Khi UEFA ban hành Luật công bằng tài chính vào năm 2009 với mục tiêu tạo ra môi trường bóng đá châu Âu phát triển bền vững, tránh tình trạng nợ nần, các CLB làm bóng đá theo kiểu “giàu xổi” là đối tượng quan trọng nhất bị hướng tới. Malaga là một trong số đó, đội bóng Andalucia vừa bị tuyên phạt cấm tham dự Cúp châu Âu một mùa giải vì nợ lương cầu thủ và không thanh toán các khoản thuế đúng hạn.
Tan nát tiệc Giáng sinh
Malaga lẽ ra đã có một bữa tiệc Giáng sinh hoàn hảo. Hai ngày trước khi tiếp đón Real Madrid ở La Rosaleda, đội bóng áo xanh trắng đã lên kế hoạch cho một bữa ăn tối đầm ấm. Buổi sáng ngày hôm ấy, HLV Manuel Pellegrini cho đội tập luyện bình thường và theo dự kiến tất cả sẽ tham dự một bữa tiệc vào buổi tối với sự tham gia của đông đảo báo giới. Bất luận kết quả trận đấu với Real như thế nào, “Los Boquerones” vẫn có một năm thi đấu hoàn hảo. Họ giành vé vào vòng knock-out Champions League trong mùa giải đầu tiên tham dự với đối thủ đã được xác định là Porto, họ đang đứng trong tốp 4 La Liga và căng tràn hi vọng được dự giải đấu số 1 châu lục thêm một mùa giải nữa, họ cũng đã đặt một chân vào tứ kết Cúp Nhà Vua với mục tiêu kiếm một danh hiệu vào cuối mùa.Malaga bị cấm tham dự Cúp châu Âu trong một mùa giải
Vậy mà bữa ăn tối đã dọn sẵn ấy đã bị phá hủy. Theo tờ ABC, chẳng có ai tới dự tiệc, từ Chủ tịch Abdullah Al-Thani tới các thành viên ban giám đốc Malaga. Chỉ mình nhân viên phụ trách báo chí tới muộn và thông báo một tin buồn: UEFA vừa ra án phạt cấm đội bóng Andalucia dự Cúp châu Âu.
Theo thông báo từ Hội đồng kiểm tra tài chính của UEFA, Malaga sẽ bị loại khỏi các giải đấu do UEFA tổ chức trong mùa giải tiếp theo, án phạt có hiệu lực trong 4 mùa giải. Ngoài ra đội bóng của HLV Pellegrini sẽ bị cấm tiếp một mùa giải nữa nếu không thanh toán đủ khoản nợ còn tồn trước ngày 31/3/2013. Ngoài ra, Malaga còn bị phạt hành chính 300.000 euro.
Malaga phản ứng quyết liệt với lệnh cấm của UEFA, trong một thông cáo phát đi từ La Rosaleda, Malaga lên án đó là án phạt “phi lý và bất công”. Tổng giám đốc Vicente Casado tuyên bố sẽ đệ đơn kháng cáo lên Tòa án trọng tài thể thao (CAS) và Dios Crespo, một chuyên gia giải quyết các vụ kiện tụng của CAS sẽ thụ lý vụ việc này. Thời hạn 31/3 đã cận kề và Malaga đang gấp rút hoàn tất hồ sơ để những nỗ lực tại Liga mùa giải này không biến thành vô nghĩa.
Cái giá của giàu xổi
Khi Malaga rơi vào cảnh túng quẫn, chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất Fernando Sanz đã đáp máy bay tới Doha để cầu cứu hoàng thân Qatar, Abdullah Al-Thani. Al-Thani chấp nhận mua lại cổ phiếu và trở thành chủ sở hữu mới của đội bóng vào tháng 6/2010. Một tháng sau doanh nhân sinh năm 1969 được bầu làm chủ tịch trong Đại hội cổ đông và bắt đầu đổ tiền vào đội bóng. “Los Boquerones” trả lương cao để thuyết phục Van Nistelrooy về đầu quân và chiêu mộ hàng loạt ngôi sao Cazorla (19 triệu euro), Toulalan (10 triệu), Isco (6 triệu), Monreal (6 triệu), Joaquin (4,2 triệu), Demichelis (3 triệu)… Dẫn dắt dàn sao ấy là thuyền trưởng tài ba Manuel Pellegrini. Al-Thani đã đầu tư tổng cộng 200 triệu euro và chỉ mất hai năm để gặt hái thành công khi Malaga đánh bại Gijon 1-0 vào vòng đấu cuối mùa trước để giành tấm vé dự Champions League lần đầu tiên trong lịch sử. Đội bóng bao năm đứng dưới cái bóng Betis, Sevilla nay đã trở thành lá cờ đầu của bóng đá Andalucia.
Rắc rối bắt đầu xuất hiện vào mùa xuân năm nay, khi Malaga được thông báo đang nợ 12 triệu euro thuế chuyển nhượng cầu thủ và bản quyền truyền hình, cùng 9 triệu euro nợ lương cầu thủ và các nhân viên CLB. Hồi tháng 9, UEFA công bố danh sách 23 CLB có thể bị phạt bởi Luật công bằng tài chính, Malaga có tên trong đó, và tới ngày 21/12, “Los Boquerones” đã phải nhận án phạt.
Malaga đang nỗ lực kháng cáo, họ thông báo vừa thu được khoản lợi nhuận 7 triệu euro và đã đạt được thỏa thuận với cơ quan thuế cho phép chậm nộp thuế nếu vượt qua vòng bảng Champions League. Malaga cũng quả quyết khoản tiền thưởng 17 triệu euro từ UEFA sẽ giúp họ thanh toán số lương còn nợ và ông chủ Al-Thani có đủ năng lực tài chính cho một đề án phát triển bền vững và dài lâu cùng đội bóng. Nhưng những nguồn tin khác lại khẳng định Al-Thani đã không còn tiền. Mùa Hè 2012, Malaga đã phải bán đi các trụ cột như Cazorla (19 triệu euro), Rondon (10 triệu euro), Maresca (2 triệu)…
Bất ngờ thành nhà giàu, rồi bất ngờ trở lại kiếp nghèo, Malaga là ví dụ điển hình cho cách làm bóng đá chộp giật. Nếu kháng cáo bất thành, đội bóng áo xanh trắng sẽ phải chia tay những ngôi sao và trở lại là một CLB thường thường bậc trung như khi Al-Thani chưa đến.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)