là tốc độ, nhưng anh vẫn quá chậm so với cầu thủ của Dortmund. Clichy bị qua mặt hết lần này đến lần khác, trông rất tội nghiệp. Kompany rất giỏi phán đoán tình huống. Nhưng trước những pha bật tường 1, 2 của Dortmund, anh chẳng khác gì một bức tượng chỉ biết đừng nhìn. Anh đã phải chấp nhận bị phạt thẻ vàng để ngăn cản một pha bật tường như thế. Nhưng ở Etihad, cầu thủ Dortmund thực hiện đôi ba chục pha bật tường trước mặt Kompany. Có lẽ trung vệ thủ quân người Bỉ ước mong chục thẻ vàng mới bị đuổi khỏi sân!Man City đánh giá mình quá cao
Điểm mạnh lớn nhất của Yaya Toure là khả năng giữ bóng, như cái cách anh thoát khỏi vòng vây 3 cầu thủ của Real Madrid ở Bernabeu, từ đó phát động tấn công, dẫn đến bàn mở tỷ số của Dzeko trong trận vòng bảng đầu tiên ở mùa này. Tiền vệ người Bờ Biển Ngà còn là cầu thủ khỏe bậc nhất, khéo bậc nhất và khi cần nhanh hơn bất kỳ cầu thủ nào ở Man City. Nhưng trước Dortmund, Yaya Toure thường xuyên mất bóng ở giữa sân, di chuyển chậm chạp, và trông rất "chân gỗ" nếu so với các cầu thủ đối phương. Anh thậm chí hiếm khi qua được vạch giữa sân, chỉ biết chuyền về và chuyền ngang.
Trong 30 phút đầu trận, Silva tỏ ra rất lợi hại với những pha đi bóng khéo léo, những đường chuyền tinh tế, khôn ngoan. Nhưng đó là khi anh có bóng, nhận bóng ở tư thế thuận lợi. Dù là ai, không có bóng cũng vô nghĩa. Trong hiệp 2, Silva chạm bóng rất ít, ngay cả khi anh lùi về giữa sân.
Từ đầu hiệp 2 cho đến khi Balotelli được tung vào sân ở phút 81 và Dortmund chủ động đá thấp hơn, thủ môn Joe Hart có lẽ là cầu thủ chạm bóng nhiều nhất bên phía Man City. HLV Roberto Mancini, chỉ hai tuần trước còn quát mắng anh "hãy ngậm miệng lại và làm tốt công việc của mình", đã mô tả màn trình diễn của Joe Hart trước Dortmund là "không thể tin được". Mancini không hề phản đối (dù không xác nhận) khi cánh phóng viên hỏi ông liệu đó có phải là màn trình diễn xuất sắc nhất trong lịch sử Man City của một thủ môn. Hơn 43 nghìn người có mặt ở Etihad không hiểu vì sao Joe Hart chỉ một lần vào lưới nhặt bóng.
Từ cuối hiệp 1 đến gần hết hiệp 2, các cầu thủ Man City chẳng khác gì là những hình nộm để Dortmund tập phối hợp, dứt điểm trên sân tập. May cho Man City, Joe Hart không phải là hình nộm. Và siêu may mắn cho Man City khi họ được hưởng quả penalty và Balotelli ghi bàn gỡ hòa 1-1 ở phút cuối.
Phải chấp nhận vai trò "cửa dưới"
Vấn đề lớn nhất của Man City là họ đánh giá quá cao bản thân khi bước ra đấu trường Champions League. Vòng bảng mùa trước, họ từng tấn công dồn dập Bayern ngay tại Munich trong những phút đầu tiên, để rồi hứng chịu thất bại. Họ tỏ ra coi thường Napoli, để rồi phải trả giá. Man City từng chủ động đẩy cao đội hình sau khi dẫn 2-1 trước Real Madrid ở Bernabeu, đá như thể muốn hạ knock-out đối phương, và hậu quả là thua ngược 2-3. Và ở Etihad rạng sáng qua, Man City kiêu ngạo đến mức không muốn co về phòng ngự với số đông khi Dortmund tấn công dồn dập, hiệu quả và chủ động.
Man City đúng là nhà ĐKVĐ Premier League, nhưng khi bước ra sân chơi danh giá nhất châu Âu, họ chẳng là gì. Ở giải nội địa, họ có thể "ép chảy nước" mọi đối thủ ở Etihad, nhưng còn lâu mới đá được như thế tại Champions League.
Người ta thường bảo, sống trên đời phải biết mình là ai, hay "biết người biết ta". Chỉ khi ấy, Man City mới đưa cách tiếp cận hợp lý, phù hợp với trình độ, kinh nghiệm, năng lực của mình. Như Chelsea của Robeto Di Matteo mùa trước, xác định được "thân phận" của mình, chấp nhận đá tử thủ trước mọi đối thủ, dựng lên chiếc xe bus 2 tầng trước khung thành của Petr Cech, sử dụng đấu pháp phòng ngự phản công. Chelsea bước lên đỉnh cao châu Âu không phải vì họ là đội sở hữu lực lượng mạnh nhất, mà vì họ biết đưa ra đấu pháp, cách tiếp cận trận đấu hợp lý.
Đã đến lúc Roberto Mancini thay đổi tư duy. Khi hàng thủ chơi tồi, cần lấy số đông để bù đắp cho chất lượng. Khi hàng tiền vệ không đủ nhanh, đủ khéo và khỏe để áp đặt đối phương, phản công là lựa chọn không tồi. Khi sở hữu một thủ môn siêu việt, hoàn toàn có thể yên tâm đá tử thủ. Man City nhập cuộc như thế ở Bernabeu của Real và thu lại hiệu quả cao.
Cánh cửa vẫn rộng mở đối với Man City. Nhưng vấn đề là họ phải dẹp bỏ cái tôi, vứt bỏ cái mác "nhà ĐKVĐ Premier League". Đá tử thủ, xe bus 2 tầng thì đã sao? Đó là một cách tiếp cận trận đấu chứ không phải một hình thức "chịu nhục".
(Theo Thể Thao Văn Hoá)