Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Lược sử chiến thuật bóng đá (kỳ 7): Sơ đồ WM và đặc trưng cơ bản

Thứ Năm 12/05/2016 19:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Sơ đồ WM được đánh giá là cuộc cách mạng thứ hai trong lịch sử bóng đá khi làm thay đổi rất nhiều về tư duy chơi bóng thời đó và xây dựng một hệ thống khái niệm cũng như triết lý mới.

 
Những thay đổi của sơ đồ WM
 
Với đặc trưng là 3-2-2-3, sơ đồ này nhìn giống như chữ WM nếu liên kết riêng các cầu thủ phòng ngự và tấn công bằng những đường thẳng. Điểm khác biệt ở sơ đồ WM nằm ở một cầu thủ phòng ngự lùi sâu và bốn cầu thủ thi đấu ở tuyến giữa với những vai trò được phân chia rõ rệt. 
 
Herbert Chapman hinh anh
Nhãn quan chiến thuật sắc bén của Charlie Buchan (đi đầu) giúp tạo nên sơ đồ 3-2-2-3.

Điểm đầu tiên có thể thấy là sự cân bằng giữa số lượng cầu thủ và tấn công trên sân. Lần đầu tiên, các cầu thủ tham gia phòng ngự và tấn công (ngoại trừ thủ môn) được cân bằng nhau về số lượng là 5-5. Có thể đến thời điểm hiện tại, điều này không quá quan trọng nhưng so với thời của Chapman vào những năm 1920-30, đây đã là suy nghĩ "vượt thời đại". Trước đó, sơ đồ phổ biến nhất vẫn là 2-3-5 với số lượng cầu thủ tham gia tấn công nhiều hơn hẳn khi người ta vẫn chưa coi trọng chiến thuật phòng ngự bởi đã quá ỷ lại vào luật việt vị cũ.

Thêm vào đó, đặc trưng của sơ đồ WM là một cầu thủ phòng ngự lùi sâu. Cầu thủ này nhiệm vụ như một trung vệ thời hiện đại khi chỉ đứng trước thủ môn đảm nhiệm vai trò chuyên trách về phòng thủ. Trước đó, sơ đồ 2-3-5 chỉ có hai hậu vệ nhưng đá cánh nên điều đó làm hổng khu trung tuyến. Nay với một trung vệ thực thụ, khu trung tuyến sẽ được đảm bảo an toàn hơn. Ngoài ra, hai cầu thủ đứng ngay trước hàng phòng ngự ba người cũng được giao nhiệm vụ chỉ thu hồi bóng rồi chuyền thật nhanh lên tuyến trên.
 
Hai tiền vệ thu hồi đó được giao trọng trách kiểu như Makelele hay Kante thời hiện đại, với việc đá đơn giản nhưng hiệu quả trong những pha tranh chấp để thu hồi bóng hoặc phá những tình huống tấn công của đối phương. Nhờ thế, hàng phòng ngự theo sơ đồ WM trở nên chắc chắn hơn so với những chiến thuật đang thịnh hành thời bấy giờ. Một điểm đặc biệt nhất của WM là chiến thuật phòng ngự phản công. Trước đó, người ta vẫn nghĩ bóng đá là tấn công thuần túy nên không mấy quan tâm đến khái niệm phản công.
 
Nhưng khi luật việt vị được sửa đổi và thời đại bóng ngắn dần kết thúc, những pha bóng dài từ tuyến dưới dần được coi trọng. Sơ đồ WM cho phép thu hút tối đa số lượng cầu thủ tấn công của đối phương để bất ngờ tung ra những tình huống phản công bằng bóng dài nhằm "kết liễu" đối thủ một cách đầy bất ngờ.
 
Đặc trưng của sơ đồ WM
 
Trong khi phòng ngự, một cầu thủ lùi sâu thi đấu như trung vệ hiện đại là chìa khóa của chiến thuật này. Khi đó, hàng phòng ngự 5 người là điều bắt buộc trong sơ đồ WM với hai cầu thủ đá trên hàng phòng ngự nắm giữ vai trò thu hồi bóng.
 
Herbert Chapman hinh anh 2
Sơ đồ WM đã làm thay đổi tư duy bóng đá những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước.

Trung vệ lùi sâu phải không chiến tốt và có khả năng phán đoán tình huống để cản phá những pha bóng dài của đối thủ.
 
Các cầu thủ chạy cánh buộc phải trở về tham gia phòng ngự khi mất bóng. Điều đó khiến họ di chuyển liên tục nên yêu cầu về thể lực là rất lớn.
Khi phản công, việc hai cầu thủ chạy cánh băng lên phía trên rất quan trọng. Khi đó, những pha tấn công sẽ có ít nhất 5 cầu thủ giống như khi họ lui về phòng ngự.
 
Hai cầu thủ thu hồi bóng đóng vai trò quan trọng tương tự như những cầu thủ phòng ngự của hiện đại, khi vừa đảm trách nhiệm vụ thu hồi bóng vừa tham gia tấn công bằng những pha phát động.
 
Kỹ thuật của các cầu thủ cũng đòi hỏi cao hơn trước đó ở sơ đồ WM, khi họ cần giữ bóng tốt, đọc trận đấu và cắt đường chuyền, nhãn quan chiến thuật trong các trận đấu phải rộng hơn để bao quát sân, những đường chuyền cần độ chính xác hơn khi những pha tấn công dựa rất nhiều vào bóng dài. Điều quan trọng nhất là việc tuân thủ sơ đồ chiến thuật một cách tuyệt đối.
 
Như Đạt

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X